10:34 23/05/2013

Đại biểu lo vì chưa rõ hướng giải quyết khó khăn kinh tế

Anh Minh

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: "Có thể công luận cũng không cảm nhận được hết sự nghiêm trọng của tình hình"

499 vị đại biểu Quốc hội khóa 13 đang trong trong kỳ họp thứ 5, kéo dài một tháng tại Thủ đô Hà Nội, bắt đầu từ 20/5.<br>
499 vị đại biểu Quốc hội khóa 13 đang trong trong kỳ họp thứ 5, kéo dài một tháng tại Thủ đô Hà Nội, bắt đầu từ 20/5.<br>
Các đại biểu Quốc hội tham gia các cuộc thảo luận ở tổ đều bày tỏ sự băn khoăn và lo lắng về các giải pháp và tiến độ giải quyết các vấn đề khó khăn hiện tại của nền kinh tế.

Theo ghi nhận của VnEconomy, các cuộc thảo luận tại các đoàn Hà Nội và Tp.HCM đã xuất hiện nhiều ý kiến đáng chú ý xung quanh chủ đề này, đặc biệt là nhóm ý kiến từ các đại biểu là chuyên gia kinh tế và doanh nhân.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, ngay đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02, nhưng sau 5 tháng nhiều vấn đề chưa đi vào cuộc sống. Việc giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế cần sự đồng thuận từ nhiều phía, trong đó cần những chính sách đột phá về tài khóa, tiền tệ, nếu không sẽ rất khó giải quyết. Thời điểm này cần nới lỏng chính sách tài khóa, chấp nhận tăng bội chi nhưng kèm theo đó là phải giám sát công trình một cách chặt chẽ để chống thất thoát.

Chính phủ cần lựa chọn một số lĩnh vực quan trọng để xử lý, trong đó ưu tiên xử lý khối doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, tiến trình tái cấu trúc khối này đang rất “lằng nhằng” vì công nợ chưa giải quyết được.

“Phải lành mạnh hóa khu vực này, làm sao người ta tin rằng, tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty nhà nước là thành công và bản thân Nhà nước phải làm được việc đó”, ông Lịch nói, nhấn mạnh rằng Quốc hội phải ra một nghị quyết rõ ràng về vấn đề này vì “không thể để nền kinh tế tiếp tục trì trệ, đó là trách nhiệm của Quốc hội và cả hệ thống chính trị”.

Theo đại biểu Bùi Thị An, nền kinh tế hiện nay đối mặt với tình trạng mất niềm tin, trong nhiều vấn đề không biết nên tin vào đâu, chẳng hạn như trong vấn đề số liệu thống kê và đánh giá tình hình. Đại biểu An cho rằng số liệu kinh tế hiện nay quá bất nhất, trong khi đánh giá về kinh tế cũng “mỗi người nói một kiểu”, khiến cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân băn khoăn.

“Nên chăng, Tổng cục Thống kê nên đặt trực thuộc Quốc hội? Không chẩn đúng bệnh thì không chữa được. Tôi đi các tỉnh, tỉnh nào cũng báo cáo tăng trưởng tốt, vậy tại sao tổng thể không tốt?”

Trong khi đó, đại biểu Châu Thị Thu Nga cho rằng đây là lúc Chính phủ cần nêu rõ hạn chế, bài học kinh nghiệm cũng như lộ trình, kế hoạch cụ thể về tái cơ cấu. Mặt khác, cần kiểm tra giám sát kịp thời các nguồn thu cũng như các vấn đề liên quan đến thu ngân sách hiện hành, triệt để tiết kiệm, không ban hành chế độ chính sách mới làm tăng chi.

Các đại biểu cũng bày tỏ sự không đồng tình với những đánh giá khá “nhẹ nhàng” của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét rằng “các giải pháp đọc vào thấy không chê vào đâu được nhưng có những vấn đề tồn tại kéo dài không chỉ 1 - 2 năm mà nhiều năm; nếu giở tài liệu Quốc hội ra thì thấy Chính phủ đưa ra các giải pháp vẫn loay hoay như vậy thôi trong khi tình hình thực tiễn khó khăn hơn nhiều đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá và cách điều hành quyết liệt”.

Trong khi đó, những tồn tại yếu kém Chính phủ nêu ra trong báo cáo thì đã thấy rõ, hiện tượng khó khăn ngày càng gay gắt hơn, từ thu ngân sách, đặt mục tiêu thu cho các tỉnh thành nhưng tình hình thực thu rất khó khăn, kể cả Tp.HCM là địa phương đóng góp nhiều nhất ngân sách cho cả nước.

“Đáng lẽ khi trình bày tồn tại trước Quốc hội, Chính phủ phải phân tích rõ đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là khách quan, trách nhiệm cụ thể thế nào, phải có địa chỉ chịu trách nhiệm thì 6 nhóm giải pháp đưa ra mới có khả năng đạt yêu cầu”, đại biểu Tâm nói.

Thẳng thắn hơn, đại biểu Huỳnh Minh Thiện cho rằng tình hình kinh tế hiện nay là hệ quả tất yếu của việc kéo dài quản lý điều hành nền kinh tế mang tính chất ngắn hạn, không có chiến lược trong chuyển đổi mô hình kinh tế cũng như cơ cấu kinh tế làm thay đổi chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Nền kinh tế của ta hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cao và kéo dài, ví dụ mô hình tăng trưởng khi tăng triưởng lệ thuộc vốn đầu tư thay vì hàm lượng về khoa học công nghệ, lao động. Rõ ràng nội lực cạnh tranh của nền kinh tế rất yếu, hệ quả là sụt giảm mạnh về tỷ lệ đầu tư của toàn xã hội, điều đó tất yếu kéo theo suy giảm”, ông Thiện nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì nhận định báo cáo của  Chính phủ “chưa cho thấy sự tương xứng của một bên là những bức xúc của nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học và một bên là Quốc hội với thông tin của Chính phủ”.

Hệ quả là “có thể công luận cũng không cảm nhận được hết sự nghiêm trọng của tình hình. Vấn đề là mô hình tăng trưởng sai hoặc không còn phù hợp nữa”, ông Nghĩa nhấn mạnh.