Cuối tuần, giá vàng tuột mốc 42 triệu đồng/lượng
Tuy nhiên, tuần này đã là tuần tăng giá thứ ba liên tiếp của vàng
Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên ngày thứ Sáu, khiến giá vàng trong nước sáng thứ Bảy (17/8) giảm dưới mốc 42 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, tuần này đã là tuần tăng giá thứ ba liên tiếp của vàng.
Lúc hơn 9h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 41,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,95 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 41,5 triệu đồng/lượng và 41,9 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.
So với cùng thời điểm hôm qua, giá vàng miếng hiện giảm 200.000-300.000 đồng/lượng.
Dù giá vàng miếng xuống dưới 42 triệu đồng/lượng, giá sản phẩm vàng 999,9 ở một số doanh nghiệp vẫn đứng trên mốc này. Chẳng hạn, giá nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu lúc hơn 9h có giá 41,44 triệu đồng/lượng và 42,04 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.
Giá vàng trong nước đang trong giai đoạn biến động mạnh do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, nên các công ty kim hoàn trong nước khá thận trọng, áp dụng mức chênh lệch lớn giữa giá mua và bán ra. Khách giao dịch vàng vào những thời điểm như thế này này sẽ chịu "thiệt" nhiều hơn, vì phải bán với giá thấp hơn và mua với giá cao hơn.
Đầu giờ sáng nay, chênh giá mua-bán vàng miếng và cả sản phẩm vàng 999,9 trên thị trường phổ biến từ 450.000-500.000 đồng/lượng, có nơi lên tới 600.000-700.000 đồng/lượng.
Tuần này, giá vàng miếng tăng khoảng 300.000 đồng/lượng, tiếp tục bám khá sát diễn biến của giá vàng thế giới. So với giá vàng quốc tế quy đổi, giá vàng miếng đang rẻ hơn khoảng 300.000 đồng/lượng.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 10,1 USD/oz, tương đương giảm 0,7%, còn 1.513,8 USD/oz.
Vàng giảm giá phiên này do thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại. Ngoài ra, kim loại quý này cũng chịu áp lực giảm do hoạt động chốt lời của một số nhà đầu tư.
Tuần này, có lúc giá vàng vượt 1.530 USD/oz, cao nhất 6 năm, nhờ nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư toàn cầu tăng cao vì nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ và thế giới có thể sắp xảy ra. Bên cạnh đó, giá vàng cũng được hỗ trợ bởi xu hướng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Tuy giảm trong phiên cuối của tuần, giá vàng thế giới tăng 1% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tục. Kể từ đầu tháng 8 đến nay, giá vàng đã tăng 6%.
Trong một báo cáo được trang MarketWatch trích dẫn, nhà phân tích Christopher Louney của RBC Capital Markets nhấn mạnh rằng không chỉ giới đầu tư nhỏ lẻ mà các nhà đầu tư tổ chức cũng đang gia tăng nắm giữ vàng.
"Các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng trong thời gian qua", ông Louney nói, đồng thời trích đánh giá của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới ít nhất sẽ không bán ròng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục mua ròng vòng trong thời gian 1 năm tới.
"Nhìn chung, quan điểm của chúng tôi là trong năm tới, các ngân hàng trung ương sẽ mua ròng nhiều hơn số 500 tấn vàng mà họ đã mua ròng trong năm nay", nhà phân tích này nhận định.
Trong phiên ngày thứ Sáu, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng gần 5 tấn vàng, giảm khối lượng nắm giữ còn 844 tấn vàng. Tuần này, quỹ bán ròng hơn 8 tấn vàng.