17:11 12/02/2009

Thấy gì từ thắng lợi của ông Obama trong gói kích thích kinh tế?

Mai Phương

Thắng lợi trên sẽ mở đầu cho những chương trình tham vọng mới, hay chỉ là sự báo hiệu cho những kỳ vọng giảm sút?

Trong thời kỳ “trăng mật” - 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng - ông Obama còn rất nhiều việc cấp bách phải làm - Ảnh: Reuters.
Trong thời kỳ “trăng mật” - 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng - ông Obama còn rất nhiều việc cấp bách phải làm - Ảnh: Reuters.
Sau khi Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận về gói kích thích kinh tế trị giá 789 tỷ USD của Tổng thống Barack Obama hôm 11/2, giới quan sát đã nhận định đây là một thắng lợi nhanh chóng và ngọt ngào, thậm chí có thể là một chiến thắng lịch sử, cho tân Tổng thống.

Câu hỏi đặt ra lúc này là, liệu thắng lợi trên sẽ mở đầu cho những chương trình tham vọng nữa trong chính sách đối nội nữa của ông Obama, hay chỉ là sự báo hiệu cho những kỳ vọng giảm sút về vị Tổng thống này?

Câu trả lời đúng nhất có thể là cả hai.

Còn nhiều việc phải làm

Bản thân thành tựu lớn đầu tiên này của ông Obama và cách mà ông đạt được thành tựu đó đã tô đậm những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt.

Mặc dù thành tựu này cho thấy Chính phủ Mỹ hiện nay dám nghĩ dám làm hơn, kế hoạch kích thích kinh tế của ông Obama không mang màu sắc ý thức hệ kiểu như các kế hoạch quyền dân sự và “Đại xã hội” (Great Society) của Tổng thống Lyndon Johnson, hay các chương trình cắt giảm thuế tràn lan chỉ có lợi cho người giàu của Tổng thống Ronald Reagan, mà đơn giản chỉ là phản ứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tại nhất từ Đại suy thoái 1930 ở nước này.

Ở những vấn đề đối nội mà ông Obama đưa ra nhiều hứa hẹn và nhờ đó đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chống biến đổi khí hậu, phân bổ lại thu nhập… gói kích thích kinh tế này của ông dường như chưa thực hiện được nhiều, và cũng chỉ là lời hứa hẹn rằng ông sẽ cố gắng thêm trong thời gian tới.

Kế hoạch của ông Obama đã vượt qua hai "chướng ngại vật" là Thượng viện và Hạ viện, nhưng không phải theo cách mà ông từng mong muốn.

Bởi, việc ông Obama không thể giành được sự ủng hộ của nhiều nghị sỹ Cộng hòa cho thấy, những lời kêu gọi của ông về sự thay đổi trong hoạt động điều hành đất nước đã chịu áp lực mạnh chỉ vài tuần sau ngày  nhậm chức, trước những lực lượng mang quan điểm đảng phái và sự khác biệt giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Xét cho cùng, Quốc hội Mỹ đã không đồng lòng 100% trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay - cuộc khủng hoảng mà ông Obama vẫn thường xuyên cho là có thể dẫn tới sự lặp lại của Đại khủng hoảng 1929.

Có thể, trong vài tháng tới, kế hoạch vừa được thỏa thuận giữa hai viện sẽ trải qua một cuộc thử thách, khi mà tính hiệu quả của gói kích thích này sẽ bị theo dõi chặt chẽ, và ông Obama có khả năng phải đề nghị Quốc hội phê chuẩn thêm một lượng ngân sách lớn nữa để hỗ trợ ngành tài chính.

Cho nên, lúc này chưa thể được coi là lúc Tổng thống nghỉ ngơi. Trong thời kỳ “trăng mật” - 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng - ông Obama còn rất nhiều việc cấp bách phải làm.

Qua cách ông Obama sử dụng rộng rãi “vốn liếng” chính trị để giành sự phê chuẩn cho gói kích thích kinh tế và công bố một gói giải cứu tài chính mới, người ta không nghi ngờ gì về việc ông sẵn sàng tiến xa hơn trong những vấn đề khác trong chương trình đối nội của ông.

Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 9/2 vừa rồi, Obama cho biết, một gói kích thích kinh tế tốn kém không phải là điều mà trước đây ông dự kiến phải theo đuổi trong những ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống.

Điều này cho thấy tính chất ngày càng xấu đi của tình hình kinh tế Mỹ. Mặc dù Chính phủ Mỹ đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách khổng lồ, Obama đã phát đi tín hiệu cho thấy ông xem việc tìm ra những sáng kiến để cứu nền kinh tế Mỹ đang có tính cấp bách hơn bao giờ hết.

Tổng thống Mỹ thận trọng hơn

Tuy nhiên, từ đêm trúng cử, thời điểm mà ông Obama đã cảnh báo về “những trở ngại và những khởi đầu sai lầm” và kêu gọi “một tinh thần hy sinh mới”, ông đã luôn có những phát ngôn nhằm hạn chế những kỳ vọng dư luận, cũng như hạn chế những rủi ro đối với bản thân ông và đảng Dân chủ của ông.

Chính ông Obama đã nói dự luật kích thích kinh tế mà Quốc hội sẽ trình lên ông là không hoàn hảo và có thể không đem lại kết quả như mong muốn. Phát biểu ở Florida hôm 10/2, ông cho rằng, vị thế chính trị của ông có thể suy giảm mạnh nếu các cử tri không nhận thấy vai trò tổng thống của ông không đem lại kết quả gì trong hai năm tới.

Đây có thể xem là một sự chuyển biến mạnh mẽ, sau những lời hứa to lớn đã giúp ông Obama chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

“Từ khi thắng cử, ông Obama đã bày tỏ quan điểm rất nhất quán rằng cuộc khủng hoảng này mất một thời gian dài để hình thành và sẽ mất một thời gian dài để giải quyết. Người Mỹ có lẽ đã sẵn sàng cho sự chờ đợi kiên nhẫn”, ông William Galston, một trợ lý chính sách đối nội của cựu Tổng thống Clinton nhận xét.

Ông Galston cho rằng, tới lúc này, ông Obama còn chưa đối mặt với tất cả mọi khó khăn có thể đến, trong việc thúc đẩy những sáng kiến chính sách tốn kém của ông, như giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận hơn với dịch vụ y tế giá phải chăng, giải quyết tình trạng thay đổi khí hậu, tăng cường ngân sách cho giáo dục và thúc đẩy nghiên cứu những nguồn nhiên liệu thay thế…

Một nhà thăm dò ý kiến của Đảng Cộng hòa, ông David Winston, thì cho rằng, dù ông Obama và đảng của ông có theo đuổi những mục tiêu to lớn thế nào, thì cử tri Mỹ đều đặt trọng tâm sự chú ý vào việc liệu những biện pháp kinh tế của chính quyền mới có hiệu quả hay không, và có ngăn chặn được tình trạng thất nghiệp cao hay không.

“Ông Obama sẽ phải điều chỉnh những vấn đề khác cho phù hợp với bối cảnh nền kinh tế chung”, Winston nói.

Trên thực tế, Obama đã nỗ lực làm điều này từ lâu. Ông đã lên kế hoạch tăng ngân sách cho y tế để không chỉ giải quyết vấn đề xã hội, mà còn để tác động tích cực tới ngành công nghiệp y tế của đất nước. Việc ông muốn tăng cường bảo vệ môi trường và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu lửa cũng là để tạo ra những việc làm mới có thu nhập cao. Tăng đầu tư cho giáo dục cũng là cách để tăng sức cạnh tranh của nước Mỹ trong dài hạn.

Tuy nhiên, những nỗ lực này sẽ vấp phải khá nhiều rào cản: nợ chính phủ tăng, sự phản đối của nhiều chính trị gia ở bên phía đảng Cộng hòa và thậm chí ngay trong chính đảng Dân chủ…

Vượt qua những rào cản này cũng sẽ là thách thức lớn đối với ông Obama, như thách thức mà ông đã vượt qua ở gói kích thích kinh tế.

(Theo New York Times)