Cứu ngân hàng, Mỹ rơi đúng vào “vết xe đổ” của Nhật?
Việc Mỹ và châu Âu thi nhau chi hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD để cứu hệ thống ngân hàng đang bị người Nhật xem là sai lầm lớn
Trong khi Mỹ và châu Âu thi nhau chi hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD để cứu hệ thống ngân hàng, những người dày dạn kinh nghiệm trong ngành tài chính ở Nhật cho rằng, biện pháp này đúng là những sai lầm mà Nhật đã mắc phải trong lần suy thoái trước đây.
Bài học chưa thuộc?
Trong thập niên 1990, Nhật Bản đã trải qua những thách thức tương tự như những gì đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu hiện nay.
Khi đó, kinh tế Nhật đã có cả một thập kỷ đình trệ, các ngân hàng chồng chất nợ nần, các chính phủ nối tiếp nhau liên tục tiêu phí hàng ngàn tỷ Yên để vực dậy hệ thống nhà băng mà chẳng đem lại hiệu quả gì.
Chỉ tới năm 2003, Chính phủ Nhật khi đó mới đưa ra được những biện pháp dẫn tới sự phục hồi cho nền kinh tế nước này.
Đó là, buộc các ngân hàng lớn phải tuân thủ những vụ kiểm toán không nương tay và phải công bố nợ xấu; tăng đầu tư công thêm 2.000 tỷ Yên, tương đương hơn 22 tỷ USD ngày nay; quốc hữu hóa một ngân hàng lớn cho dù vụ quốc hữu hóa này gây thiệt hại nặng cho cổ đông; chấp nhận để mặc những ngân hàng yếu hơn không trụ nổi phải đổ vỡ…
Tới khi những biện pháp “lạnh lùng” trên được đưa ra, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật đã sụt giảm mất 3/4 giá trị từ mức đỉnh trước đó, giá địa ốc tại nước này đã giảm 15 năm không nghỉ, nợ chính phủ đã vượt quá GDP, gọng kìm thiểu phát siết chặt quần đảo Nhật Bản.
Một số nhà nghiên cứu về giai đoạn lịch sử trên của Nhật cho rằng họ nhận thấy nước Mỹ đang sa vào vết xe đổ trong cách giải quyết khủng hoảng trước đây của đất nước Mặt trời mọc.
“Tôi cứ nghĩ nước Mỹ đã học được gì đó từ thất bại của Nhật Bản chứ. Tại sao họ lại có thể lặp lại cùng những sai lầm đó nhỉ?”, ông Hirofumi Gomi, một quan chức hàng đầu thuộc Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản, nhận xét.
Một số nhà phê bình ở Mỹ chỉ trích kế hoạch giải cứu khối tài chính mà Bộ trưởng Bộ tài chính nước này Timothy Geithner công bố hôm 10/2 vừa qua là thiếu chi tiết. Nhưng các chuyên gia ở Nhật thì cho rằng, đây là một kế hoạch còn “rụt rè”, xét tới quy mô của cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng mà chính phủ của Tổng thống Barack Obama đang phải đương đầu.
“Tôi nghĩ là Chính phủ Mỹ biết cuộc khủng hoảng này lớn tới mức nào, nhưng họ không muốn nói nó lớn tới mức nào. Cuộc khủng hoảng này lớn tới mức họ không thể thừa nhận thực tế đó”, kinh tế gia John Makin thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận xét.
Ông nói thêm: “Những bài học của Nhật Bản ở những năm 1990 cho thấy nước Mỹ cần hành động mạnh hơn và phải quốc hữu hóa một số ngân hàng”.
Trên thực tế, ban đầu người Nhật cũng đã từng dò dẫm thử nhiều “liều thuốc” mà chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã dùng và chính quyền của ông Obama hiện nay đang dùng. Đó là hạ lãi suất, kích thích tài khóa, bơm tiền…
Thậm chí, Nhật còn nỗ lực huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân để mua một số tài sản độc hại trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, đúng như những gì mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Geithner đang đề xuất thực hiện trong kế hoạch vẫn được gọi là “bad bank”.
Một lý do khiến Nhật Bản khi đó có những giải pháp “nhút nhát” như vậy là do Chính phủ e ngại dân chúng có thể nổi giận. Mỗi khi tiền thuế bị đem đi giải cứu các ngân hàng, sự phản đối của dân chúng lại gia tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của Nhật cho thấy, để giải quyết đống đổ nát của ngành ngân hàng đòi hỏi chính phủ phải mạnh tay và phải chi số tiền cực lớn. Mặt khác, càng trì hoãn việc khắc phục sẽ càng tốn kém.
