06:38 25/05/2012

Đại biểu Quốc hội “bình” việc điều hành của Chính phủ

Bảo Anh

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua vẫn chạy theo số lượng

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua vẫn chạy theo số lượng.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua vẫn chạy theo số lượng.
“Nếu không coi trọng chất lượng tăng trưởng, bức tranh kinh tế - xã hội có thể bị bóp méo”. Khuyến cáo trên được đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) đưa ra tại buổi thảo luận tổ về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2011 và 4 tháng đầu năm 2012, sáng 24/5.

Trước đó, một số đại biểu khác cũng đã đưa ra những nhận xét về thực tại nền kinh tế cũng như các giải pháp điều hành của Chính phủ trong suốt hơn một năm qua.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, sau một số giải pháp của Chính phủ, hiện lạm phát đang có xu hướng giảm tốc, tuy nhiên thay vào đó, người dân lại có mối lo khác là giảm phát đang có dấu hiệu xuất hiện, nền kinh tế có biểu hiện suy giảm.

Đại biểu Thảo cho rằng, có nhiều ý kiến chỉ ra nguyên nhân là do các chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt quá, mà cụ thể là Nghị quyết 11. Nhiều công trình đang dở dang, không hoàn thành được, gây lãng phí, thất nghiệp gia tăng, trong khi báo cáo của các cơ quan chuyên môn thì ngược lại.

Dẫn chứng cho thực tiễn hiện nay, ông Thảo cho biết, hiện hàng loạt sinh viên đại học, cao đẳng ra trường không có việc làm, do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. Do vậy, dù chỉ có 6/222 chỉ tiêu không đạt của năm 2011, song lại có 1 chỉ tiêu quan trọng nhất là GDP, nó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.

Dẫn quan điểm của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Thảo cho hay, những dấu hiệu chững lại như vậy là rất đáng quan tâm.

Đồng thời, Ủy ban cũng cho rằng, các chỉ tiêu của năm 2012 đạt được là rất khó. Nhưng khác với năm trước, năm nay Chính phủ không đề nghị Quốc hội điều chỉnh, liệu có phải Chính phủ sẽ nỗ lực để đạt được hay không?

Theo đại biểu Bùi Thị An, trong điều kiện khó khăn chung, kinh tế 4 tháng đầu năm nay, chúng ta vẫn giữ được tương đối ổn định. Tuy nhiên, tăng trưởng vẫn chưa thật bền vững, rất nhiều vấn đề cần chú ý như môi trường, tai nạn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm… Song cũng may là Đảng, Chính phủ đã nhận ra được sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường, nên hy vọng sẽ có giải pháp tốt.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu cho rằng cần có giải pháp cụ thể, có đánh giá mô hình tăng trưởng, đánh giá đúng sự đóng góp của các thành phần kinh tế trong mấy năm qua, từ đó mới đưa ra giải pháp, liều thuốc đặc hiệu hơn.

“Tôi thấy, vừa qua, chúng ta tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công nhưng lại không rà soát lại quy hoạch, rốt cục là tiếp cận vốn ngân hàng vẫn khó, doanh nghiệp vẫn giải thể nhiều”, đại biểu An nói.

Đáng chú ý, đại biểu Đào Trọng Thi cho rằng, năm 2011 có nhiều chỉ tiêu kinh tế không đạt được, trong đó GDP không đạt cũng là một điều đáng lo ngại. Không những thế, hiện đã có quan ngại từ các chuyên gia, người dân về giảm phát.

Nhưng theo đại biểu này, đó mới chỉ đề cập đến các chỉ tiêu về số lượng, còn về chất lượng còn đáng lo ngại hơn rất nhiều.

Ông Thi khuyến cáo, nếu không coi trọng chất lượng, bức tranh kinh tế - xã hội có thể bị bóp méo. Chẳng hạn, hiện nay ngành chúng ta đang chạy theo chỉ tiêu có bao nhiêu sinh viên/1 vạn dân, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nếu đạt được thì càng lo. Thực tế hiện nay dư luận tỏ ra vui mừng vì học sinh dự thi đại học đang giảm.

Trong khi đó, đối với công ăn việc làm, trong khi các cơ quan chức năng luôn chạy theo, quan tâm xem tạo được bao nhiêu nhưng không thống kê được thế nào là việc làm đạt chuẩn…Ngay cả việc giảm nghèo - điều chúng ta đang tự hào, được thế giới đánh giá cao, song chuẩn nghèo có ý nghĩa gì không khi lạm phát tăng cao.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhìn nhận, báo cáo đánh giá của Chính phủ về tình hình vẫn chung chung, đặc biệt là chưa làm rõ nguyên nhân.

Theo đại biểu, nguyên nhân chính là do chấp hành pháp luật kém, đặc biệt là trong lĩnh vực thu chi ngân sách, đất đai, đấu thầu, an toàn thực phẩm… đều chấp hành không nghiêm, từ người đứng đầu đến cơ sở.

Cùng với đó, Chính phủ chưa coi trọng xử lý những vấn đề xã hội bức xúc như đất đai, cháy nổ xe máy, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, khiếu kiện tố cáo… đã làm ảnh hưởng đến niềm tin vào Đảng và Chính phủ.

Đặc biệt, theo đại biểu Thi, trong thời gian gần đây, Chính phủ thường xuyên đề cập đến khái niệm, vấn đề “tái cơ cấu kinh tế”, tức là đổi mới nhưng lại không có thí điểm. Đây là vấn đề hệ trọng, không thể  đùa giỡn được bởi kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, phải “có thực mới vực được đạo”.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, đánh giá của Chính phủ hơi nặng gam màu hồng. Cần phải đánh giá phải như khám bệnh phải tìm ra được bệnh.

Theo ông, ngay cả nói về liều lượng cũng đã có nhiều cái “không bình thường”. Chẳng hạn, năm 2011 báo cáo Chính phủ cho thấy, kết quả đạt được nhiều nhất là về xã hội, từ an sinh xã hội, môi trường, tại nạn giao thông, khiếu kiện tố cáo… giảm, nhưng trên thực tế những vấn đề đó vẫn chính là những bức xúc của người dân.

Theo đại biểu Nguyễn Bắc Son, nguyên nhân của những tồn tại trên là do tổ chức thực hiện kém, trong đó vụ Tiên Lãng là một ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, những búc xúc về đất đai hiện cũng đang có xu hướng tăng do thực hiện không đúng, dẫn đến dân đối đầu với chính quyền.