Cựu lãnh đạo Alibaba thành lập liên doanh AI, phá vỡ độc quyền dữ liệu của các gã khổng lồ công nghệ
Liên doanh được xây dựng dựa trên khái niệm hoàn toàn mới về “máy tính AI cá nhân”, thay đổi căn bản cách người dùng và doanh nghiệp tương tác với các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM)…
Trong một vài năm trở lại đây, làn sóng LLM do ChatGPT đại diện đã làm thay đổi sâu sắc cục diện của ngành trí tuệ nhân tạo, từ các mô hình cơ bản đến nhiều ứng dụng thực tế và hơn thế nữa.
Gần đây, 36Kr tình cờ có buổi làm việc với KMind, một startup Trung Quốc tập trung phát triển khái niệm hoàn toàn mới mang tên “máy tính AI cá nhân” (PAIC).
TỪ CỰU LÃNH ĐẠO ALIBABA ĐẾN HÀNH TRÌNH KHỞI NGHIỆP
KMind được thành lập bởi ông Wu Hanqing, nhà nghiên cứu kiêm cựu Giám đốc Công nghệ Bảo mật của Tập đoàn Alibaba. Trước khi khởi nghiệp cùng KMind, Giám đốc Wu làm việc trong nhóm do Wang Jian, nhà sáng lập Alibaba Cloud, lãnh đạo. Kể từ năm 2020, ông Wu đã tập trung vào lĩnh vực AI, khám phá một số khía cạnh lân cận như trò chơi trên nền tảng đám mây, kết xuất đám mây và các hoạt động kinh doanh khác thuộc Alibaba Cloud, trước khi từ chức vào tháng 5 năm ngoái. Startup KMind còn có sự hậu thuẫn của cựu kỹ sư Alibaba Chen Dongbai và Yu Kai Cheng, người đứng đầu bộ phận AutoLab tại Đại học Westlake (Hàng Châu, Trung Quốc).
MÁY TÍNH AI CÁ NHÂN (PAIC)
Về cách người dùng tương tác với PAIC của hãng, KMind đề xuất khái niệm “Star Companions” (tạm dịch là ngôi sao đồng hành).
Star Companions là trợ lý cá nhân được hỗ trợ bởi kOS, hệ điều hành dựa trên AI mới được phát triển bởi KMind. Theo đó, “trợ lý” sẽ tự động trò chuyện và làm việc với người dùng theo đúng ý định của họ. Dữ liệu thu thập từ quá trình sử dụng sẽ được lưu trữ ở một phần gọi là “star soul” nhằm hỗ trợ tính năng cá nhân hóa, cho phép Star Companions hiểu rõ hơn về người dùng theo thời gian.
Ngoài ra, các “ngôi sao đồng hành” có thể kết nối liên lạc và trao đổi thông tin với nhau, nâng cao khả năng hỗ trợ người dùng.
Người dùng cũng có thể tải lên và quản lý dữ liệu bằng cách sử dụng “star disk”, đóng vai trò như ngân hàng kiến thức và kinh nghiệm cá nhân. Theo KMind, dữ liệu lưu trữ trong “star disk” sẽ không được sử dụng để huấn luyện các mô hình AI.
Khái niệm “action units (ACTs)” được sử dụng để mô tả các nhiệm vụ khác nhau có thể thực hiện bởi Star Companions, từ cuộc trò chuyện thông thường đến nhiệm vụ công việc phức tạp. Star Companions có thể sử dụng ở chế độ “đồng hành” hoặc “công việc”. Chế độ thứ nhất triển khai giống như những người bạn đang trò chuyện thân mật, trong khi chế độ thứ hai giúp con người hoàn thành nhiều nhiệm vụ theo từng định hướng công việc khác nhau. Star Companions có thể sử dụng ACTs để dự đoán thiết lập chế độ cài đặt phù hợp.
Trong tương lai, hệ thống ACTs mới có thể được phát triển để phục vụ nhu cầu và yêu cầu đa dạng hơn của người dùng.
Điều đáng chú ý là, sau khi rời Alibaba Cloud, nỗ lực ban đầu của cựu Giám đốc Wu và nhóm là ra mắt Kuixing vào tháng 7/2023, trợ lý B2C thông minh hỗ trợ một số chức năng như tóm tắt tài liệu, vẽ và tạo video ngắn. Mặc dù tích lũy được 100.000 người dùng trong vòng ba tháng kể từ khi ra mắt nhưng Kuixing không thể giải quyết vấn đề ảo giác phiến diện của đa số mô hình học máy, cuối cùng dẫn đến tỷ lệ giữ chân người dùng thấp.