Một bài học nữa là việc cứu hệ thống ngân hàng sẽ quyết định số phận của nền kinh tế. Mặc dù ông Obama đang ưu tiên kế hoạch kích thích kinh tế của ông, hoạt động kích thích tăng trưởng sẽ chỉ có thể thành công một khi những vết rạn trong hệ thống hệ thống ngân hàng được hàn gắn.
“Tôi cho rằng ông Obama đang mắc phải một sai lầm chiến thuật”, ông Makin nói.
Cách làm của Nhật: Phải thật “rắn”!
Cuộc khủng hoảng diễn ra ở Nhật trong thập niên 1900 và đầu những năm 2000 cũng xuất phát gốc rễ tương tự như cuộc khủng hoảng hiện nay ở Mỹ: Bong bóng địa ốc “nổ”, khiến các ngân hàng khốn đốn vì hàng nghìn tỷ Yên nợ xấu.
Ban đầu, các nhà lãnh đạo Nhật Bản không lường hết được mức độ tàn phá của sự lao dốc trên thị trường địa ốc đối với hệ thống ngân hàng. Ở Mỹ, chính sách tiền tệ nới lỏng đã dẫn tới tình trạng đầu cơ cổ phiếu và nhà đất cũng như tình trạng cho vay bừa bãi của các ngân hàng.
Khi khủng hoảng mới manh nha, nhiều nhà hoạch định chính sách Nhật ban đầu cho rằng việc áp dụng lãi suất thấp và các biện pháp kích thích kinh tế sẽ giúp các ngân hàng tự phục hồi. Nhưng tới cuối năm 1997, một loạt ngân hàng tại nước này đã đổ vỡ, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tín dụng.
Buộc phải hành động gấp, Chính phủ Nhật khi đó bơm 1.800 tỷ Yên, tương đương gần 20 tỷ USD ngày nay, vào các ngân hàng lớn của nước này. Nhưng đợt bơm vốn này do quá nhỏ, không được lên kế hoạch tốt, và do các nhà chức trách còn chưa hiểu hết về mức độ nguy hiểm trong hệ thống, nên đã không thể ngăn chặn được sự leo thang của khủng hoảng.
Cử tri Nhật nổi giận khi thấy tiền thuế bị Chính phủ lãng phí và đã trừng phạt liên minh cầm quyền bằng cách buộc Thủ tướng Ryutaro Hashimoto phải từ chức. Sau đó, nỗi lo về sự giận dữ của dân chúng đã “trói tay” Chính phủ Nhật.
Cũng vì lo ngại có thêm tin xấu xuất hiện, Chính phủ Nhật khi đó đã không buộc các doanh nghiệp công bố và cắt bỏ nợ xấu. Các khoản vay đã cấp cho các doanh nghiệp được liệt vào hàng dở sống dở chết vẫn tiếp tục được giữ trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, thay vì được công bố cụ thể và đánh tụt giá trị.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật tiếp tục thử nghiệm những biện pháp mới, trong đó đáng chú ý nhất là thành lập hàng loạt quỹ đầu tư có sự góp vốn một phần của tư nhân để mua tài sản xấu của các ngân hàng. Tuy nhiên, lượng nợ xấu mà các quỹ này mua vào rất nhỏ giọt do quy mô của các quỹ chỉ là nhỏ bé. Đồng thời, việc bán nợ xấu cũng chẳng giúp các ngân hàng giải quyết được tình trạng thiếu vốn là bao, vì giá bán những tài sản này rất rẻ mạt.
Ước tính, số tiền thuế của dân mà Chính phủ Nhật chi ra khi đó để cứu các ngân hàng chỉ thu hồi chưa được một nửa. Trong thời kỳ 1992 - 2005, các ngân hàng Nhật đã thâm hụt tài sản khoảng 96.000 tỷ Yên, tương đương 19% GDP hàng năm của nước này.
Cho tới lúc này, kế hoạch khôi phục khối tài chính của chính quyền Obama vẫn né tránh những quyết định khó khăn nhất như quốc hữu hóa các ngân hàng, loại bỏ các cổ đông, hay để các ngân hàng ôm quá nhiều nợ xấu tự sụp đổ. Trên thực tế, Nhật Bản cuối cùng đã buộc phải để những điều này xảy ra.
“Thật đáng ngạc nhiên là Mỹ đang lặp lại sai lầm của Nhật. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ thì lúc nào mà chẳng sẵn sàng khuyên nước Nhật phải làm thế này, thế kia cơ mà”, kinh tế gia Makin nói.
Các chuyên gia cho biết, những sai lầm của Nhật trên đã khiến hệ thống tài chính của nước này mất 6 năm sau khi khủng hoảng nổ ra mới có thể phục hồi. Năm đó, Chính phủ của nhà lãnh đạo cải cách Junichiro Koizumi đã ra lệnh kiểm toán nghiêm ngặt những ngân hàng hàng đầu của Nhật. Người lãnh đạo chương trình cải cách tài chính của Nhật khi đó là ông Heizo Takenaka, và kế hoạch cải cách này cũng mang tên ông, Kế hoạch Takenaka.
Ban đầu, các ngân hàng công khai phản đối Takenaka. “Chính phủ không thể yêu cầu lãnh đạo ngân hàng làm việc này, việc kia. Như thế là quá lố bịch”, ông Yoshifumi Nishikawa, Chủ tịch tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group, phát biểu vào năm 2002.
Nhưng ông Heizo Takenaka vẫn giữ vững quan điểm của mình. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông kể lại: “Khẩu hiệu của tôi khi đó đối với các ngân hàng là: “Đừng che giấu điều gì. Đừng trốn tránh mà phải tuân thủ quy tắc”. Tôi nói rõ với họ là tôi ở vị trí giám sát họ và tôi sẽ không đàm phán gì với họ hết”.
Phải mất 3 năm, kế hoạch của ông Takenaka mới giải quyết được phần lớn số nợ xấu trong các ngân hàng. Ngân hàng Resona do bị phát hiện thiếu vốn đã bị quốc hữu hóa. Sự cứng rắn của ông Takenaka đã giúp phục hồi lại niềm tin của dân chúng và thị trường vào hệ thống ngân hàng.
Đúng lúc đó, kinh tế Nhật đón một cơn gió lành mới, đó là sự bùng nổ của hoạt động xuất khẩu sang Mỹ , góp phần đáng kể cho sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, lúc này, nước Mỹ có lẽ không thể trông đợi ở sự gia tăng nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa của mình, vì suy thoái kinh tế đã lan rộng trên toàn cầu. Bởi thế, nhiều chuyên gia cho rằng, với cách giải quyết tình hình của Chính phủ Mỹ hiện nay, gánh nặng đối với người dân Mỹ khi tiền thuế của họ tiếp tục được đem đi để cứu các ngân hàng có lẽ sẽ còn tăng thêm nữa.
(Theo IHT)
Bài học chưa thuộc?
Trong thập niên 1990, Nhật Bản đã trải qua những thách thức tương tự như những gì đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu hiện nay.
Khi đó, kinh tế Nhật đã có cả một thập kỷ đình trệ, các ngân hàng chồng chất nợ nần, các chính phủ nối tiếp nhau liên tục tiêu phí hàng ngàn tỷ Yên để vực dậy hệ thống nhà băng mà chẳng đem lại hiệu quả gì.
Chỉ tới năm 2003, Chính phủ Nhật khi đó mới đưa ra được những biện pháp dẫn tới sự phục hồi cho nền kinh tế nước này.
Đó là, buộc các ngân hàng lớn phải tuân thủ những vụ kiểm toán không nương tay và phải công bố nợ xấu; tăng đầu tư công thêm 2.000 tỷ Yên, tương đương hơn 22 tỷ USD ngày nay; quốc hữu hóa một ngân hàng lớn cho dù vụ quốc hữu hóa này gây thiệt hại nặng cho cổ đông; chấp nhận để mặc những ngân hàng yếu hơn không trụ nổi phải đổ vỡ…
Tới khi những biện pháp “lạnh lùng” trên được đưa ra, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật đã sụt giảm mất 3/4 giá trị từ mức đỉnh trước đó, giá địa ốc tại nước này đã giảm 15 năm không nghỉ, nợ chính phủ đã vượt quá GDP, gọng kìm thiểu phát siết chặt quần đảo Nhật Bản.
Một số nhà nghiên cứu về giai đoạn lịch sử trên của Nhật cho rằng họ nhận thấy nước Mỹ đang sa vào vết xe đổ trong cách giải quyết khủng hoảng trước đây của đất nước Mặt trời mọc.
“Tôi cứ nghĩ nước Mỹ đã học được gì đó từ thất bại của Nhật Bản chứ. Tại sao họ lại có thể lặp lại cùng những sai lầm đó nhỉ?”, ông Hirofumi Gomi, một quan chức hàng đầu thuộc Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản, nhận xét.
Một số nhà phê bình ở Mỹ chỉ trích kế hoạch giải cứu khối tài chính mà Bộ trưởng Bộ tài chính nước này Timothy Geithner công bố hôm 10/2 vừa qua là thiếu chi tiết. Nhưng các chuyên gia ở Nhật thì cho rằng, đây là một kế hoạch còn “rụt rè”, xét tới quy mô của cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng mà chính phủ của Tổng thống Barack Obama đang phải đương đầu.
“Tôi nghĩ là Chính phủ Mỹ biết cuộc khủng hoảng này lớn tới mức nào, nhưng họ không muốn nói nó lớn tới mức nào. Cuộc khủng hoảng này lớn tới mức họ không thể thừa nhận thực tế đó”, kinh tế gia John Makin thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận xét.
Ông nói thêm: “Những bài học của Nhật Bản ở những năm 1990 cho thấy nước Mỹ cần hành động mạnh hơn và phải quốc hữu hóa một số ngân hàng”.
Trên thực tế, ban đầu người Nhật cũng đã từng dò dẫm thử nhiều “liều thuốc” mà chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã dùng và chính quyền của ông Obama hiện nay đang dùng. Đó là hạ lãi suất, kích thích tài khóa, bơm tiền…
Thậm chí, Nhật còn nỗ lực huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân để mua một số tài sản độc hại trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, đúng như những gì mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Geithner đang đề xuất thực hiện trong kế hoạch vẫn được gọi là “bad bank”.
Một lý do khiến Nhật Bản khi đó có những giải pháp “nhút nhát” như vậy là do Chính phủ e ngại dân chúng có thể nổi giận. Mỗi khi tiền thuế bị đem đi giải cứu các ngân hàng, sự phản đối của dân chúng lại gia tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của Nhật cho thấy, để giải quyết đống đổ nát của ngành ngân hàng đòi hỏi chính phủ phải mạnh tay và phải chi số tiền cực lớn. Mặt khác, càng trì hoãn việc khắc phục sẽ càng tốn kém.
Một bài học nữa là việc cứu hệ thống ngân hàng sẽ quyết định số phận của nền kinh tế. Mặc dù ông Obama đang ưu tiên kế hoạch kích thích kinh tế của ông, hoạt động kích thích tăng trưởng sẽ chỉ có thể thành công một khi những vết rạn trong hệ thống hệ thống ngân hàng được hàn gắn.
“Tôi cho rằng ông Obama đang mắc phải một sai lầm chiến thuật”, ông Makin nói.
Cách làm của Nhật: Phải thật “rắn”!
Cuộc khủng hoảng diễn ra ở Nhật trong thập niên 1900 và đầu những năm 2000 cũng xuất phát gốc rễ tương tự như cuộc khủng hoảng hiện nay ở Mỹ: Bong bóng địa ốc “nổ”, khiến các ngân hàng khốn đốn vì hàng nghìn tỷ Yên nợ xấu.
Ban đầu, các nhà lãnh đạo Nhật Bản không lường hết được mức độ tàn phá của sự lao dốc trên thị trường địa ốc đối với hệ thống ngân hàng. Ở Mỹ, chính sách tiền tệ nới lỏng đã dẫn tới tình trạng đầu cơ cổ phiếu và nhà đất cũng như tình trạng cho vay bừa bãi của các ngân hàng.
Khi khủng hoảng mới manh nha, nhiều nhà hoạch định chính sách Nhật ban đầu cho rằng việc áp dụng lãi suất thấp và các biện pháp kích thích kinh tế sẽ giúp các ngân hàng tự phục hồi. Nhưng tới cuối năm 1997, một loạt ngân hàng tại nước này đã đổ vỡ, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tín dụng.
Buộc phải hành động gấp, Chính phủ Nhật khi đó bơm 1.800 tỷ Yên, tương đương gần 20 tỷ USD ngày nay, vào các ngân hàng lớn của nước này. Nhưng đợt bơm vốn này do quá nhỏ, không được lên kế hoạch tốt, và do các nhà chức trách còn chưa hiểu hết về mức độ nguy hiểm trong hệ thống, nên đã không thể ngăn chặn được sự leo thang của khủng hoảng.
Cử tri Nhật nổi giận khi thấy tiền thuế bị Chính phủ lãng phí và đã trừng phạt liên minh cầm quyền bằng cách buộc Thủ tướng Ryutaro Hashimoto phải từ chức. Sau đó, nỗi lo về sự giận dữ của dân chúng đã “trói tay” Chính phủ Nhật.
