14:58 16/09/2010

Đề xuất “siết” điều kiện kinh doanh và lập công ty chứng khoán

Nguyên Hà

Chính phủ đề xuất quy định cấm thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khi chưa được cấp phép

Trong thời gian vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp không phải là công ty chứng khoán thực hiện các hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư chứng khoán mà không có giấy phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trong thời gian vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp không phải là công ty chứng khoán thực hiện các hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư chứng khoán mà không có giấy phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Chính phủ đề xuất quy định cấm thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khi chưa được cấp phép, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán…

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/9 có nhiều điểm, sửa đổi, bổ sung, nhằm hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường và tăng cường tính minh bạch nhằm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Nhiều quy định cần chặt hơn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phân trần, sở dĩ Luật Chứng khoán ra đời ba năm đã đề xuất sửa vì nhiều quy định lỏng quá. Trong khi thị trường này có lúc phát triển nhanh ngoài sức tưởng tượng.

Bổ sung quy định cấm việc thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoặc chấp thuận, theo Bộ trưởng là hết sức cần thiết. Bởi trong thời gian vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp không phải là công ty chứng khoán thực hiện các hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư chứng khoán mà không có giấy phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Các tổ chức này không sử dụng nhân viên có giấy phép hành nghề, không đáp ứng đủ các điều kiện trong hoạt động kinh doanh và không tuân thủ các quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hoạt động của thị trường.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm gặp khó khăn vì chưa có quy định đây là hành vi bị cấm và luật pháp cũng chưa nói rõ chỉ các tổ chức kinh doanh chứng khoán được thực hiện các hoạt động này.

Với 16 điều được sửa đổi, bổ sung, dự án luật còn quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng theo hướng khi đăng ký chào bán, các doanh nghiệp phải cam kết đưa chứng khoán chào bán niêm yết, đăng ký giao dịch tại thị trường chứng khoán có tổ chức trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được đại hội đồng cổ đông hoặc chủ sở hữu thông qua.

Để phù hợp với thông lệ quốc tế, dự luật đã đưa thêm quy định đối với hoạt động nhận ủy quyền của khách hàng cá nhân trong việc quyết định mua, bán chứng khoán trên tài khoản khách hàng, các dịch vụ tư vấn tài chính và dịch vụ tài chính khác chỉ được thực hiện khi có hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Tài chính). Bộ Tài chính quy định, cho phép phạm vi thực hiện đến đâu thì được thực hiện đến đó.

Dự thảo luật còn yêu cầu công bố thông tin theo quy mô của công ty đại chúng (mức vốn điều lệ, số lượng cổ đông của công ty) mà không phân biệt giữa công ty đại chúng và tổ chức niêm yết nhằm đảm bảo tất cả các công ty quy mô vốn lớn đều phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ và ở mức cao hơn so với công ty có quy mô vốn nhỏ

Phạm vi sửa còn hạn hẹp?

Thẩm tra dự án luật, một số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, phạm vi sửa đổi, bổ sung luật vẫn còn hạn hẹp, một số bất cập phát sinh chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để.

Theo cơ quan này, hiện nay không ít các công ty chứng khoán quy mô nhỏ, năng lực quản lý yếu kém, đã gặp nhiều khó khăn khi thị trường có biến động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là điều kiện cấp phép thành lập quá dễ dàng đối với loại hình kinh doanh có điều kiện này. Tuy nhiên, dự thảo luật lần này chưa đề cập tới sửa đổi điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định về điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đảm bảo tính chặt chẽ để thị trường phát triển một cách ổn định, lành mạnh. Đề nghị này nhận được sự đồng thuận cao của nhiều ý kiến khác.

Liên quan đến đến quy định mới tại dự luật về việc chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu một năm, cơ quan thẩm tra cho rằng không phù hợp đối với trường hợp chào bán trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Vì sẽ làm giảm tính thanh khoản của trái phiếu, đặc biệt các trái phiếu có kỳ hạn 1 năm do các tổ chức tín dụng phát hành.

Bên cạnh đó, quy định các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng cũng không phù hợp đối với phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng, do đơn vị kinh doanh tiền tệ có thể phát hành nhiều đợt trong năm để huy động vốn.

Ủy ban Kinh tế đề nghị sửa lại quy định trên theo hướng “trừ trường hợp phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng”.

Nhìn toàn bộ dự luật, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng thống kê trong 16 điều sửa đổi có đến 6 vấn đề giao Chính phủ quy định và 6 nội dung giao cho bộ tài chính quy định là quá nhiều.

Theo Bộ trưởng Ninh thì cùng với sự phát triển của thị trường, ngày càng xuất hiện nhiều dạng vi phạm mới, tinh vi hơn, phức tạp hơn mà Luật Chứng khoán không thường xuyên thay đổi để bổ sung các quy định cũng như rất khó lượng hóa hết các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt. Do vậy, để đảm bảo xử lý kịp thời, triệt để các vi phạm trên thị trường, Luật Chứng khoán cần bổ sung quy định nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm mới và chế tài xử phạt đối với những hành vi chưa được quy định trong Luật Chứng khoán.  

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đồng quan điểm, do thị trường chứng khoán có rất nhiều biến động nên cần giao giao quyền như vậy. Ông lấy ví dụ, nhờ giao cho cơ quan quản lý hướng dẫn nên luật chứng khoán ở Mỹ hàng trăm năm không phải sửa.

Kết thúc phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý, dự án luật này sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, vì vậy cần ráo riết hoàn thiện để trình ra Quốc hội đạt chất lượng cao nhất.

Phó chủ tịch cũng khẳng định, cần phải bổ sung sửa đổi điều kiện thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để tránh tình trạng thành lập tràn lan. "Trước đây, Quốc hội đã phê bình là cho thành lập quá nhiều ngân hàng thương mại với những điều kiện quá lỏng, trong tổ chức thực hiện quá dễ dài và không có kiểm soát", ông Kiên nói.