Đất voi nguy cơ hết voi?
Mơ ước nhân rộng đàn voi của người sở hữu nhiều voi nhất Tây Nguyên khó trở thành hiện thực
Với 5 con voi trong nhà, Đàn Năng Long, người ở huyện Lăk, tỉnh Đắc Lắc, được coi là người sở hữu nhiều voi nhất Tây Nguyên hiện nay.
Kế nghiệp gia đình, dòng họ, đã nhiều lần anh trăn trở muốn được nhân rộng đàn voi vừa để chăm sóc, bảo tồn, vừa phục vụ văn hóa du lịch. Tuy nhiên, mơ ước của anh khó thành hiện thực bởi rất nhiều lý do.
Trên vách ngôi nhà sàn 7 gian, những dụng cụ săn voi một thời của các thế hệ trước giờ được treo trang nghiêm, gọn gẽ. Bên ché rượu thuốc nổi tiếng mang thương hiệu đặc trưng núi rừng Tây Nguyên, người viết ngồi nghe anh kể những câu chuyện về truyền thống, phong tục của đồng bào, chuyện săn voi và những chuyến đi rừng, câu chuyện về loài voi, về những trăn trở, thách thức trong bảo tồn voi hiện nay ở Tây Nguyên.
Người nhiều voi nhất Tây Nguyên
Theo chân anh Long và nài voi (quản tượng) Ama Tính đi thăm đàn voi, anh Long hồ hởi khoe và kể nguồn gốc xuất xứ, tính cách của từng con. 5 con voi anh coi như 5 thành viên trong gia đình được đặt tên là Bắc Que, Béc Khăm, Bắc Tớt, H’Túc, H’Khum.
Mặc dù bây giờ luật không được phép săn voi rừng nhưng toàn bộ những dụng cụ dùng cho việc đi săn vẫn được giữ nguyên vẹn và phần lớn số voi của nhà anh hiện nay là voi rừng qua thuần dưỡng. Chỉ H’Túc là “nàng” voi duy nhất được sinh ra từ đàn voi nhà năm 1984. Đây là chiến tích một thời của bố anh và dòng họ. Nếu cụ Khun Yu Nốp được buôn làng Tây Nguyên coi là vua voi, cụ Ama Kông nổi tiếng săn được 298 con voi rừng và có món thuốc tăng cường sinh lực... thì cụ thân sinh anh Long nổi tiếng với việc săn và thuần dưỡng tổng cộng gần 500 con voi.
Vốn là cán bộ sở văn hóa, về nghỉ hưu từ năm 1999, nhớ lời căn dặn của cha, cụ Đàn Năng Nhảy (AmaKu), anh đã quyết tâm bỏ tiền chuộc lại đàn voi của gia đình và kế tiếp truyền thống thuần và bảo tồn voi. Anh Long cho biết, ngày đó, anh đã bỏ ra 50 triệu đồng để chuộc con Y Chút và 40 triệu đồng mua con Bắc Que (Boọc Que) để thuần dưỡng, phục vụ du khách và các lễ hội...
Thấm thoắt 10 năm, kể từ ngày anh quyết về buôn làng tậu lại đàn voi; đến nay, anh nắm được đặc điểm, tính nết của từng con với bao kỷ niệm vui buồn gắn với đàn voi.
Đã có lần anh bị một phen hú vía, suýt mất mạng vì chú voi Béc Khăm đang tuổi “thanh niên” đến mùa động dục. Nó đã giật đứt cả dây xích sắt lao vào rừng, tàn phá nương rẫy để tìm bạn tình. Phải mất cả tuần tìm kiếm, săn lùng mới bắt được trở lại trong sự hung hãn của nó.
Xưa vào rừng sâu săn voi con dưới 5 tuổi về thuần dưỡng đã khó lắm, phải đi cả đoàn và có sự chuẩn bị, kiêng khem, cúng bái kỹ lưỡng trước cả tuần. Nay, việc săn chú voi này còn khó khăn, nguy hiểm gấp ngàn lần bởi sự hung dữ và máu chiến. Ngay cả anh Long là người bao năm gắn bó, huấn luyện, quản lý mà khi vào cũng bị nó coi như “địch thủ”. Và cuối cùng, anh cũng săn lại được nó nhưng chiến công không phải thuộc về anh và các trai làng bản mà của Y Chút - con voi đầu đàn, niềm tự hào của đàn voi Tây Nguyên.
