09:23 16/11/2011

Đầu tư công: Đến lúc không thể không nghiêm túc

Anh Quân

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói về chính sách mới quản lý, giám sát đầu tư công

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - Ảnh: Anh Quân.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - Ảnh: Anh Quân.
Chủ trương thắt chặt lại đầu tư công tại Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, vừa có hiệu lực hôm 25/11, đem đến nhiều trăn trở.

Liệu có tạo cơ chế xin cho khi quyền thẩm định về lại tay Bộ Kế hoạch và Đầu tư? Có tạo ra sự lãng phí các khoản đầu tư trước đây đột ngột bị đình lại? Hay việc triển khai trên thực tế có “nghiêm lệnh” như mong đợi?...

Trước những câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói: "Tôi tin chỉ thị sẽ tạo ra một cú hích. Đây là điểm khởi đầu cho tái cơ cấu đầu tư công, cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ khắc phục bệnh bố trí vốn giàn trải, kém hiệu quả".

Thưa Bộ trưởng, với cơ chế mới, Bộ trưởng có tin sẽ giải quyết triệt để được tình trạng đầu tư giàn trải, kém hiệu quả, dễ này sinh tiêu cực như hiện nay?

Bản thân chỉ thị đã rõ, không có gì phải nghi ngờ. Cái nghi ngờ là có thực hiện nghiêm túc hay không. Tôi tin là phải thực hiện nghiêm túc, vì đã đến lúc chúng ta không thể không nghiêm túc được.

Sẽ làm được hai điều: một là vốn tập trung; hai là sẽ không có cơ chế xin cho và hạn chế tiêu cực trong xây dựng cơ bản, hạn chế phần xin cho thôi. Còn đấu thầu thế nào, làm ra làm sao, tiêu cực, thất thoát… thì ở mảng khác, chưa nói trước được.

Việc nâng cao vai trò giám sát và thẩm định nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như quy định tại chỉ thị có phải là bước quay lại với cơ chế xin cho trong xây dựng cơ bản?

Bố trí tới đây theo kế hoạch trung hạn 3-5 năm sẽ rất là tốt, loại bỏ xin cho.

Bởi vì, Chính phủ đã thông báo cho các bộ, ngành và địa phương rằng tổng mức bố trí 3 năm tới, hoặc 5 năm tới từ Trung ương là bao nhiêu, phân ra từng năm là bao nhiêu. Còn quyền lựa chọn, quyết định các dự án vẫn do các bộ và các địa phương.

Như vậy là quyền chủ động ở các bộ, địa phương. Tuy nhiên, phải có người kiểm soát. Nếu không kiểm soát sẽ quay trở lại tình trạng phân tán.

Cho nên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính được Chính phủ giao “gác cổng” vấn đề này. Hai bộ sẽ rà soát, có thẩm định trước khi các địa phương ký các quyết định đầu tư.

Nhưng xin nhắc lại chỉ thẩm định nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ cho các địa phương thôi, còn phần cân đối trong ngân sách địa phương không thẩm định. Như vậy là phần thẩm định rất là ít.

Bộ trưởng có nói Chỉ thị 1792 sẽ có thể tạo cú sốc cho địa phương. Cụ thể như thế nào?

Cú sốc ở đây có một thực tế rõ ràng là các dự án, công trình hiện nay chúng ta đang bố trí rất giàn trải.

Để hoàn thành các dự án đã bố trí, những dự án đang thi công dở dang, nằm trong danh mục đã cần trên 500 nghìn tỷ đồng. Nhưng, chúng ta chỉ bố trí được có 36% nhu cầu của các công trình dở dang.

Chúng ta tự nhìn thấy rằng, một khối lượng gần 2/3 số công trình sẽ không có vốn bố trí. Mà không bố trí đó là các đường giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học. Vậy thì bức xúc rồi. Không có vốn mà lại không chuyển đổi hình thức đầu tư được, nhất là vùng cao, thì nó tạo ra lãng phí. Đấy là một thực tế.

Thứ hai là nó gây cản trở cho người dân. Ví dụ như đường giao thông đang yên bới ra làm, làm lại dở dang thì người dân rất bức xúc. Hay thủy lợi, đang đầu tư dở bỏ lại.

Đây là vấn đề cực chẳng đã chúng ta phải làm thôi. Nhưng đã đến lúc chúng ta không thể không làm.

Bởi vì, muốn siết chặt lại, để bố trí ngân sách, trái phiếu Chính phủ thật tập trung, làm công trình nào là được công trình đấy, đem lại hiệu quả thiết thực thì chúng ta phải có một điểm nhấn, đó là phải dồn lại.

Và sau cái cú chuyển đổi này, mặt được như vậy cũng để lại hậu quả là sự bức xúc, rồi lãng phí nhất định. Nếu chúng ta biết giải quyết tốt theo hai hướng: thứ nhất là chuyển đổi, dùng cả vốn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ chuyển đổi các công trình dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ; và dùng cơ chế mở cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư để công trình đó hoàn thành được thì rất là tốt.

Nếu mà cơ bản hoàn thành thì không những không gây ra lãng phí mà còn tạo ra tiền lệ về việc nhà nước góp vốn cùng doanh nghiệp và các thành phần khác. Rất là hay.

Trong lúc chuyển đổi này, chúng ta phải mở một cơ chế thoáng hơn. Nhà nước thậm chí phải chấp nhận một cái gì đó hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp bỏ tiền vào tiếp. Miễn là phải minh bạch.

Nhưng chắc chắn sẽ có một tỷ lệ nhất định các dự án phải đình, hoãn, giãn thi công.

Bộ trưởng có nói, nếu địa phương trình dự án lên, không bố trí được vốn thì Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, Trung ương không bố trí thì tôi sẽ chịu trách nhiệm. Có phải Chỉ thị này sẽ quy trách nhiệm cho cá nhân và sẽ xử lý kiên quyết hơn vấn đề trách nhiệm?

Không phải. Cái cá nhân là ở chỗ, ai ký quyết định mà không có được vốn thì người đó chịu trách nhiệm. Còn chuyện địa phương đưa lên, Trung ương phải có trách nhiệm thẩm định vốn. Chỉ thẩm định phần mà hỗ trợ có mục tiêu thôi, phần đó không phải nhiều lắm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ ủy quyền cùng với Bộ Tài chính thẩm định mà trả lời với địa phương rằng phần anh bố trí, trong đó có ngân sách trung ương ấy, mà đồng ý rồi, thì có nghĩa mình phải chịu trách nhiệm. Trung ương ở đây là Chính phủ.

Thủ tướng đã nói rõ rồi, ai có quyền ký quyết định đầu tư mà không xác định rõ nguồn vốn, để cho dự án kéo dài, chậm tiến độ, gây ra lãng phí thì phải chịu trách nhiệm bị xử lý.

Tôi tin là lần này có cả một Chỉ thị và chế tài rõ ràng thì chắc chắn những vi phạm đó sẽ phải xử lý.

Trong phần phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng có đề cập đến các hình thức xử lý về hành chính và kinh tế với các sai phạm liên quan đến quyết định đầu tư. Cụ thể như thế nào với hai hướng xử lý này?

Xử lý hành chính là đồng chí nào có thẩm quyền mà quyết định dự án, nhưng anh không tuân thủ, để dự án kéo dài thì thứ nhất là anh phải chịu các biện pháp xử lý hành chính tùy theo mức độ như khiển trách, cảnh cáo, nhắc nhở… của Thủ tướng.

Cái thứ hai là nếu anh bố trí không đúng, tôi thu hồi vốn lại cho Trung ương. Mà cái này, Thủ tướng đã làm rồi.