Cuộc chuyển dịch sang các trung tâm logistics thế hệ mới ở Việt Nam
Đang có sự chuyển dịch nhanh chóng từ các trung tâm logistics truyền thống sang các trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0
Báo cáo của Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 do Bộ Công Thương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 22-23/11 đã đề cập đến sự chuyển dịch cực mạnh đang diễn ra ở các trung tâm logistics ở Việt Nam.
Theo thống kê, cuối năm 2018, đầu năm 2019, trên toàn quốc có 6 trung tâm logistics lớn được khởi công xây dựng và đưa vào vận hành. Trong đó, miền Bắc có 2 trung tâm phân bố tại tỉnh Hưng Yên, miền Trung có 1 trung tâm tại Tp. Đà Nẵng và miền Nam có 3 trung tâm tại các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An.
Tổng diện tích các trung tâm khoảng 21,15 ha, trong đó lớn nhất là trên 5 ha và nhỏ nhất là 2 ha. Các trung tâm đa số đều là đa chức năng và phục vụ đa dạng mặt hàng, chỉ có trung tâm tại Long An chuyên về logistics phục vụ ngành ôtô.
Một số trung tâm logistics phức hợp mới ồ ạt được mở ra gần đây như Trung tâm Logistics Thăng Long; Trung tâm Logistics Phú Mỹ 3 ; Trung tâm Auto - logistics VPC; Trung tâm phân phối và nhà kho FM Logistic; Trung tâm phân phối phức hợp ICD TC Sóng Thần… Đây đều là các trung tâm logistics mới, đầu tư quy mô, áp dụng công nghệ, nhân viên đào tạo chuyên nghiệp.
Đáng chú ý nhất là dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng do Công ty Cổ phần Logistics Công nghệ cao Đông Nam Á thực hiện, diện tích 9,151 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.230 tỷ đồng, tương đương 54,2 triệu USD.
Tuy nhiên, đang có một cuộc chuyển dịch, nâng cấp sang các Trung tâm logistic thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới, với ước tính khoảng 5,5 triệu thiết bị mới được kết nối mỗi ngày. Việc kết nối những thiết bị phi truyền thống như pallet, xe cần cẩu, thậm chí xe rơ-mooc chở hàng với mạng internet ngày càng được mở rộng.
Các công ty logistics trên thế giới đang nhanh chóng cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng này và cải thiện tỷ suất lợi nhuận, thông qua việc trang bị các công cụ tự động, hiện đại như: Robot giúp tiết kiệm năng lượng, chi phí lao động phổ thông; Xe chuyển hàng tự động (AGV) có thể thực hiện đơn hàng, tự bổ sung hàng trong kho bãi; Ứng dụng cung cấp định tuyến và định hướng, tạo điều kiện cho chuyển hướng thông qua việc theo dõi trực tuyến phương tiện vận tải; Ứng dụng quét mã vạch trực tuyến trong quản lý kho; Tối ưu hóa hàng tồn kho dựa trên điện toán đám mây; Ứng dụng kiểm soát lao động hàng ngày trong logistics; Tích hợp hợp đồng dịch vụ, quản lý đơn hàng, quan hệ khách hàng trong logistics trực tuyến…
Tại Việt Nam, hiện nay đang có một số nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao như Blockchain vào hoạt động logistics. Trong đó, đang thực hiện việc nghiên cứu áp dụng đại trà e-DO (Giấy giao hàng điện tử) cho các lô hàng lẻ (LCL) và tham gia dự án e-B/L của Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế FIATA. Điển hình như Tân Cảng Sài Gòn đang áp dụng thử nghiệm e-Port, e-DO với một vài hãng tàu…
Đáng chú ý, một số ứng dụng công nghệ thông tin rong hoạt động sản xuất, kinh doanh logistics đang được áp dụng rộng rãi.
Thứ nhất là quản lý vận tải, hệ thống định vị GPS cung cấp định tuyến cho người quản lý xa cũng như cung cấp cập nhật thông tin lô hàng cho khách hàng; Tạo các Sàn giao dịch vận tải - Sàn giao dịch giúp kết nối xe tải với người gửi hàng, kết nối cung (xe tải nhàn rỗi) và cầu (chủ hàng có hàng cần gửi), giúp tận dụng tài nguyên, tiết kiệm chi phí; Hệ thống định tuyến - Những phần mềm lập kế hoạch cho đường xe chạy, theo dõi lượng hàng trên xe…
Quản lý kho hàng, tự động hóa đã được thiết lập ở nhiều kho, bãi tự động hóa quy trình công việc bằng hệ thống quản lý kho (WMS). Dù hệ thống này đã chứng tỏ giúp kho hàng hoạt động hiệu quả, nhưng tự động hóa toàn bộ là việc có thể xây dựng những kho hàng được tự động hóa và thiết kế có chủ đích.
Thứ hai là làm việc "di động" trong ngành logistics. Điển hình đó là tạo các kênh tiếp cận thông tin dịch vụ đến gần hơn với khách hàng như website, fanpage, twitter, các web vệ tinh … với các tính năng ưu việt dễ dàng sử dụng bằng smartphone từ đó tạo tính dễ kết nối giữa khách hàng và doanh nghiệp.
Đồng thời tạo nhóm hỗ trợ tư vấn và cung cấp dịch vụ cho khách hàng nhanh chóng, kịp thời; Tạo hệ thống câu hỏi lấy ý kiến khách hàng bằng ứng dụng công nghệ; tạo các nhóm group hỗ trợ về kiến thức xuất nhập khẩu, logistics trên mạng xã hội từ đó, tạo ra các cơ hội tiếp cận khách hàng cũng như cơ hội kinh doanh mới.
"Việc áp dụng công nghê đặc biệt là sử dụng Big Data và AI để phân tích dữ liệu và phối hợp nguồn nhân lực vào hoạt động sản xuất kinh doanh là giải pháp tối ưu. Lấy công nghệ làm cốt lõi cho sự phát triển, cho nền móng của một dịch vụ logistics hiện đại, tham gia sâu vào hoạt động của chuỗi cung ứng nhằm tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng quốc tế, phát triển mạnh mẽ trở thành một nhà cung cấp 4PLs có thương hiệu, có công nghệ logistics và các hệ thống phần mềm chuỗi cung ứng, kết nối với khách hàng đảm bảo các giá trị cốt lõi", báo cáo nhận định trong tương lai, định hướng đầu tư mở rộng trung tâm logistics theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 nhằm giảm chi phí với mục tiêu logistics tích hợp, đặc biệt là trong ngành thương mại điện tử và chuyển phát nhanh sẽ là xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Một sự kiện mang tính nhảy vọt, cuối năm 2018, tại Việt Nam bắt đầu hình thành một mô hình mới, đó là Dropshipping. Đây là một dạng mô hình hình kinh doanh cho phép cửa hàng trực tuyến vận hành mà không cần đến quy trình lưu trữ tồn kho, sở hữu sản phẩm và vận chuyển sản phẩm đến khách hàng. Mô hình này phù hợp với những người mới với số vốn ít ỏi, không cần sở hữu sản phẩm.
Hình thức này còn được xem là một hình thức quản lý chuỗi cung ứng "từ bỏ qua khâu vận tải", tại đấy, nhà bán lẻ sẽ không giữ hàng trong kho. Khi khách hàng đặt mua hàng, dropshipper sẽ làm trung gian nhận hàng từ nhà cung cấp và nhà vận chuyển hàng để mang hàng hóa đến tay khách hàng.
Mô hình này tập trung chủ yếu vào việc marketing sản phẩm, theo dõi đơn hàng, chăm sóc khách hang và quản lý địa chỉ online bán hàng (một số trang web như Tiki, Lazada, Shopee, Amazon, eBay…). Lợi nhuận chính là mức phí chênh lệch giá giữa nhà cung cấp và giá bán đã trừ đi chi phí vận chuyển. Trong đó, người vận hành mô hình này được gọi là SropShipper.
Điển hình cho mô hình mới này, có thể kể đến Netsale, với nền tảng dropshipping hoàn toàn miễn phí giúp người bán hàng có thể tiếp cận trực tiếp các nguồn hàng từ nhà sản xuất. Từ đó, người bán dễ dàng đưa sản phẩm lên các sàn E-commerce kết nối cùng Netsale và sử dụng dịch vụ vận chuyển từ nhà sản xuất đến tận tay người mua hàng.
Netsale áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ từ việc phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ vững chắc và mở rộng kết nối với các đối tác chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, góp phần tạo nên một hệ sinh thái thương mại điện tử và bán hàng xuyên biên giới dành cho thị trường khu vực, trong đó có Việt Nam.