10:11 11/07/2007

Để phần mềm "nội" vào EU

Trần Xuân Thái

Làm thế nào các doanh nghiệp Việt Nam có thể chen chân vào thị trường gia công phần mềm cho các nước thuộc EU?

“Theo chỉ số đánh giá về các thị trường gia công trên thế giới, Việt Nam được xếp thứ 17 trong danh sách 25 nước."
“Theo chỉ số đánh giá về các thị trường gia công trên thế giới, Việt Nam được xếp thứ 17 trong danh sách 25 nước."
Mặc dù thị trường công nghệ thông tin tại EU rất lớn nhưng các công ty ngoài EU khó có cơ hội xuất khẩu sản phẩm cuối cùng vào khu vực này do chi phí tiếp thị và sản phẩm chưa có độ tin cậy cao.

Các công ty tại các nước đang phát triển chỉ có thể gia công một phần sản phẩm cho các công ty từ các nước phát triển. Mặt khác, EU cũng đã chuyển hướng tìm nguồn gia công tại các nước đang phát triển để cắt giảm chi phí và tận dụng nguồn lao động có kỹ thuật.

Vậy làm thế nào các doanh nghiệp Việt Nam có thể chen chân vào thị trường gia công phần mềm cho các nước thuộc EU, vốn đang là thị trường của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga?

Theo đánh giá của hai công ty chuyên nghiên cứu thị trường là Gartner và Forrester Research, thị trường gia công phần mềm của EU từ những nước ngoài khối đã tăng trưởng 50% trong các năm 2006, 2007 và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo (ước đạt 145 tỷ EUR năm 2011). Trong đó Anh Quốc là thị trường gia công phần mềm lớn nhất khu vực EU (75% thị phần EU), tiếp theo là Hà Lan, Thụy Điển, Đức...

Xu hướng gia công phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin

Một khảo sát gần đây cho biết, đối với các khách hàng EU, họ có xu hướng chuyển sang đặt hàng gia công tại các nước Đông Âu. Họ ngày càng yêu cầu mức độ cung cấp dịch vụ cao hơn, chi phí thấp hơn và tăng giá trị cộng thêm. Các khách hàng EU chủ yếu vẫn là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Nước Đức là một ví dụ, các SME tại thị trường này đặc biệt quan tâm đến thị trường bên ngoài, và tuy thị trường ở Đức hiện còn nhỏ hơn so với Anh nhưng tốc độ tăng trưởng đang tăng lên rõ rệt. Các dịch vụ gia công phổ biến hiện nay gồm: phát triển các ứng dụng, quản lý các ứng dụng, điều hành và quản lý máy chủ (server hosting), điều hành và quản lý trang web (web hosting), điều hành trung tâm máy tính, bảo trì... Trong đó, thị phần cho các phát triển ứng dụng là lớn nhất (chiếm 56%), kế tiếp là bảo trì (28%), quản lý web (20%)...

Đối với các nước tiếp nhận gia công, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục là điểm đến hàng đầu. Áp lực từ các nước Đông Âu cũng đang gia tăng, trong đó, Nga được xếp thứ ba với các dịch vụ phần mềm cao cấp và phức tạp. Song song, xu hướng của các công ty cung cấp dịch vụ thì ngày càng khai thác các dịch vụ chuyên biệt, họ không ngừng dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị.

Theo đó, nhiều công ty bắt đầu mở các văn phòng đại diện tại thị trường châu Âu, như trường hợp của Ấn Độ. Mức giá chung trong các dịch vụ gia công công nghệ thông tin tăng bình quân 3% trong năm 2006. Áp lực giá ngày càng tăng trong phân khúc kỹ năng thấp, mức giá giảm từ 20 đến 30%. Ngoài ra, giá lao động có trình độ cao tại các nước gia công dịch vụ hàng đầu cũng có xu hướng tăng.

Theo bảng xếp loại mức lương trong ngành công nghệ thông tin tại các nước gia công, mức lương cho lao động trong ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đạt mức 6.000 USD, trong khi tại Ấn Độ là 10.000 USD và tại Nga là 20.000 USD.

Yêu cầu của thị trường EU

Khi gia nhập vào thị trường EU, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, như: ISO, CMMI (Capability Maturity Model Intergration). Thuế nhập khẩu dịch vụ phần mềm và công nghệ thông tin vào EU bằng 0. Tuy nhiên, cũng có một nguy cơ đến từ Đức và Pháp khi người dân tại đây đang lo sợ mất việc làm trong ngành công nghệ thông tin.

Các khách hàng EU thông thường đánh giá lựa chọn các công ty gia công dựa trên một số tiêu chí sau: chi phí gia công, thông tin tham khảo (kinh nghiệm làm việc với các công ty tại EU), năng lực quản lý, khả năng công tác lâu dài, tính linh hoạt, khả năng tăng năng suất, tiếp cận nguồn nhân lực có trình độ cao, kinh nghiệm chuyên biệt, khả năng giao tiếp và ngoại ngữ cũng như chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bảo mật an ninh dữ liệu.

Giải pháp nào cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam?

Ông Onno Roukens, chuyên gia công nghệ thông tin của Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển (CBI) của Hà Lan, đã dẫn số liệu của Atkearney năm 2007 cho biết: “Theo chỉ số đánh giá về các thị trường gia công trên thế giới, Việt Nam được xếp thứ 17 trong danh sách 25 nước. Kết quả này dựa trên 3 tiêu chí về cơ sở hạ tầng, chi phí gia công và trình độ nguồn nhân lực. Đây là một kết quả đáng mừng cho Việt Nam khi cách đây vài năm, Việt Nam đã không hề có trong danh sách đánh giá này”.

Cũng theo ông Onno Roukens, ưu thế của Việt Nam so với các nước khác chính là khả năng cạnh tranh về chi phí. Tại châu Á, đứng đầu vẫn là Ấn Độ, kế đến Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippines rồi đến Việt Nam, Sri Lanka, Pakistan...

Ông Alfons Van Duijvenbode, một chuyên gia khác của CBI, trong hội thảo “Kết quả nghiên cứu thị trường dịch vụ phần mềm, công nghệ thông tin và gia công tại EU” được tổ chức vừa qua tại Tp.HCM, khi đề cập đến vai trò của chính phủ cũng đã nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam cần phải đẩy mạnh tiếp thị hình ảnh đất nước là điểm đến về gia công dịch vụ phần mềm và công nghệ thông tin. Chính phủ nên giới thiệu về các doanh nghiệp công nghệ thông tin thành công của Việt Nam cho thế giới biết”.

Ông cũng đã dẫn ra trường hợp Ấn Độ đã tiếp thị thành công toàn bộ công nghiệp phần mềm của mình ra thế giới, cung cấp các ấn phẩm về công nghệ thông tin-truyền thông miễn phí và loan tin các câu chuyện thành công của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Ấn Độ trên các chuyên trang xuất bản tại nước ngoài.

Ông cũng gợi ý Chính phủ Việt Nam nên có kế hoạch tổ chức và xây dựng chiến lược đồng bộ cho ngành công nghệ thông tin dựa trên lợi thế so sánh của quốc gia.

Theo một số chuyên gia am tường trong lĩnh vực này thì, các doanh nghiệp Việt Nam không nên tự giới thiệu tất cả các dịch vụ của mình với khách hàng, chỉ nên lựa chọn một vài dịch vụ mà mình có lợi thế nhất, tìm hiểu thị trường và xác định thị trường trọng điểm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, xem họ chú trọng vào lĩnh vực nào: dịch vụ cộng thêm, chất lượng sản phẩm hay chi phí sản phẩm để có thể đáp ứng đúng. Khi có kế hoạch xuất khẩu vào thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên xác định cách tiếp thị cho phù hợp, cần tập trung vào thị trường mục tiêu, chọn kênh phân phối phù hợp...

Và điều quan trọng là Ban quản trị doanh nghiệp phải thể hiện rõ quyết tâm cao nhất để từ đó tập trung nguồn lực cao nhất mới mong chinh phục được thị trường khó tính này.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chú trọng đầu tư xây dựng trang web có chất lượng tốt. Bởi lẽ khách hàng EU thường kiểm tra các doanh nghiệp nước ngoài thông qua trang web.

Theo đó thì một trang web có chất lượng chỉ nên tập trung giới thiệu các dịch vụ tốt nhất mà doanh nghiệp cung cấp, nên thể hiện lợi thế so sánh với các doanh nghiệp khác, giới thiệu danh sách các khách hàng nước ngoài mà mình đã từng gia công.

Một lời khuyên nữa cho các doanh nghiệp là nên tham gia các hội chợ chuyên ngành về công nghệ thông tin tại châu Âu (CeBit chẳng hạn), để quảng bá hình ảnh công ty cũng như tìm hiểu thông tin về những đối thủ cạnh tranh trong ngành mà mình có thể phải đối mặt.