10:37 25/10/2007

Đặt lại mục tiêu kìm lạm phát?

Hoàng Đạt

“Không nên tiếp tục đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP)”

Những năm gần đây, CPI không tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP.
Những năm gần đây, CPI không tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP.
“Không nên tiếp tục đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP)”.

Đây là kiến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại kỳ họp lần này, liên quan đến vấn đề lạm phát trong những năm gần đây và trong những năm tới.

Nguyên do của kiến nghị trên là vì mục tiêu trong năm 2008 tốc độ tăng trưởng đạt 9% và các năm tiếp theo có thể tăng lên 2 con số. Theo cách đặt vấn đề như hiện nay, nếu tốc độ tăng GDP là 9% mà tốc độ tăng CPI là 8,5% hoặc gần 9% thì vẫn đạt mục tiêu kiềm chế, nhưng đó là mức lạm phát cao, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế.

“Nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, trong khi thu nhập thực tế của người lao động và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước không tăng tương xứng thì đời sống của người dân không được nâng cao như mục tiêu đã đề ra”, Ủy ban Kinh tế lo ngại.

Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị trong Nghị quyết năm 2008 của Quốc hội nên xác định một tỷ lệ tăng chỉ số giá tiêu dùng cụ thể và các biện pháp nhằm kìm chế lạm phát để có hướng phấn đấu mạnh hơn và xử lý vấn đề cân đối vĩ mô của nền kinh tế hiệu quả hơn. Hiện có ý kiến đề nghị mức tăng CPI năm 2008 thấp hơn năm 2007.

Ngoài ra, liên quan đến việc đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP, có một điểm đáng chú ý là số liệu của những năm trước đây cho thấy CPI không tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP.

Cụ thể, trong các năm từ 2001-2006, tốc độ tăng của GDP lần lượt là 6,9%, 7,08%, 7,34%, 7,8%, 8,4% và 8,17%, trong khi CPI và dịch vụ tương ứng với các năm là 0,8%; 4%; 3%; 9,5%; 8,3%; 6,6%.

Về diễn biến tăng CPI trong năm nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng đà tăng cao tác động bất lợi đến sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của đại bộ phận nhân dân.

Về nguyên nhân, ngoài giá cả trên thị trường thế giới tăng cao, Ủy ban Kinh tế còn nhấn mạnh đến tác động của chính sách tiền tệ đã áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2007, nhưng cũng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước mua số lượng ngoại tệ lớn để tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia và giữ ổn định tỷ giá “là việc làm tích cực và cần thiết”.

Với những biện pháp mạnh mà Chính phủ chỉ đạo triển khải, Ủy ban đề cập tới khả năng mục tiêu giữ tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế là có thể đạt được. Tuy nhiên, những biện pháp đó sẽ tác động đến thu ngân sách nhà nước; ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và có thể làm tăng giá trong năm 2008.

Xét lại phương pháp tính CPI?

Ngoài kiến nghị đặt lại mục tiêu kiềm chế lạm phát nói trên, thời gian qua, một số thông tin cũng đề cập tới việc xem xét lại cách tính chỉ số CPI của Tổng cục Thống kê để phản ánh chính xác diễn biến của thị trường.

Về yêu cầu này, Tổng cục Thống kê cho biết phương pháp tính CPI hiện nay phù hợp với phương pháp luận của quốc tế. Số liệu về CPI do Tổng cục tính đã được các tổ chức quốc tế nhu Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á... thường xuyên sử dụng và đánh giá cao.

Tuy nhiên, việc xác định chỉ tiêu kế hoạch lạm phát hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng của tháng 12 năm báo cáo so với tháng 12 năm trước và trên cơ sở đó công bố số liệu thực hiện cả năm theo nội dung này là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế (các nước đều công bố số liệu cả năm là chỉ số giá tiêu dùng cả năm so với năm trước).

Để khắc phục hạn chế trên, Tổng cục Thống kê cũng đã có đề xuất xác định chỉ tiêu kế hoạch về lạm phát theo nội dung của chỉ số giá tiêu dùng cả năm so với năm trước. Trên cơ sở đó, Tổng cục công bố chỉ số giá tiêu dùng hàng quý và cả năm so cùng kỳ năm trước.

Việc công bố chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng theo gốc so sánh tháng trước và cùng tháng năm trước như hiện nay tiếp tục được duy trì để phục vụ sự điều hành hàng tháng và một số yêu cầu phân tích kinh tế.

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cũng sẽ tiếp tục rà soát quyền số tính chỉ số giá; rà soát tính đại diện trong số lượng mặt hàng đại diện dùng để thu thập giá; tăng cường kiểm tra, giám sát khâu thu thập số liệu ban đầu.