Đào tạo nghề không hiệu quả nếu doanh nghiệp - nhà trường chỉ hợp tác trên giấy tờ
Chỉ khi nhà trường và doanh nghiệp cùng có động lực và áp lực, bắt tay nhau thì đào tạo nghề mới hiệu quả, còn không thể có một hợp tác mang tính chất chỉ trên giấy tờ
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân nhấn mạnh như vậy tại hội thảo Thực trạng và giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp ngày 15/11. Đây là hoạt động bên lề Diễn đàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam sẽ chính thức diễn ra vào sáng 16/11.
Chấm dứt tình trạng doanh nghiệp không hài lòng với chất lượng trường nghề
Chia sẻ góc nhìn tại hội thảo, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, hiện nay giáo dục nghề nghiệp đang có những thay đổi đột phát, trong đó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp được xem là yếu tổ quan trọng nhất.
Theo ông Quân, không một quốc gia nào trên thế giới có thể đào tạo được những con người ở trong trường có khả năng làm được ngay những việc doanh nghiệp cần, nếu không có sự tham gia của chính doanh nghiệp vào quá trình đó. Bởi vì, nếu cố làm như vậy thì sẽ lãng phí rất lớn, sác xuất thành công, sự thích ứng, cũng như chi phí đổi mới để nâng cao năng lực đào tạo sẽ rất cao.
Trong khi đó, nếu doanh nghiệp hợp tác với trường nghề sẽ giúp hai bên đều xác định được nhu cầu. Đặc biệt khi doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo thì sẽ xử lý được bài toán có lao động sớm, tức là ngay lúc sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường đã có thể tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ rất chủ động có nhân lực khi ký kết chính thức hợp đồng với sinh viên, đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu công việc.
Ông Quân phân tích, giáo dục nghề nghiệp khác rất nhiều so với giáo dục đại học. Bởi vì, giáo dục đại học tập trung vào đào tạo những con người có tư duy phân tích tổng hợp, đổi mới sáng tạo, do đó họ thường mất một thời gian để hội nhập, khi tích lũy các kinh nghiệm thực tiễn mới giải quyết được công việc.
Còn giáo dục nghề nghiệp chủ yếu tập trung vào cung ứng nhân lực mà doanh nghiệp đang cần để vận hành các quy trình, công nghệ. Chính vì lẽ đó, giáo dục nghề nghiệp có lợi thế rất lớn trong hợp tác với doanh nghiệp.
Ông Quân cho rằng, đã đến lúc phải tiến tới chấm dứt tình trạng doanh nghiệp không hài lòng và kêu ca về chất lượng của các trường nghề. Nếu doanh nghiệp cần cần nhân lực thì việc hợp tác với trường nghề chính là trách nhiệm và quyền lợi của chính doanh nghiệp.
Thực tế cũng cho thấy rằng, chỉ khi chủ động hợp tác với các trường nghề để cùng chuẩn bị nguồn nhân lực cho mình thì khi đó doanh nghiệp sẽ hài lòng, còn nếu doanh nghiệp vẫn đứng ngoài để tuyển dụng lao động thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không tuyển dụng được.
Hợp tác phải có lợi, không thể dừng trên giấy tờ
Về phía các trường nghề, theo ông Quân thì thời gian tới nếu không hợp tác với doanh nghiệp thì không "sống" và phát triển được. "Lí do là chúng ta không thể trông chờ vào nguồn lực (tài chính, công nghệ, kỹ thuật..) đến từ ngân sách nhà nước được nữa. Trong khi đó, người học chỉ có sức lao động, nguồn lực tài chính đến từ các gia đình có con em tham gia học lại rất khiêm tốn", ông Quân lý giải.
Với thực tế này, ông Quân cho rằng, chỉ có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp mới giúp các trường nghề giải phóng được nguồn lực. "Về mặt chính sách phải tháo gỡ được cái này. Chỉ khi nhà trường và doanh nghiệp cùng có động lực và áp lực, bắt tay với nhau thì mới hiệu quả, còn không thể có một hợp tác mang tính chất trên giấy, hợp tác phải có lợi ích. Không giải được bài toán này chúng ta sẽ không có được nhân lực chất lượng", ông Quân khẳng định.
Nhìn nhận vấn đề chất lượng nguồn nhân lực ở góc nhìn đa chiều, ông Quân nhấn mạnh việc đào tạo nghề là công việc thường xuyên và liên tục tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp hiện nay không chỉ có tuyển mới, đào tạo nhân lực từ bên ngoài vào mà cần ưu tiên đầu tư đào tạo đội ngũ đang có tại doanh nghiệp, để thích ứng với những thay đổi của công nghệ và môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, công tác này trong suốt một thời gian dài doanh nghiệp rất ít coi trong. Theo các khảo sát, ngân sách dành cho đào tạo nhân viên của các doanh nghiệp Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 1/5 tháng lương của một nhân viên/năm, thường từ khoảng 300.000 – 500.000 đồng/người/năm.
Thực trạng này chỉ phù hợp với 10 năm trước, khi chúng ta vẫn ưu tiên sử dụng lao động không qua đào tạo, doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo sản xuất kinh doanh mà chưa yêu cầu cao về nhân lực.
Nhưng, 10 năm tới điều này sẽ phải thay đổi, doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng giá trị gia tăng, khi đó phải ưu tiên phát triển nguồn nhân lực và thậm chí là giành công việc đó. Vì vậy, giáo dục nghề nghiệp không chỉ còn đào tạo lại cho doanh nghiệp mà cho cả lao động đang tham gia sản xuất kinh doanh.
Đây là khu vực rất rộng cho các trường nghề để tuyển sinh, bởi vì chúng ta hiện có khoảng 55 triệu lao động, nhưng mới chỉ có 24% qua đào tạo, 35% đang làm ở khu vực nông nghiệp, và một tỷ lệ lớn lao động tới đây sẽ phải đào tạo lại.
Vì thế, vị Thứ trưởng lần nữa nhấn mạnh rằng, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và trường nghề phải làm thực chất, chứ không chỉ dừng ở việc cấp chứng chỉ thì mới có có được đội ngũ nhân lực có chất lương.