Kể đến đây, giọng anh Long chùng xuống, nghẹn lại, buồn rầu. Y Chút - con voi nổi tiếng không chỉ ở Tây Nguyên mà còn nổi tiếng trên cả nước, được bắt từ rừng khi mới 5 tuổi - đã “lìa đàn” hồi tháng 5/2008, sau 70 năm gắn bó với gia đình anh.
“Lìa đàn” vì ngụm nước hồ
Đang phục vụ du lịch chở khách dạo trên hồ Lắk, bỗng dưng Y Chút trở chứng, không đi theo đàn nữa, rẽ nước vào bờ. Nài voi Tính giật mình khi voi không chịu sự điều khiển của mình. Đứng trên bờ, anh Long cũng bất ngờ vì sự khác lạ của Y Chút bởi bình thường, Y Chút to khỏe, chưa bao giờ trở chứng. Ngay cả ở tuổi 74 nhưng Y Chút vẫn to khỏe, bệ vệ, lực lưỡng và hùng dũng nhất.
Tới bến, Y Chút quỳ xuống có ý nhắc nài và khách du lịch ra khỏi giá chở trên lưng. Và khi người khách cuối cùng rời khỏi giá, Y Chút gục xuống, không gượng lên được nữa. Suốt cả ngày hôm đó đến nửa đêm, Y Chút nằm bẹp, không ăn uống, mắt nhắm nghiền, trào ra những dòng nước, thở dốc. “Và Y Chút mất”. Anh Long ngậm ngùi, xót xa: to khỏe, oai phong, nặng cân như vậy nhưng lại quỵ vì mấy ngụm nước hồ.
Đứng trước cửa ngôi nhà sàn nhìn ra phía hồ trước mặt, anh Long chỉ tay về bãi đất mênh mông bên hồ nước về mùa khô là cách đồng nhưng mùa mưa thì ngập nước. Thêm nguồn thải của thị trấn chảy xuống, nên nước hồ có cả nước thải lẫn nước ngấm từ thuốc trừ sâu bệnh của cánh đồng. Hôm đó, Y Chút vẫn làm việc như bình thường nhưng sau khi lội hồ và uống nước, chợt rùng mình và gục ngã. Voi còn không chịu được thì cá làm sao sống nổi
Voi to khoẻ, có ốm đau thường chỉ là do thức ăn, nước uống. Sông, suối vốn là nguồn nước tự nhiên của voi; Voi hoang rất kén, chỉ uống nước trong và sạch. Voi nhà, vì đói và khát, nên ăn và uống tạp hơn, thấy ở đâu có nước, có thức ăn là ăn, là uống. Thế nên khó có thể tránh và kiểm soát được để bảo vệ voi.
Ngày trước bà con Tây Nguyên cho voi kéo gỗ một mùa, mùa còn lại thả vào rừng để voi sống đời hoang dã, tự kiếm thức ăn nhưng nay, chủ yếu nhốt phục vụ du lịch. Thức ăn của voi đến hơn 100 loài thực vật, củ, quả, lá và rễ cây các loại và chủ yếu ở rừng mới có. Tuy nhiên nếu nhốt voi tại nhà thì lượng thức ăn cho voi cần phải chiếm 10% trọng lượng của chúng, tức là nếu như Y Chút nặng hơn 7 tấn phải cần hơn 7 tạ thức ăn mỗi ngày.
Phần lớn đồng bào dân bản còn nghèo, kinh tế khó khăn, con voi là tài sản lớn nhất trong nhà, biết lấy tiền đâu mà mua cho đủ. Sống xa rừng, và diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp để dành chỗ cho ruộng nương, các loại cây trồng nên nguồn thức ăn của voi nghèo nàn vài thứ rau quả. Đàn voi nhà chỉ được ăn quanh năm một loại thực phẩm là lá le.
Thiếu dinh dưỡng, sức voi suy kiệt dần. Nhìn đàn voi ở các khu du lịch của Đắc Lắc như Buôn Đôn, Hồ Lắc...., người ngoài không biết con nào gầy nhưng người trong nghề thì xót xa khi thấy voi ngày một xuống sức, anh Long cho biết.
