Đề nghị 2019 không bố trí kinh phí mua xe công
Không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công, giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị về chi ngân sách 2019
Không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị.
Chiều 22/10, sau khi Chính phủ báo cáo về ngân sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo thẩm tra các nội dung về ngân sách ngắn hạn và trung hạn.
Với dự toán thu ngân sách năm 2019, cơ quan thẩm tra nhận xét, 2019 là năm thứ 4 liên tiếp trong kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016-2020 dự kiến tỷ lệ huy động từ thuế, phí thấp hơn 21%GDP, khả năng hoàn thành mục tiêu theo nghị quyết số 25/2016/QH14 là khó khăn.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần phân tích kỹ những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và có biện pháp động viên nguồn thu cao hơn trên cơ sở cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thu. Rà soát các nội dung liên quan đến ưu đãi đầu tư; rà soát, có biện pháp hiệu quả hơn trong công tác quản lý nguồn thu, chống thất thu.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý về việc xây dựng dự toán thu từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh có mức tăng khá cao so với ước thực hiện năm 2018. Cụ thể là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 10%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3%.
Trong khi đó, năm 2018, dự kiến thu từ các khu vực này đều không đạt dự toán thì dự toán như trên sẽ tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu năm 2019, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.
Liên quan đến thu từ dầu thô, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận xét, sản lượng khai thác có xu hướng giảm dần qua các năm, năm 2017 ước thực hiện 13,28 triệu tấn, năm 2018 là 11,76 triệu tấn, năm 2019: dự kiến 10,43 triệu tấn.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ khai thác, dự kiến trữ lượng và kế hoạch khai thác trong các năm tiếp theo, tạo căn cứ xây dựng dự toán sát hơn.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể, thực chất, rõ ràng để giải quyết việc giảm nguồn thu khá lớn khi dự án lọc dầu Nghi Sơn đi vào kinh doanh, nhằm bảo đảm cân đối tài chính và mức đóng góp của PVN cho ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Hải phản ánh.
Kiên quyết ưu tiên giảm bội chi
Với dự toán chi ngân sách của 2019, Uỷ ban thẩm tra nhấn mạnh nguyên tắc ưu tiên bố trí chi cho các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Chú trọng bố trí chi cho con người, bảo đảm thực hiện các chính sách đã ban hành.
Liên quan đến chi thường xuyên, ông Hải cho biết một số ý kiến cho rằng, việc bố trí tăng lương cơ sở cao hơn so với các năm gần đây sẽ tạo áp lực và khó khăn hơn để giảm chi thường xuyên theo các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh hơn chi ngân sách; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, báo cáo thẩm ra nêu rõ.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí đầy đủ chi trả nợ lãi theo đúng cam kết đến hạn phải trả, bảo đảm hệ số tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường quốc tế; tiếp tục cơ cấu lại hiệu quả hơn các khoản vay cả về kỳ hạn và lãi suất để giảm áp lực trả nợ gốc, giảm chi trả nợ lãi trong các năm tiếp theo, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Liên quan đến bội chi và nợ công, Chính phủ dự kiến: bội chi năm 2019 khoảng 3,6%GDP, giảm 0,1%GDP so với năm 2018. Tán thành cơ bản phương án này, nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải kiên quyết cắt, giảm nhiệm vụ chi. Trường hợp tăng thu ngân sách thì phải kiên quyết ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây nhưng nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên. Đặc biệt nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần cho phép (50%GDP).
Điều này cho thấy, mặc dù các chỉ tiêu này vẫn trong giới hạn cho phép, song vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ông Hải nhấn mạnh.