Để đại biểu được phát biểu, tăng thời gian cũng không sao!
Phát biểu tại Quốc hội là quyền của đại biểu, nên dành thời gian để đảm bảo quyền này
Phát biểu tại Quốc hội là quyền của đại biểu, nên dành thời gian để đảm bảo quyền này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Xem xét việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ sáu của Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 22/10 tới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp chiều 11/9 quan tâm bàn thảo về sắp xếp thời gian đảm bảo quyền của đại biểu.
Như thường lệ, kỳ họp này vẫn dành hai ngày để thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, có truyền hình trực tiếp. Đây là nội dung mà kỳ họp nào số đại biểu đăng ký phát biểu cũng vượt xa số có đủ thời gian để đăng đàn. Vì thế, chủ toạ kỳ họp có sự linh hoạt, đôi khi không mời theo thứ tự mà ưu tiên cho các tỉnh, thành, vùng, miền đều có đại diện. Nhưng theo thời gian quy định thì cứ đến 11h30 và 17h là Quốc hội nghỉ, dù còn bao nhiêu người đang "xếp hàng" đi nữa.
Thời gian có hạn, mà áp lực phải xuất hiện trước cử tri là rất lớn, vì thế cũng dễ hiểu khi kỳ họp trước có phiên họp hệ thống đăng ký bị treo vì có quá nhiều người cùng bấm một lúc. Có đoàn chỉ có một người chuẩn bị tinh thần phát biểu nhưng cả 6-7 người trong đoàn đều bấm nút đăng ký, ai đăng ký thành công thì người có bài phát biểu sẽ sử dụng quyền đăng đàn sau khi giải thích rằng "máy của tôi hỏng", tôi đăng ký nhờ của người bên cạnh.
Với kinh nghiệm làm đại biểu Quốc hội liền 4 khoá, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói đăng ký phát biểu cũng khổ sở, có khi dành cả mấy tháng hay nửa năm để chuẩn bị một bài phát biểu, nhưng do đến lượt thì không còn thời gian nên lại không được nói.
Nội dung nào đại biểu có nhu cầu thì nên để phát biểu hết, bà Nga đề nghị.
Từ kinh nghiệm trực tiếp điều hành một số phiên toàn thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và chất vấn thì có thể tăng thời lượng lên, chứ cứ "o ép" thời gian là rất khó.
Tôi điều hành thảo luận buổi sáng, nếu còn cả nghe đọc báo cáo thì tối đa được 25 người phát biểu, chiều thì thời gian làm việc còn ít hơn nên hai ngày không bao giờ đảm bảo thời gian cho tất cả đại biểu đăng ký, Chủ tịch nhìn nhận.
"Chị Nga nói đúng, phát biểu là quyền của đại biểu, đi tiếp xúc cử tri nói ông này bà nọ rất ít phát biểu nên cũng áp lực cho đại biểu", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Nhấn mạnh quyền xuất hiện của đại biểu trong các phiên thảo luận là rất quan trọng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phản ánh, dù các bài phát biểu không được nói vẫn được đề nghị gửi lại và coi như có giá trị tương đương nhưng đại biểu không thích, vì họ phát biểu trực tiếp thì báo chí có thể khai thác được.
Bản thân tôi cử tri cũng bảo chả thấy đại biểu Hải phát biểu mà chỉ thấy đại biểu Sinh (cùng đoàn Hoà Bình với đại biểu Hải - PV) phát biểu thôi, bà Hải chia sẻ.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhắc lại đề nghị không câu nệ giờ giấc, cứ hết ý kiến thì Quốc hội mới nghỉ.
Chính vì thế mà chúng tôi đề nghị cho truyền hình trực tiếp tại tổ, vì cử tri đã thấy họ xuất hiện ở đó rồi thì có thể thôi ở hội trường, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bảo vệ quan điểm không nhận được sự đồng tình trước đó.
Truyền hình trực tiếp ở tổ thì thôi, các đài báo đều theo dõi hết, cái gì hay thì họ cũng đưa lên, cũng bình luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Sau đó, Chủ tịch nói tiếp, một số phòng dành cho thảo luận tổ thì ghế cũng thiếu, phóng viên phải đứng để tác nghiệp rất không hay, cần tăng cường thêm ghế.
Tôi chứng kiến tổ thảo luận của tôi nhiều phóng viên đứng tác nghiệp, tôi chỉ đạo luôn lấy thêm ghế cho họ , Chủ tịch nói tiếp.
Bên cạnh vấn đề thời gian thì nhiều ý kiến đề nghị cải tiến về kỹ thuật để tránh tình trạng bị treo hệ thống đăng ký hoặc có những đại biểu triền miên từ kỳ này sag kỳ khác không bao giờ được phát biểu vì không có kỹ năng bấm máy.
Theo chương trình dự kiến, thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu là 22,5 ngày. Nhưng, nếu để đại biểu được nói, thì nói như Chủ tịch Quốc hội là có tăng thêm một ngày cũng không sao!