Đàn voi đang ngày càng “già hóa”
Đàn voi nhà Tây Nguyên nói chung và huyện Lắc nói riêng đang ngày càng “già hoá”, còn rất ít con ở trong độ tuổi sinh sản từ 10 - 40 năm tuổi.
Theo những người dân vùng Lắk thì ngày trước, mặc dù cũng là voi săn bắt, thuần dưỡng nhưng voi đẻ nhiều vì có không gian, bãi cỏ rộng, có cánh đồng voi của vua Bảo Đại khoanh thả 40 con voi của ông nên voi sống tự do và có môi trường để sống, và giao phối. Tuy nhiên, phần lớn voi Tây Nguyên hiện nay là voi săn từ rừng đã già mà rất ít voi trẻ và voi con được sinh ra.
Nếu như cuối những năm 90, huyện Lắc có hơn 80 con voi nhà thì nay thì chỉ còn 21 con. Và hiện tại, cả Đắc Lắc cũng chỉ còn 57 con voi trong đó tập trung chủ yếu ở buôn Đôn và buôn Lăk. Nghiêm trọng hơn, trong số 21 con voi ở vùng Lắk thì chỉ còn 5 con voi cái trong độ tuổi sinh sản. Anh Long cho biết, nếu không có không gian cho voi sống và yêu, thì chỉ khoảng 20 năm nữa thôi, đàn voi ở huyện có nhiều voi nhà nhất Tây Nguyên sẽ già hóa, suy giảm nghiêm trọng và sẽ hết voi.
Có một thực tế, môi trường tự nhiên chăn thả không có nhưng đồng bào cũng rất hạn chế cho voi nhà giao phối lẫn nhau vì những cản trở bởi tập tục và sự hung dữ của voi.
Voi không được thả tự do mà phải cột gần nhà hoặc có người trông coi để một phần tránh việc phá nương rẫy, hoa màu, cà phê của các hộ dân nhưng điều quan trọng hơn là, nếu không được trông nom, bảo vệ voi sẽ trở thành mục tiêu của bọn săn trộm ngà và chặt đuôi lấy lông.
Giọng bức xúc, anh Long kể lại câu chuyện tháng trước, đàn voi nhà dì anh bị kẻ gian chặt mất đuôi để lấy lông bán, bởi mỗi cái đuôi bán cả mấy chục triệu. Nếu voi bị chặt đuôi sẽ yếu đi nhiều vì ăn vào xương sống và sẽ chết sớm. Ngoài ra, đuôi còn là bộ phận quan trọng có chức năng quạt mát cơ thể, đuổi các loại côn trùng ở nửa phần dưới cơ thể (cùng với vòi phần trên).
Cần có bác sỹ và hội bảo vệ voi
Trước tình trạng voi bị đe dọa, ước muốn lớn nhất của anh Long hiện nay là được bảo tồn, phát triển đàn voi, mua thêm để giống như dòng họ trước kia.
Tuy nhiên, anh đang trăn trở nên mua nữa hay chỉ dừng ở 5 con vì muốn nhân rộng, phát triển thì phải có nơi chăn, môi trường cho voi phát triển. Mặt khác, có ít voi thì còn dễ chăm sóc chứ khi nhiều voi thì sẽ khó vì hiện nay chưa có bác sỹ thú y để chữa các bệnh cho voi.
Anh Long cho rằng cần phải có bệnh viện voi. Hiện nay, khi voi bị ốm, bệnh, hầu hết dân bản đều chữa bằng phương pháp thủ công, đơn thuần, kinh nghiệm dân gian, ít có sự tham gia, can thiệp mang tính khoa học. Song khi voi bị bệnh nặng hoặc dẫm phải đinh, ai chữa trị và làm cách nào để nhấc chân voi mà nhổ đinh?
Ở một số nước, có hệ thống truyền dịch chích thuốc bổ cho voi. Họ tiêm thuốc mê cho voi, có cần cẩu nâng lên và phẫu thuật. Còn ở Tây Nguyên, bà con chưa được đào tạo, hướng dẫn một cách bài bản, khoa học về chăm sóc voi, nhất là voi bệnh. Mà nếu có được đào tạo bài bản thì cũng không có thiết bị, thuốc men!