Cũng vì lo ngại có thêm tin xấu xuất hiện, Chính phủ Nhật khi đó đã không buộc các doanh nghiệp công bố và cắt bỏ nợ xấu. Các khoản vay đã cấp cho các doanh nghiệp được liệt vào hàng dở sống dở chết vẫn tiếp tục được giữ trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, thay vì được công bố cụ thể và đánh tụt giá trị.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật tiếp tục thử nghiệm những biện pháp mới, trong đó đáng chú ý nhất là thành lập hàng loạt quỹ đầu tư có sự góp vốn một phần của tư nhân để mua tài sản xấu của các ngân hàng. Tuy nhiên, lượng nợ xấu mà các quỹ này mua vào rất nhỏ giọt do quy mô của các quỹ chỉ là nhỏ bé. Đồng thời, việc bán nợ xấu cũng chẳng giúp các ngân hàng giải quyết được tình trạng thiếu vốn là bao, vì giá bán những tài sản này rất rẻ mạt.
Ước tính, số tiền thuế của dân mà Chính phủ Nhật chi ra khi đó để cứu các ngân hàng chỉ thu hồi chưa được một nửa. Trong thời kỳ 1992 - 2005, các ngân hàng Nhật đã thâm hụt tài sản khoảng 96.000 tỷ Yên, tương đương 19% GDP hàng năm của nước này.
Cho tới lúc này, kế hoạch khôi phục khối tài chính của chính quyền Obama vẫn né tránh những quyết định khó khăn nhất như quốc hữu hóa các ngân hàng, loại bỏ các cổ đông, hay để các ngân hàng ôm quá nhiều nợ xấu tự sụp đổ. Trên thực tế, Nhật Bản cuối cùng đã buộc phải để những điều này xảy ra.
“Thật đáng ngạc nhiên là Mỹ đang lặp lại sai lầm của Nhật. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ thì lúc nào mà chẳng sẵn sàng khuyên nước Nhật phải làm thế này, thế kia cơ mà”, kinh tế gia Makin nói.
Các chuyên gia cho biết, những sai lầm của Nhật trên đã khiến hệ thống tài chính của nước này mất 6 năm sau khi khủng hoảng nổ ra mới có thể phục hồi. Năm đó, Chính phủ của nhà lãnh đạo cải cách Junichiro Koizumi đã ra lệnh kiểm toán nghiêm ngặt những ngân hàng hàng đầu của Nhật. Người lãnh đạo chương trình cải cách tài chính của Nhật khi đó là ông Heizo Takenaka, và kế hoạch cải cách này cũng mang tên ông, Kế hoạch Takenaka.
Ban đầu, các ngân hàng công khai phản đối Takenaka. “Chính phủ không thể yêu cầu lãnh đạo ngân hàng làm việc này, việc kia. Như thế là quá lố bịch”, ông Yoshifumi Nishikawa, Chủ tịch tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group, phát biểu vào năm 2002.
Nhưng ông Heizo Takenaka vẫn giữ vững quan điểm của mình. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông kể lại: “Khẩu hiệu của tôi khi đó đối với các ngân hàng là: “Đừng che giấu điều gì. Đừng trốn tránh mà phải tuân thủ quy tắc”. Tôi nói rõ với họ là tôi ở vị trí giám sát họ và tôi sẽ không đàm phán gì với họ hết”.
Phải mất 3 năm, kế hoạch của ông Takenaka mới giải quyết được phần lớn số nợ xấu trong các ngân hàng. Ngân hàng Resona do bị phát hiện thiếu vốn đã bị quốc hữu hóa. Sự cứng rắn của ông Takenaka đã giúp phục hồi lại niềm tin của dân chúng và thị trường vào hệ thống ngân hàng.
Đúng lúc đó, kinh tế Nhật đón một cơn gió lành mới, đó là sự bùng nổ của hoạt động xuất khẩu sang Mỹ , góp phần đáng kể cho sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, lúc này, nước Mỹ có lẽ không thể trông đợi ở sự gia tăng nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa của mình, vì suy thoái kinh tế đã lan rộng trên toàn cầu. Bởi thế, nhiều chuyên gia cho rằng, với cách giải quyết tình hình của Chính phủ Mỹ hiện nay, gánh nặng đối với người dân Mỹ khi tiền thuế của họ tiếp tục được đem đi để cứu các ngân hàng có lẽ sẽ còn tăng thêm nữa.
(Theo IHT)