07:45 21/08/2008

Đảo chiều lên điểm

Duy Cường

Ngày 20/8, chứng khoán Mỹ đã đảo chiều lên điểm bất chấp giá dầu tăng lên 114,98 USD/thùng

Thị trường chứng khoán Mỹ đã đảo chiều tăng điểm sau khi giảm mất điểm trong nhiều phiên trước đó - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã đảo chiều tăng điểm sau khi giảm mất điểm trong nhiều phiên trước đó - Ảnh: Reuters.
Ngày 20/8, chứng khoán Mỹ đã đảo chiều lên điểm bất chấp giá dầu tăng lên 114,98 USD/thùng.

Chứng khoán Mỹ: Khi cổ phiếu cần lệnh hành chính…

Goldman Sachs hôm thứ Tư đã đưa ra bản báo cáo dự báo giá dầu, theo đó các chuyên gia của ngân hàng này tiếp tục duy trì mức dự báo giá dầu sẽ vọt lên 149 USD/thùng vào cuối năm 2008.

Bên cạnh đó, USD tiếp tục mất giá so với nhiều ngoại tệ mạnh khác nên đã khiến giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 9 tại NYMEX trong ngày 20/8 tăng thêm 45 cent/thùng, đóng cửa ở mức 114,98 USD/thùng.

Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) sẽ đưa ra một quy định mới liên quan đến việc hạn chế và cấm bán khống cổ phiếu trong vài tuần tới nhằm hỗ trợ 19 hãng tài chính đang gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tín dụng.

Trước đó, SEC đã ban hành quy định hạn chế, thậm chí cấm nhà đầu tư được bán khống đối với cổ phiếu của 19 hãng tài chính nhằm tránh cho cổ phiếu của 19 hãng này bị đầu cơ giá xuống để trục lợi.

Và ngay khi lệnh này có hiệu lực vào ngày 21/7 thì cổ phiếu của các hãng tài chính đã tăng điểm trở lại. Nhưng thực tế khi quy định đó hết hiệu lực vào ngày 12/8 thì cổ phiếu khối tài chính lại tiếp tục giảm mạnh.

Như vậy, kế hoạch ban hành một lệnh giới hạn, cấm bán khống của SEC rất có thể sẽ lại là một nhân tố hỗ trợ khiến cổ phiếu khối tài chính, đặc biệt là 19 mã cổ phiếu bị tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng tín dụng, sẽ không bị làm giá và có thể sẽ khởi sắc trở lại.

Một thông tin đáng chú ý trong ngày, diễn biến của cổ phiếu hai nhà cho vay thế chấp bất động sản là Fannie Mae và Freddie Mac vẫn tiếp tục là nỗi lo của khối tài chính, bởi cho đến nay, Chính phủ Mỹ vẫn chưa có hành động cụ thể nào nhằm mua lại hai hãng này như tuyên bố trước đó.

Đến phiên giao dịch này, cổ phiếu Fannie Mae (FNM) tiếp tục giảm 26,79%, cổ phiếu Freddie Mac (FRE) mất 22,06%, chính thức đưa hai cổ phiếu này xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua.

Giới phân tích nhận định rằng, nếu muốn “cứu” cổ phiếu của hai hãng này thì chỉ có hai giải pháp, một là Chính phủ Mỹ có hành động cụ thể nhằm hỗ trợ họ và biện pháp khác là SEC áp dụng ngay lập tức quy định hạn chế, thậm chí cấm bán khống đối với hai mã cổ phiếu FNM và FRE.

Chứng khoán Mỹ phiên giao dịch này đã đảo chiều tăng điểm nhờ sức tăng của nhiều cổ phiếu khối tài chính và kết quả kinh doanh của hãng Hewlett-Packard (HP) tốt hơn mong đợi.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 68,88 điểm, tương đương 0,61%, đóng cửa ở mức 11.417,43.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 4,72 điểm, tương ứng 0,2%, đóng cửa ở mức 2.388,08.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 7,85 điểm, tương đương 0,62%, đóng cửa ở mức 1.274,54.

Giải thích thuật ngữ:

Bán khống (Short Sales) là phương thức nhà đầu tư đi mượn cổ phiếu từ các hãng môi giới – xử lý thanh toán (Clearing Firm/ House) sau đó bán ra khi nhận định rằng giá cổ phiếu đó sẽ đi xuống. Sau khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng hoặc bị lỗ quá nhiều, họ sẽ mua lại cổ phiếu đó để trả lại nơi họ đã mượn.

Mỗi lần mượn cổ phiếu, giới đầu tư phải trả một khoản phí tính trên số cổ phiếu. Phí mượn một cổ phiếu này thay đổi theo từng thời kỳ, từng hãng… nhưng phổ biến ở mức 0,000xx USD/cổ phiếu.

Chứng khoán châu Âu: Vẫn lo khối ngân hàng

Chứng khoán châu Âu đã tăng điểm trở lại sau khi giảm mạnh phiên giao dịch trước đó. Giá dầu thô, giá các kim loại như đồng, kẽm…tăng giá nên đã giúp cổ phiếu các công ty dầu khí và khai mỏ tăng điểm mạnh mẽ, góp phần hỗ trợ thị trường lên điểm.