Với sự suy giảm đàn voi và ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người nuôi voi, việc bảo tồn đàn voi Tây Nguyên đặt ra nhu cầu hình thành một hội bảo tồn voi, có bác sỹ chăm sóc voi là chính đáng và cần thiết.
Kế nghiệp gia đình, dòng họ, đã nhiều lần anh trăn trở muốn được nhân rộng đàn voi vừa để chăm sóc, bảo tồn, vừa phục vụ văn hóa du lịch. Tuy nhiên, mơ ước của anh khó thành hiện thực bởi rất nhiều lý do.
Trên vách ngôi nhà sàn 7 gian, những dụng cụ săn voi một thời của các thế hệ trước giờ được treo trang nghiêm, gọn gẽ. Bên ché rượu thuốc nổi tiếng mang thương hiệu đặc trưng núi rừng Tây Nguyên, người viết ngồi nghe anh kể những câu chuyện về truyền thống, phong tục của đồng bào, chuyện săn voi và những chuyến đi rừng, câu chuyện về loài voi, về những trăn trở, thách thức trong bảo tồn voi hiện nay ở Tây Nguyên.
Người nhiều voi nhất Tây Nguyên
Theo chân anh Long và nài voi (quản tượng) Ama Tính đi thăm đàn voi, anh Long hồ hởi khoe và kể nguồn gốc xuất xứ, tính cách của từng con. 5 con voi anh coi như 5 thành viên trong gia đình được đặt tên là Bắc Que, Béc Khăm, Bắc Tớt, H’Túc, H’Khum.
Mặc dù bây giờ luật không được phép săn voi rừng nhưng toàn bộ những dụng cụ dùng cho việc đi săn vẫn được giữ nguyên vẹn và phần lớn số voi của nhà anh hiện nay là voi rừng qua thuần dưỡng. Chỉ H’Túc là “nàng” voi duy nhất được sinh ra từ đàn voi nhà năm 1984. Đây là chiến tích một thời của bố anh và dòng họ. Nếu cụ Khun Yu Nốp được buôn làng Tây Nguyên coi là vua voi, cụ Ama Kông nổi tiếng săn được 298 con voi rừng và có món thuốc tăng cường sinh lực... thì cụ thân sinh anh Long nổi tiếng với việc săn và thuần dưỡng tổng cộng gần 500 con voi.
Vốn là cán bộ sở văn hóa, về nghỉ hưu từ năm 1999, nhớ lời căn dặn của cha, cụ Đàn Năng Nhảy (AmaKu), anh đã quyết tâm bỏ tiền chuộc lại đàn voi của gia đình và kế tiếp truyền thống thuần và bảo tồn voi. Anh Long cho biết, ngày đó, anh đã bỏ ra 50 triệu đồng để chuộc con Y Chút và 40 triệu đồng mua con Bắc Que (Boọc Que) để thuần dưỡng, phục vụ du khách và các lễ hội...
Thấm thoắt 10 năm, kể từ ngày anh quyết về buôn làng tậu lại đàn voi; đến nay, anh nắm được đặc điểm, tính nết của từng con với bao kỷ niệm vui buồn gắn với đàn voi.
Đã có lần anh bị một phen hú vía, suýt mất mạng vì chú voi Béc Khăm đang tuổi “thanh niên” đến mùa động dục. Nó đã giật đứt cả dây xích sắt lao vào rừng, tàn phá nương rẫy để tìm bạn tình. Phải mất cả tuần tìm kiếm, săn lùng mới bắt được trở lại trong sự hung hãn của nó.
Xưa vào rừng sâu săn voi con dưới 5 tuổi về thuần dưỡng đã khó lắm, phải đi cả đoàn và có sự chuẩn bị, kiêng khem, cúng bái kỹ lưỡng trước cả tuần. Nay, việc săn chú voi này còn khó khăn, nguy hiểm gấp ngàn lần bởi sự hung dữ và máu chiến. Ngay cả anh Long là người bao năm gắn bó, huấn luyện, quản lý mà khi vào cũng bị nó coi như “địch thủ”. Và cuối cùng, anh cũng săn lại được nó nhưng chiến công không phải thuộc về anh và các trai làng bản mà của Y Chút - con voi đầu đàn, niềm tự hào của đàn voi Tây Nguyên.
