“Đại gia” năng lượng phương Tây dồn tiền vào châu Á
Đang có một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các tập đoàn năng lượng tại châu Á - Thái Bình Dương
Nhiều tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ và châu Âu đang tập trung đầu tư vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh giá dầu duy trì ở mức thấp trong thời gian quá lâu dẫn đến khó tìm kiếm lợi nhuận tại các thị trường truyền thống.
Theo tin từ báo Nikkei, hôm 21/7 vừa qua, tập đoàn Exxon Mobil công bố đã hoàn tất thương vụ thâu tóm InterOil, một công ty khai thác khí đốt trụ sở tại Papua New Guinea, với giá 3,6 tỷ USD. Hiện nay InterOil đang sở hữu quyền khai thác một số mỏ khí đốt có trữ lượng lớn nhất thế giới.
Tiềm năng phát triển ngành năng lượng tại Papua New Guinea được đánh giá cao bởi chi phí nhân công tại nước này thấp, đồng thời Papua New Guinea cũng nằm gần những nước tiêu thụ nhiều khí đốt như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất của Exxon Mobile tính từ năm 2012. Hãng này hy vọng đến năm 2020, giá dầu sẽ ở trên ngưỡng 50 USD/thùng, ngưỡng đủ để InterOil có lợi nhuận khi hoạt động sản xuất thực sự bắt đầu.
Việc Exxon Mobile mua lại thành công InterOil cho thấy đang có một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các “đại gia” năng lượng thế giới để vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, công ty Oil Search dưới dự bảo trợ của tập đoàn Total (Pháp), đã gần hoàn tất các cuộc bàn thảo để mua lại InterOil, nhưng sau đó Exxon Mobile đã trả giá cao hơn.
Cùng lúc, tập đoàn BP cũng đang lên kế hoạch mở rộng dự án khai thác năng lượng Tangguh LNG tại Indonesia. Một số tập đoàn, công ty của Nhật bao gồm Inpex và Mitsubishi Corp cũng đang rất quan tâm đến dự án Tangguh. Dự kiến BP sẽ đầu tư khoảng 8 tỷ USD để tăng 50% sản lượng hàng năm, lên 3,8 triệu tấn.
Theo đại diện tập đoàn BP, Tangguh là dự án khai thác khí đốt lớn với mục tiêu cung cấp sản phẩm cho thị trường Nhật và vài nền kinh tế lớn khác tại châu Á.
Tập đoàn Chevron, Exxon Mobile cũng như một số đối tác khác mới đây cũng đã đạt được thỏa thuận đầu tư tổng số 36,8 tỷ USD vào dự án khai thác dầu tại Kazakhstan để tiếp tục mở rộng khai thác năng lượng, nâng sản lượng hàng ngày tại đây lên mức 260 nghìn thùng. Dầu thô khai thác được tại đây sẽ được chuyển đến Trung Quốc thông qua hệ thống đường ống dẫn.