Đại biểu Quốc hội bên Thủ tướng trước giờ miễn nhiệm
Trao đổi với các đại biểu, Thủ tướng không đề cập nhiều đến công việc và cảm xúc của mình
Sáng 6/4, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các vị đại biểu đã thảo luận tại đoàn về nội dung này.
Phiên thảo luận chỉ diễn ra ít phút. Trong khi chờ vào hội trường với nội dung làm việc tiếp theo, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã gặp gỡ, trò chuyện với Thủ tướng bên hành lang Quốc hội.
Một số vị đại biểu đã nhắc lại những dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ của ông, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao, với phong thái của người đại diện quốc gia.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) mang cuốn kỷ yếu của Quốc hội khoá 13 xin chữ ký của ông, bên cạnh hình ảnh và thông tin tóm tắt về Thủ tướng. Thủ tướng rất vui vẻ đáp ứng yêu cầu của đại biểu Khánh.
Bà Khánh nói, cuốn kỷ yếu có đủ hình ành và thông tin của tất cả các vị đại biểu khoá 13, bà đã xin chữ ký của nhiều vị và sẽ cố gắng xin đủ tất cả để lưu giữ làm kỷ niệm. Bởi, Quốc hội khoá này rất đổi mới, rất ấn tượng.
“Thủ tướng cũng là đại biểu, ông rất thân thiện với các đại biểu Quốc hội, tôi chất vấn ông nhiều, nên rất “quyến luyến”, đại biểu Khánh chia sẻ.
“Thủ tướng đã có quyết tâm đổi mới, rất chịu khó lắng nghe”, bà Khánh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi mà có những chất vấn của bà, nhất là liên quan đến cải cách bộ máy, Thủ tướng không trực tiếp trả lời mà giao cho bộ, ngành tham mưu trả lời, nên không được như mong muốn. Trong khi bà mong muốn Thủ tướng trả lời trực tiếp thì sẽ nhanh hơn.
"Thủ tướng rất khiêm tốn trong việc thực hiện trả lời chất vấn của đại biểu. Tôi là một đại biểu địa phương đã từng gửi chất vấn tới Thủ tướng, khi tôi chất vấn, thực sự là lãnh đạo tỉnh tôi rất bất ngờ, ngơ ngác và có chút lo lắng vì không biết tôi chất vấn gì. Nhưng sau đó Thủ tướng trả lời và nói với tôi, đồng chí chất vấn rất trúng - đúng nên tôi phải trả lời với tinh thần trách nhiệm cao, để qua đó tôi thấy được trách nhiệm của tôi, và cũng giúp cử tri và đại biểu có nhận thức đúng đắn hơn về công tác điều hành chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ”, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) trao đổi với báo chí.
Tại tờ trình miễn nhiệm Thủ tướng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn hoàn thành nhiệm vụ đươc giao.
Trao đổi với các đại biểu khi tờ trình miễn nhiệm đã được trình Quốc hội, Thủ tướng không đề cập nhiều đến công việc và cảm xúc của mình, mà chủ yếu là những lời cảm ơn, thăm hỏi và chia sẻ.
Nhưng trước đó, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông nói: “Sau gần 55 năm chiến đấu, công tác, được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chính sách, được trở về sống với đời thường, được thường xuyên quây quần với gia đình con cháu và được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, đang trên đà hội nhập, phát triển và sánh vai với bạn bè trên thế giới, tôi cảm thấy hạnh phúc”.
Ông bày tỏ: “Những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chỉ ra có phần trách nhiệm của tôi trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là trách nhiệm chính trị trên cương vị người đứng đầu Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp. Đây cũng chính là những trăn trở, day dứt nhất của tôi”.
Thủ tướng cũng đặt niềm tin vào những người kế nhiệm, và “mong muốn là Đảng, Nhà nước ta thật sự vững mạnh, đoàn kết, trong sáng, gắn bó máu thịt với nhân dân; đổi mới mạnh mẽ, vượt qua những nhận thức, phương thức không còn phù hợp, tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc; giữ vững hòa bình và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo quốc gia; bảo đảm dân chủ, tự do, pháp quyền; thực hiện nhất quán, hiệu quả mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển nhanh - bền vững, hội nhập thành công và tiến cùng thời đại”.
Việc bỏ phiếu kín miễn nhiệm Thủ tướng sẽ được tiến hành ở Quốc hội vào chiều nay (6/4).