Kể đến đây, giọng anh Long chùng xuống, nghẹn lại, buồn rầu. Y Chút - con voi nổi tiếng không chỉ ở Tây Nguyên mà còn nổi tiếng trên cả nước, được bắt từ rừng khi mới 5 tuổi - đã “lìa đàn” hồi tháng 5/2008, sau 70 năm gắn bó với gia đình anh.
“Lìa đàn” vì ngụm nước hồ
Đang phục vụ du lịch chở khách dạo trên hồ Lắk, bỗng dưng Y Chút trở chứng, không đi theo đàn nữa, rẽ nước vào bờ. Nài voi Tính giật mình khi voi không chịu sự điều khiển của mình. Đứng trên bờ, anh Long cũng bất ngờ vì sự khác lạ của Y Chút bởi bình thường, Y Chút to khỏe, chưa bao giờ trở chứng. Ngay cả ở tuổi 74 nhưng Y Chút vẫn to khỏe, bệ vệ, lực lưỡng và hùng dũng nhất.
Tới bến, Y Chút quỳ xuống có ý nhắc nài và khách du lịch ra khỏi giá chở trên lưng. Và khi người khách cuối cùng rời khỏi giá, Y Chút gục xuống, không gượng lên được nữa. Suốt cả ngày hôm đó đến nửa đêm, Y Chút nằm bẹp, không ăn uống, mắt nhắm nghiền, trào ra những dòng nước, thở dốc. “Và Y Chút mất”. Anh Long ngậm ngùi, xót xa: to khỏe, oai phong, nặng cân như vậy nhưng lại quỵ vì mấy ngụm nước hồ.
Đứng trước cửa ngôi nhà sàn nhìn ra phía hồ trước mặt, anh Long chỉ tay về bãi đất mênh mông bên hồ nước về mùa khô là cách đồng nhưng mùa mưa thì ngập nước. Thêm nguồn thải của thị trấn chảy xuống, nên nước hồ có cả nước thải lẫn nước ngấm từ thuốc trừ sâu bệnh của cánh đồng. Hôm đó, Y Chút vẫn làm việc như bình thường nhưng sau khi lội hồ và uống nước, chợt rùng mình và gục ngã. Voi còn không chịu được thì cá làm sao sống nổi
Voi to khoẻ, có ốm đau thường chỉ là do thức ăn, nước uống. Sông, suối vốn là nguồn nước tự nhiên của voi; Voi hoang rất kén, chỉ uống nước trong và sạch. Voi nhà, vì đói và khát, nên ăn và uống tạp hơn, thấy ở đâu có nước, có thức ăn là ăn, là uống. Thế nên khó có thể tránh và kiểm soát được để bảo vệ voi.
Ngày trước bà con Tây Nguyên cho voi kéo gỗ một mùa, mùa còn lại thả vào rừng để voi sống đời hoang dã, tự kiếm thức ăn nhưng nay, chủ yếu nhốt phục vụ du lịch. Thức ăn của voi đến hơn 100 loài thực vật, củ, quả, lá và rễ cây các loại và chủ yếu ở rừng mới có. Tuy nhiên nếu nhốt voi tại nhà thì lượng thức ăn cho voi cần phải chiếm 10% trọng lượng của chúng, tức là nếu như Y Chút nặng hơn 7 tấn phải cần hơn 7 tạ thức ăn mỗi ngày.
Phần lớn đồng bào dân bản còn nghèo, kinh tế khó khăn, con voi là tài sản lớn nhất trong nhà, biết lấy tiền đâu mà mua cho đủ. Sống xa rừng, và diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp để dành chỗ cho ruộng nương, các loại cây trồng nên nguồn thức ăn của voi nghèo nàn vài thứ rau quả. Đàn voi nhà chỉ được ăn quanh năm một loại thực phẩm là lá le.
Thiếu dinh dưỡng, sức voi suy kiệt dần. Nhìn đàn voi ở các khu du lịch của Đắc Lắc như Buôn Đôn, Hồ Lắc...., người ngoài không biết con nào gầy nhưng người trong nghề thì xót xa khi thấy voi ngày một xuống sức, anh Long cho biết.
Đàn voi đang ngày càng “già hóa”
Đàn voi nhà Tây Nguyên nói chung và huyện Lắc nói riêng đang ngày càng “già hoá”, còn rất ít con ở trong độ tuổi sinh sản từ 10 - 40 năm tuổi.