Cổ phiếu của hai công ty khai mỏ là Rio Tinto và Xstrata đã tăng lần lượt 5,7% và 4% trong khi cổ phiếu của ba hãng dầu khí là BP của Anh, Royal Dutch Shell của Hà Lan và Total của Pháp tăng từ 1,5% đến 2,3%.

Khối ngân hàng phiên này vẫn tiếp tục đà sụt giảm do lo ngại diễn biến thị trường tín dụng Mỹ tiếp tục xấu đi sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng châu Âu.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 51,4 điểm, tương đương 0,97%, đóng cửa ở mức 5.371,8, khối lượng giao dịch phiên này đạt 1,76 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 0,56%, khối lượng giao dịch đạt 3,8 tỷ cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 0,76%, khối lượng giao dịch đạt 131 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Điểm nhấn Trung Quốc

Chứng khoán châu Á tăng điểm ở gần hết các thị trường sau khi đồng loạt mất điểm phiên trước đó trong khi thị trường Nhật vẫn duy trì sắc đỏ trong phiên giao dịch hôm thứ Tư.

Phiên giao dịch này, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lên điểm nhưng với biên độ tăng trên 7% thì đó là điều vô cùng bất ngờ, nhân tố nào giúp chỉ số Shanghai Composite có bước tiến mạnh mẽ như vậy?

Ngay từ đầu giờ giao dịch, giới đầu tư ở Trung Quốc đã nhận được thông tin về gói hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản của Chính phủ nước này.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng JPMorgan Chase tại Trung Quốc, Frank Gong cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đang xem xét gói hỗ trợ trị giá 200 - 400 tỷ Nhân dân tệ và có thể nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay.

“Điều này sẽ bao gồm cả biện pháp cắt giảm thuế, tạo điều kiện tốt hơn cho thị trường vốn trong nước và hỗ trợ thị trường bất động sản” ông Frank Gong nói.

Trước thông tin này, giới phân tích nhận định rằng, trước khi có biện pháp cụ thể và chính thức được công bố, chỉ số Shanghai Composite sẽ dao động ở ngưỡng từ 2.300 đến 2.600 điểm. Được biết, ngưỡng hỗ trợ của chỉ số này là 2.245 điểm - đây là chính là điểm kháng cự của chỉ số này được thiết lập năm 2001.

Những thông tin đó đã được giới đầu tư đón nhận bằng các lệnh mua ồ ạt tung ra trong khi lệnh bán dần ít đi, chỉ số Shanghai Composite đầu giờ giao dịch đã tăng 5,89%, trên bảng điện tử có 935 cổ phiếu tăng giá thì mới có một cổ phiếu giảm giá, cùng đó là 30 mã chứng khoán tăng kịch trần 10%.

Đến phiên giao dịch buổi chiều, sức tăng tiếp tục được duy trì và dần tăng cao hơn vào cuối ngày giao dịch khi cổ phiếu các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bất động sản… tăng điểm mạnh mẽ.

Cụ thể, cổ phiếu của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) tăng 5%, Ngân hàng Công nghiệp tăng 6,48%, cổ phiếu Công ty Chứng khoán CITIC Securities tăng 10%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite tăng 178,81 điểm, tương đương 7,63%, đóng cửa ở mức 2.523,28, giảm 60% so với tháng 10/2007.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch này tiếp tục mất điểm do cổ phiếu Toyota và các nhà xuất khẩu lớn khác sụt giảm trong khi cổ phiếu ngân hàng mất điểm do lo ngại về hệ thống tài chính Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 13,36 điểm, tương ứng -0,1%, đóng cửa ở mức 12.851,69, điểm thấp nhất kể từ ngày 18/4.

Điểm qua các thị trường khác: Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 2,18%. Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,89%. Chỉ số Straits Times của Singapore phiên giao dịch này tăng 0,83%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc gần như không có biến chuyển so với phiên trước đó.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.348,55 11,417.43 Up   68,88 Up 0,61
Nasdaq 2.384,36 2,389.08 Up     4,72 Up 0,20
S&P 500 1.266,69 1,274.54 Up     7,85 Up 0,62
Anh FTSE 100 5.320,40 5.371,80 Up   51,40 Up 0,97
Đức DAX 6.282,43 6.317,80 Up   35,37 Up 0,56
Pháp CAC 40 4.332,79 4.365,87 Up   33,08 Up 0,76
Đài Loan Taiwan Weighted 6.978,60 7.040,90 Up   62,30 Up 0,89
Nhật Nikkei 225 12.865,05 12.851,69  Down   13,36 Down 0,10
Hồng Kông Hang Seng 20.484,37 20,931.26    Up 446,89 Up 2,18
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.541,41 1.540,71 Down     0,70 Down 0,05
Singapore Straits Times 2.728,39 2.751,05      Up   22,16 Up 0,83 
Trung Quốc Shanghai Composite 2.344,47 2.523,28 Up 178,81 Up 7,63
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg