“Dân phải sống được từ rừng thì mới không phá rừng”
Sửa luật không chỉ để bảo vệ rừng mà còn phải phát triển rừng nữa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh
"Tôi cũng đi cả nước, phải nói thật là cơ bản rừng đã được phá hết rồi" - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp chiều 16/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Dự án Luật bảo vệ phát triển rừng được cho ý kiến tại phiên họp này.
“Cơ bản rừng đã được phá hết rồi”
“Cơ bản rừng đã được phá hết rồi”
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự thảo luật gồm 12 chương, 97 điều. Trong đó kế thừa 8 điều, sửa đổi 60 điều, bổ sung 29 điều, bỏ 19 điều.
Chính phủ nhìn nhận, đến nay Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phức tạp. Sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt thành các giai đoạn riêng lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp, đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế của cả nước rất thấp, thu nhập của người làm nghề rừng thấp...
Nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi luật, cơ quan thẩm tra - Uỷ ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội - nhấn mạnh việc này nhằm thể chế hóa kịp thời quy định của Hiến pháp năm 2013 và đã đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới.
Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nhận xét, hiện nay chủ yếu lấy của rừng về chứ mấy ai đưa cái gì lên rừng. Rừng trên cao chính sách đầu tư dưới thấp nên nghèo.
"Ở Lào thì chặt 1 cây trồng 1 cây, mình thì chặt trăm cây trồng 1 cây, bao nhiêu thứ quý như khoáng sản, gỗ quý, thú quý của rừng lấy hết rồi, ngày xưa rừng che bộ đội giờ rừng làm giàu cho lâm tặc. Tôi đi cả nước rồi, phải nói thật là cơ bản rừng đã được phá hết rồi" - ông Việt nhận xét.
Thực tế tiếp theo ông Việt đề cập là bây giờ toàn "đại ca" phá rừng, mà phải làm sao giảm "đại ca" tăng "đại gia" về rừng thì đất nước mới giàu, ông Việt nói.
Từ thực tế trên, khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi luật, nhưng ông Việt nhận xét quy định của dự thảo luật vừa chặt vừa hở, nhất là quy định về cơ chế thì không đảm bảo cho kiểm lâm bảo vệ được rừng.
"Tôi nói anh Cường (Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường- PV) đừng tự ái chứ tôi thấy kỹ sư đào tạo 4- 5 năm mà thua cả mấy ông lâm tặc, mấy ông này định vị ở đâu có cây to và lập kế hoạch khai thác vận chuyển rất chính xác" - ông Việt nói.
“Dân phải sống được từ rừng thì mới không phá rừng”
Đếm được 26 điều giao cho Chính phủ quy định, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng khoảng 1/3 số điều của dự thảo luật được giao cho Chính phủ cụ thể hoá thì luật không mang tính cụ thể, mà luật càng cụ thể bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Nhấn mạnh bảo vệ rừng là cấp bách, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng cần giao trách nhiệm cho chủ tịch tỉnh và chủ tịch huyện chứ không nên quy định chung chung là trách nhiệm thuộc uỷ ban.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng ý quan điểm này và cho rằng cần rõ chế tài để xử lý trách nhiệm của cả chủ rừng và cơ quan quản lý nhà nước khi có vi phạm xảy ra.
Cũng băn khoăn về cơ chế chính sách chưa rõ ràng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý luật sửa đổi phải giải quyết bằng được tình trạng đồi trọc hiện nay.
Tôi với anh Cường (Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - PV) bay từ Điện Biên về đây nhìn xuống thấy đồi trọc hết, có nhiều vạt rừng dân chặt hết để trồng chuối. Vì họ không sống được bằng rừng nên phải làm như vậy, Chủ tịch nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa luật không chỉ để bảo vệ mà còn phải phát triển rừng nữa, đây là vấn đề sống còn, dân phải sống được từ rừng thì mới không phá rừng.
Kết thúc phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý việc hoàn thiện dự thảo luật phải khắc phục tình trạng quy định quyền nhiều nhưng nghĩa vụ trách nhiệm thì "lép".
Luật cần quy định để kiểm lâm có đủ thẩm quyền bảo vệ rừng, hiện nay bộ máy có nhưng nhiều khi thúc thủ, Phó chủ tịch nói.
Đa số ý kiến cho rằng cần giữ nguyên tên gọi cũ chứ không đổi tên thành Luật Lâm nghiệp như đề nghị của Chính phủ, ông Hiển "chốt".