Theo những người dân vùng Lắk thì ngày trước, mặc dù cũng là voi săn bắt, thuần dưỡng nhưng voi đẻ nhiều vì có không gian, bãi cỏ rộng, có cánh đồng voi của vua Bảo Đại khoanh thả 40 con voi của ông nên voi sống tự do và có môi trường để sống, và giao phối. Tuy nhiên, phần lớn voi Tây Nguyên hiện nay là voi săn từ rừng đã già mà rất ít voi trẻ và voi con được sinh ra.
Nếu như cuối những năm 90, huyện Lắc có hơn 80 con voi nhà thì nay thì chỉ còn 21 con. Và hiện tại, cả Đắc Lắc cũng chỉ còn 57 con voi trong đó tập trung chủ yếu ở buôn Đôn và buôn Lăk. Nghiêm trọng hơn, trong số 21 con voi ở vùng Lắk thì chỉ còn 5 con voi cái trong độ tuổi sinh sản. Anh Long cho biết, nếu không có không gian cho voi sống và yêu, thì chỉ khoảng 20 năm nữa thôi, đàn voi ở huyện có nhiều voi nhà nhất Tây Nguyên sẽ già hóa, suy giảm nghiêm trọng và sẽ hết voi.
Có một thực tế, môi trường tự nhiên chăn thả không có nhưng đồng bào cũng rất hạn chế cho voi nhà giao phối lẫn nhau vì những cản trở bởi tập tục và sự hung dữ của voi.
Voi không được thả tự do mà phải cột gần nhà hoặc có người trông coi để một phần tránh việc phá nương rẫy, hoa màu, cà phê của các hộ dân nhưng điều quan trọng hơn là, nếu không được trông nom, bảo vệ voi sẽ trở thành mục tiêu của bọn săn trộm ngà và chặt đuôi lấy lông.
Giọng bức xúc, anh Long kể lại câu chuyện tháng trước, đàn voi nhà dì anh bị kẻ gian chặt mất đuôi để lấy lông bán, bởi mỗi cái đuôi bán cả mấy chục triệu. Nếu voi bị chặt đuôi sẽ yếu đi nhiều vì ăn vào xương sống và sẽ chết sớm. Ngoài ra, đuôi còn là bộ phận quan trọng có chức năng quạt mát cơ thể, đuổi các loại côn trùng ở nửa phần dưới cơ thể (cùng với vòi phần trên).
Cần có bác sỹ và hội bảo vệ voi
Trước tình trạng voi bị đe dọa, ước muốn lớn nhất của anh Long hiện nay là được bảo tồn, phát triển đàn voi, mua thêm để giống như dòng họ trước kia.
Tuy nhiên, anh đang trăn trở nên mua nữa hay chỉ dừng ở 5 con vì muốn nhân rộng, phát triển thì phải có nơi chăn, môi trường cho voi phát triển. Mặt khác, có ít voi thì còn dễ chăm sóc chứ khi nhiều voi thì sẽ khó vì hiện nay chưa có bác sỹ thú y để chữa các bệnh cho voi.
Anh Long cho rằng cần phải có bệnh viện voi. Hiện nay, khi voi bị ốm, bệnh, hầu hết dân bản đều chữa bằng phương pháp thủ công, đơn thuần, kinh nghiệm dân gian, ít có sự tham gia, can thiệp mang tính khoa học. Song khi voi bị bệnh nặng hoặc dẫm phải đinh, ai chữa trị và làm cách nào để nhấc chân voi mà nhổ đinh?
Ở một số nước, có hệ thống truyền dịch chích thuốc bổ cho voi. Họ tiêm thuốc mê cho voi, có cần cẩu nâng lên và phẫu thuật. Còn ở Tây Nguyên, bà con chưa được đào tạo, hướng dẫn một cách bài bản, khoa học về chăm sóc voi, nhất là voi bệnh. Mà nếu có được đào tạo bài bản thì cũng không có thiết bị, thuốc men!
Với sự suy giảm đàn voi và ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người nuôi voi, việc bảo tồn đàn voi Tây Nguyên đặt ra nhu cầu hình thành một hội bảo tồn voi, có bác sỹ chăm sóc voi là chính đáng và cần thiết.