Đề xuất nâng thời hạn visa điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng
Chính phủ đề xuất đưa chính sách mở rộng cấp thị thực điện tử và nâng thời hạn tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5...
Chính phủ vừa chính thức có tờ trình gửi Quốc hội đề xuất một số chính sách mới trong quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam... gồm có việc gỡ vướng cho visa.
Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng ký đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng để đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Cụ thể, về chính sách cấp thị thực điện tử, Chính phủ đề xuất chủ trương cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở có đi có lại; đảm đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đồng thời, nâng thời hạn thị thực (visa) điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Về chính sách đơn phương miễn thị thực, Chính phủ đề xuất nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Cùng với đề xuất nâng thời hạn thị thực (visa) điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, Chính phủ đề xuất nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Tờ trình Chính phủ cho rằng việc cho phép người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa được tạm trú đến 45 ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước có thời gian thực hiện các chương trình du lịch nghỉ dưỡng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội.
Đồng thời, việc thực hiện các nội dung này sẽ không làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí và nguồn lực của Nhà nước. Các chính sách mới này còn giúp giảm chi phí cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục liên quan nhập xuất cảnh của người nước ngoài. Đó là những tác động rất tích cực khi áp dụng các chính sách này.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận các chính sách này có thể đặt ra một số khó khăn trong công tác quản lý người nước ngoài. Song tại tờ trình, Chính phủ khẳng định sẽ chỉ đạo Bộ Công an tăng cường công tác quản lý cư trú của người nước ngoài để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất các chính sách mới trong quản lý nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nêu trên để đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới làm cơ sở triển khai thực hiện.
Cùng với đề xuất đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới.