14:10 15/06/2015

Cử tri muốn sớm có Luật Từ chức, tự bầu chủ tịch xã

Nguyên Vũ

Kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội thứ 9 được Ban Dân nguyện tập hợp trong một văn bản trên 173.000 chữ

Một buổi tiếp xúc cử tri tại Tp.HCM - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Một buổi tiếp xúc cử tri tại Tp.HCM - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Đề nghị Quốc hội nghiên cứu soạn thảo ban hành sớm Luật Từ chức, vì thực tế hiện nay một số lãnh đạo không có năng lực quản lý, đảm đương công việc của ngành mình.

Đây là một trong hàng ngàn kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, vừa được Ban Dân nguyện tập hợp trong một văn bản trên 173.000 chữ gửi tới từng vị đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh các ý kiến độc lập, có rất nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan trực tiếp đến các nội dung đang được bàn thảo tại Quốc hội.

Để dân bầu chủ tịch xã

Cuối tuần này, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây cũng là dự án luật được cử tri rất quan tâm, góp nhiều ý kiến.

Ý kiến từ cử tri các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu nghị nên bãi bỏ hội đồng nhân dân cấp xã vì hiệu quả hoạt động không cao, làm cho bộ máy nhà nước cồng kềnh ảnh hưởng đến chủ trương cải cách hành chính, tinh giản biên chế hiện nay.

Đồng thời, dự thảo luật nên quy định chức danh chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã do nhân dân trực tiếp bầu.

Ghi nhận ý kiến từ các tỉnh Ninh Thuận, Cần Thơ, Long An, An Giang lại cho thấy, đông đảo cử tri đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng cấp chính quyền địa phương gồm hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính.

Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tạo điều kiện để chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng “xin - cho”.

Từ trải nghiệm thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường, tất nhiều ý kiến cử tri Quảng Trị kiến nghị sớm lập lại bộ máy hội đồng nhân dân các cấp.

Bởi trong khi thực hiện việc thí điểm, đã có rất nhiều khó khăn, cầu nối giữa cử tri với Nhà nước, sự giám sát của nhân dân bị hạn chế. Cử tri nhấn mạnh: việc thành lập hội đồng nhân dân tất cả các cấp là cần thiết nhằm kiểm tra, giám sát ủy ban nhân dân cùng cấp đồng thời đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.

ng cử phải kèm kê khai tài sản

Nhiều cử tri cũng bày tỏ băn khoăn về dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, cũng là dự thảo luật được thông qua tại kỳ họp này.

Nhiều ý kiến tại Tp.HCM kiến nghị Quốc hội khi xem xét thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn của ứng cử viên như đạo đức, trình độ chuyên môn. Đồng thời khi giới thiệu đại biểu ứng cử phải kèm theo kê khai tài sản minh bạch để cử tri cân nhắc bầu chọn đại biểu.

Tăng cường số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và hội đồng nhân dân cũng là quan điểm của cử tri thành phố này.

Còn theo cử tri Thái Bình thì để nâng cao chất lượng đại biểu dân cử, không nên nặng về cơ cấu, thành phần và đặc biệt cần giảm số đại biểu trong khối cơ quan quản lý nhà nước.

Dẫn quy định của Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có vai trò hướng dẫn hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp, cử tri Lạng Sơn nhận xét thực tế thực hiện hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn mang tính hình thức, chưa sâu sát, thiếu thực tế.

Nhận xét chung về công tác xây dựng pháp luật, có ý kiến cử tri cho rằng luật ban hành nhiều nhưng chưa đồng bộ, các văn bản pháp luật của còn thiếu cụ thể, tính khả thi không cao, luật chỉ được áp dụng trong khoảng thời gian ngắn, phải thường xuyên sửa đổi.

Theo cử tri, cần hạn chế giao Chính phủ hướng dẫn thi hành luật, tránh tình trạng vì lợi ích nhóm hoặc luật chỉ tạo sự thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước mà gây khó khăn cho người dân.