15:53 12/11/2008

Cước vận tải biển giảm chưa từng thấy

Xuân Vũ

Giá cước vận tải biển “xuống dốc không phanh” khi giảm từ 30%- 90% trong vòng 3 tháng qua

Ông Đỗ Xuân Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam - cho biết, hiện tại giá cước vận tải biển đã xuống đến đáy và không thể nào còn giảm thêm được nữa - Ảnh: Việt Tuấn.
Ông Đỗ Xuân Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam - cho biết, hiện tại giá cước vận tải biển đã xuống đến đáy và không thể nào còn giảm thêm được nữa - Ảnh: Việt Tuấn.
Giá cước vận tải biển “xuống dốc không phanh” khi giảm từ 30%- 90% trong vòng 3 tháng qua. Nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động cầm cự, doanh nghiệp nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản.

Bức tranh ngành vận tải biển đang trở nên u ám nhất những năm trở lại đây. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm sụt giảm mạnh nhu cầu vận tải ở tất cả các lĩnh vực.

Giá cước giảm 30-70% trong vòng 3 tháng

Chỉ trong vòng 3 tháng, sau khi tăng cao giá cước vận tải đã quay đầu giảm chóng mặt. Theo Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, giá giảm mạnh nhất là loại tàu hàng khô có trọng tải từ 40.000 tấn đến trên 100.000 tấn, giảm tới 90%.

Có thời điểm, chỉ trong một tuần, giá cho thuê định hạn tàu hàng rời trọng tải 74.000DWT từ chỗ 40.000 USD/ngày đã giảm xuống còn 19.000 USD/ngày. Thời giá cước vận tải biển ở đỉnh cao, giá cho thuê định hạn một tàu loại này lên tới 70.000 USD/ngày. Bây giờ, sau 3 tháng giảm liên tục giá cước chỉ còn từ 10.000 - 12.000 USD/ngày. Từ khoảng đầu tháng 7 đến nay, giá cước vận tải biển bình quân đã giảm từ 30 - 70%.

Các tàu chở container cũng giảm cước mạnh, chỉ kém hơn những tàu hàng cỡ lớn. Hiện chỉ có tàu chở dầu là vẫn giữ giá do hàng loạt tàu dầu đáy đơn bị công ước quốc tế của IMO (Tổ chức Hàng hải Thế giới) loại bỏ. Vì vậy, tàu dầu đáy đôi mới được đóng bổ sung không nhiều nên cung - cầu vẫn ở mức cân bằng.

Ông Đỗ Xuân Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam - cho biết, hiện tại giá cước vận tải biển đã xuống đến đáy và không thể nào còn giảm thêm được nữa. Mới cách đây không lâu, giá cước vận tải container tuyến châu Âu vào khoảng 1.500 USD/container 20’. Đến thời điểm này, con số này chỉ là 500 USD, thậm chí nhiều chủ tàu cũng đã chấp nhận giá 300 - 400 USD/container.

Ông nói: “Mặc dù đã được cảnh báo về mức giảm giá cước từ trước đó, khi đợt giảm giá này xảy ra, Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cũng đã đưa ra những cảnh báo đối với các doanh nghiệp thành viên. Tiểu ban kinh tế của Hiệp hội khi đó đã nhận định rằng đợt tăng giá nhanh và đạt kỷ lục vào quý 3/2007 cũng mang theo những e ngại về độ chắc chắn và ổn định của giá cước vận tải biển. Thực tế đã diễn ra đúng như dự đoán, tuy nhiên về mức độ thì có nặng nề hơn”.

Giá cước giảm nhanh và quá thấp khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành vận tải biển đang gặp khá nhiều khó khăn. Ông Vũ Hữu Chinh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cho biết, hiện nhiều nước các chủ tàu đã chọn phương án tránh thiệt hại nhất là cho tàu neo nghỉ không khai thác vì giá cước quá thấp, càng chạy sẽ càng lỗ. Thời điểm này, Vosco cũng khó khai thác hàng cho các tàu có trọng tải lớn.

Bài học cho doanh nghiệp phát triển nóng

Với Vinalines, ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Công ty Vận tải biển Vinalines nói: “Tàu thuê định hạn giảm giá, hàng hoá luân chuyển giảm mạnh... cầm cự qua được cơn bão giảm giá này cũng là một cố gắng lớn”. Đại diện Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship cũng cho rằng, đang phải chèo chống vượt qua sóng lớn. Ba tháng cuối năm, phấn đấu hoà vốn đã là may mắn.

Theo ông Đỗ Xuân Quỳnh, có thể nói các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển nói chung và doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam nói riêng, đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn. Giá cước giảm quá nhiều đã đặt gánh nặng lên vai các chủ tàu. Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, trong đợt giảm giá này, những doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển có truyền thống, bề dày kinh nghiệm và có quá trình phát triển bền vững như Vosco, Vitranchart, Vinaship... sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt này chính là những doanh nghiệp mới nổi gần đây phát triển quá nóng. Nhiều doanh nghiệp đầu tư tàu một cách ào ạt, thiếu định hướng, thiếu nhận định thị trường dài hạn, bây giờ đang khổ vì thừa tàu mà thiếu hàng. Các doanh nghiệp cho thuê định hạn cũng không “thoát nạn”, đã có những hợp đồng thuê định hạn bị hủy và những trường hợp như thế sẽ không dừng lại. Không có hàng, bên thuê thà hủy hợp đồng và chịu phạt một lần còn hơn kéo dài cả hợp đồng để rồi lỗ nặng.

Trước những khó khăn dồn dập vì giá cước giảm kỷ lục, các doanh nghiệp vận tải biển phải làm gì để chống đỡ, nhất là các doanh nghiệp trẻ?

Theo ông Quỳnh, giá cước đã xuống quá thấp và không thể giảm tiếp là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Chỉ khi tình hình này được cải thiện thì cước vận tải mới mong có cơ hội tăng trở lại. Trước mắt, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần phải bám sát thông tin thị trường để có thể điều chỉnh mức giá hợp lý, cố gắng duy trì những bạn hàng truyền thống, những tuyến có tiềm năng trong điều kiện nguồn hàng càng khan hiếm hiện nay.

Về lâu dài, theo ông Quỳnh, các doanh nghiệp mới vào nghề cần rút ra bài học: phát triển đội tàu là thực sự cần thiết, nhưng cần phải có một lộ trình phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và của thị trường. Nếu phát triển ào ạt, không định hướng, bỏ qua yếu tố thị trường như thời gian qua, kết cục sẽ không tốt đẹp. Phát triển đội tàu phải đồng bộ với phát triển nhân lực, cơ sở hạ tầng phục vụ đội tàu cũng như cơ sở hạ tầng cảng biển.

Cuối cùng, phát triển đội tàu cần gắn với môi trường và thân thiện với môi trường, trong đó cần phải tính cả đóng mới và mua tàu cũ. Phát triển đội tàu phải đạt được sự ổn định và bền vững, phải có kế hoạch lâu dài không nên chạy theo nhu cầu trước mắt.