18:01 12/11/2020

Đề xuất tăng 12,5% học phí đại học công lập

Phúc Minh

Mức tăng học phí đại học năm học 2021-2022 là 12,5% so với năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Trong dự thảo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất mức tăng học phí năm học 2021-2022 là 12,5% so với năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo.

Đề xuất trên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dựa trên căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm khoảng 4-5%/năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm.

Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu, khảo sát chi phí đào tạo của 7 trường đại học công lập trên cả nước của nhóm chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội, mức tăng học phí 12,5%/năm sẽ bảo đảm lộ trình tính đủ chi phí đào tạo vào năm 2025.

Theo đó, trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước cụ thể như sau:

Đề xuất tăng 12,5% học phí đại học công lập  - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lý do đề xuất được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết là căn cứ thực trạng khảo sát về chi phí giáo dục giai đoạn 2016-2019 và mức độ kiểm định chất lượng tại 70 cơ sở giáo dục đại học công lập trên toàn quốc, nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Quốc gia cho thấy, để hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ vào năm 2025 thì mức học phí của nhóm tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư tăng tối thiểu 2,5 lần mức trần học phí của các trường chưa tự chủ chi thường xuyên.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh trường hợp thu học phí cao nhưng chất lượng nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất các cơ sở giáo dục phải thực hiện lộ trình đạt kiểm định tương ứng với lộ trình tăng học phí theo quy định nêu trên.

Bộ này đánh giá, mức tăng học phí trung bình là 12,5%, hướng tới tính đúng tính đủ chi phí đào tạo đại học đến năm 2025. Việc tăng học phí này sẽ ảnh hưởng nhất định đến người học, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, trong nghị định cũng qui định những điều khoản hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí cho các đối tượng ưu tiên, nhằm đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia về tác động của mức tăng học phí đến chi tiêu giáo dục của các hộ gia đình tại 6 vùng miền cho thấy, mức tăng học phí không ảnh hưởng đến ngân sách cho giáo dục của các hộ gia đình, trừ vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (4%), Đông Nam Bộ (15-20%).

Đối với cơ sở giáo dục, khung giá mới cũng tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học công lập có động lực hướng tới tự chủ tài chính và cải thiện chất lượng để đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Khung giá mới khuyến khích các trường đại học, theo mức độ tự chủ sẽ được áp dụng mức khung giá cao tối đa gấp 2 lần nếu đạt kiểm định chất lượng Việt Nam, cao tối đa gấp 2,5 lần nếu đạt kiểm định trong nước và tự chủ thường xuyên và chi đầu tư.