Cú ngã đã thúc đẩy nhóm suy ngẫm và xem xét vấn đề vĩ mô của các mô hình ngôn ngữ lớn, từ đó hình thành khái niệm và ra mắt thế hệ PAIC đầu tiên.
Được thiết kế chú trọng đến khả năng truy cập của người dùng, PAIC của KMind được hỗ trợ bởi kOS, công nghệ độc quyền dựa trên nguyên tắc thông tin, kiểm soát và lý thuyết hệ thống, tập trung vào quá trình tìm hiểu ý định của người dùng và hoàn thành nhiệm vụ với độ chính xác cao. Tận dụng bộ điều khiển thông minh, thiết bị có thể hiểu ý định của người dùng, phân tách tác vụ phức tạp và lên lịch cho từng đơn vị thực thi khác nhau để hoàn thành.
Hệ thống được thiết kế nhằm hợp nhất mạng nơ-ron và ngôn ngữ lập trình nâng cao, kết hợp khả năng khái quát hóa của mạng nơ-ron với khả năng suy luận logic của ngôn ngữ lập trình cấp cao nhằm nâng cao độ chính xác trong phản hồi. Nói một cách đơn giản, khái niệm hoàn toàn mới này hy vọng sẽ giữ được điểm mạnh của cả mô hình ngôn ngữ lớn và kỹ năng của lập trình viên.
BÁN SỨC MẠNH TÍNH TOÁN, KHÔNG BÁN DỮ LIỆU
Trong khi các công ty khởi nghiệp thường chú ý tới OpenAI khi cân nhắc chiến lược kinh doanh thì KMind lại đang vạch ra lộ trình riêng. Ông Wu cho rằng những gã khổng lồ internet đã trở thành trung tâm tổng hợp thông tin, dần dần độc quyền dữ liệu và tư nhân hóa nội dung do người dùng tạo ra để kiếm lợi nhuận. Xu hướng làm dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư và đe dọa quyền tự do internet.
Đáp lại, nhóm sáng lập KMind đã áp dụng cách tiếp cận nguồn mở. Công ty lên kế hoạch sử dụng các thuật toán tìm kiếm và đề xuất nguồn mở khi hệ thống hoàn thiện, được quản lý bởi một Ủy ban nguồn mở. Theo ông Wu, sứ mệnh của KMind là trao quyền cho người dùng cá nhân khai thác giá trị từ dữ liệu của riêng họ, khác với xu hướng độc quyền của nhiều đại gia công nghệ hiện nay.
Cựu Giám đốc chia sẻ với 36Kr rằng hiện có hai mô hình kinh doanh phổ biến trong ngành khai thác dữ liệu: mô hình doanh thu dựa trên quảng cáo được minh hoạ bởi Google và mô hình thanh toán trực tiếp cho người dùng được OpenAI sử dụng. KMind nhận thấy hạn chế ở cả hai cách tiếp cận: mô hình dựa trên quảng cáo có nguy cơ đối diện với những vấn đề đạo đức, trong khi một vài biến động cấp quản lý gần đây tại OpenAI cho thấy nguồn gốc phi lợi nhuận và khát vọng thương mại hoá của công ty khó có thể dung hoà.
Do đó, KMind định hướng kiếm tiền bằng cách bán sức mạnh tính toán thay vì dữ liệu người dùng. Theo ông Wu, mô hình sẽ thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ trong hệ sinh thái KMind. Công ty sẽ chia sẻ sức mạnh tính toán, lập trình viên sẽ đóng góp thuật toán và người dùng có thể cung cấp dữ liệu, đảm bảo rằng quyền sở hữu dữ liệu vẫn thuộc về người dùng trong khi lập trình viên được hưởng lợi từ giá trị do thuật toán tạo ra.
Do tính chất sử dụng nhiều tài nguyên của máy tính và máy chủ, KMind đã tránh áp dụng phiên bản miễn phí, chọn lựa mô hình đăng ký trong đó người dùng phải trả phí hàng tháng để truy cập vào tài nguyên khi cần.
Ông Wu từ chối phác thảo kế hoạch tương lai cụ thể cho KMind. Tuy nhiên, ông bày tỏ rằng mục tiêu hiện tại của KMind là kết nối một cách dân chủ hơn hai tỷ người trên toàn thế giới thông qua AI.