Đàm phán với Mỹ gặp khó, xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục trượt dốc
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 giảm tháng thứ tư liên tiếp, cho thấy sức ép đè nặng lên các doanh nghiệp sản xuất ở nước này
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 giảm tháng thứ tư liên tiếp, cho thấy sức ép đè nặng lên các doanh nghiệp sản xuất ở nước này trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung chưa tìm ra lối thoát. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng có thể là một dấu hiệu phản ánh các biện pháp kích cầu của Bắc Kinh đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Hải quan Trung Quốc công bố ngày Chủ nhật cho thấy xuất khẩu tháng 11 của nước này giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hơn mức giảm 0,9% của tháng 10 và trái ngược với con số dự báo tăng 1% mà giới phân tích đưa ra.
Trong khi đó, nhập khẩu tháng 11 của Trung Quốc tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 4 và nằm ngoài mức dự báo giảm 1,8% của giới phân tích.
Số liệu nhập khẩu tốt hơn dự báo cho thấy nhu cầu ở Trung Quốc bắt đầu có sự cải thiện, nhưng các nhà phân tích lo rằng sự phục hồi này có thể khó duy trì vì rủi ro thương mại vẫn tiếp diễn.
Thặng dư thương mại tháng 11 của Trung Quốc đạt 38,73 tỷ USD, so với mức dự báo 46,3 tỷ USD của các chuyên gia và mức thặng dư 42,81 tỷ USD trong tháng 10.
Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán nhằm tiến tới ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng cuộc đàm phán gặp nhiều trở ngại vì một số vấn đề như dỡ thuế quan và khối lượng mua nông sản. Việc Mỹ thông qua dự luật Hồng Kông và thúc đẩy dự luật Tân Cương cũng phủ bóng lên cuộc đàm phán này.
Tuần trước, cả Mỹ và Trung Quốc cùng đưa ra những tín hiệu trái chiều và thiếu rõ ràng về cuộc đàm phán. Đầu tuần, Tổng thống Donald Trump khiến giới đầu tư hoảng hốt khi ông tuyên bố sẵn sàng chờ tới sau bầu cử Mỹ 2020 mới ký thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc. Nhưng vào hôm thứ Năm, ông lại nói đàm phán với Trung Quốc đang "diễn ra đúng hướng".
Hôm thứ Sáu, Trung Quốc cho biết sẽ tạm miễn thuế quan bổ sung đối với một số lô hàng nhập khẩu đậu tương và thịt lợn từ Mỹ. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc trong tuần trước tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh rằng dỡ thuế quan phải là một nội dung trong thỏa thuận giai đoạn 1.
Hôm thứ Sáu, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói Mỹ vẫn giữ kế hoạch áp thuế quan bổ sung lên 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12.
Nguồn tin là quan chức Trung Quốc nói với Reuters rằng nước này sẽ áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ nếu Washington thực thi kế hoạch đánh thuế bổ sung vào ngày 15/12. Nguồn tin cũng nói một động thái như vậy của Mỹ sẽ dập tắt hy vọng hai bên sớm đạt thỏa thuận.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 11 là 24,6 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức 26,45 tỷ USD trong tháng 10.