Đề xuất tăng phí cố định khi xả thải từ 20m3/ngày đêm
Theo Bộ Tài chính, quy định đóng phí cố định theo các mức khác nhau với cơ sở xả thải dưới 20m3/ngày sẽ đảm bảo tính khả thi, bình đẳng, góp phần tăng thu ngân sách
Bộ Tài chính đề xuất tăng phí cố định từ 1,5 triệu đồng lên 2 triệu đồng/năm khi các cơ sở xả nước thải từ 20m3/ngày đêm.
Chia nhỏ hơn mức phí cố định khi xả thải
Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Theo đó, một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo này là đề xuất không thu phí đối với nước thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng.
Đồng thời, bỏ quy định miễn phí đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội.
Song song với đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất chia nhỏ hơn mức phí cố định áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm.
Cụ thể, đối với các cơ sở có tổng lượng nước thải từ 10m3/ngày đêm đến dưới 20m3/ngày đêm sẽ phải đóng phí 2 triệu đồng/năm.
Cơ sở có tổng lượng nước thải từ 5m3/ngày đêm đến dưới 10m3/ngày đêm phải đóng phí 1,5 đồng/năm. Còn cơ sở có tổng lượng nước thải dưới 5m3/ngày đêm phải đóng phí 1 triệu đồng/năm.
Đánh gía tác động dự kiến của đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng, việc không thu phí đối với nước thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng là chính sách nhân văn, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của hộ gia đình, cá nhân còn khó khăn phải sử dụng nguồn nước tự khai thác.
Mặt khác, cũng không tạo thêm gánh nặng về tài chính khi các đối tượng này có điều kiện thu nhập thấp và đây là trách nhiệm chia xẻ của xã hội.
Đối với đề xuất bỏ quy định miễn phí đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá, theo cơ quan này, sẽ đem lại tác động tích cực cho các công ty nước sạch hoạt động tại địa phương.
Bởi hiện nay các công ty này đang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và tự chủ trong sản xuất kinh doanh nước sạch, các đơn vị tự xây dựng thang, bậc giá bán nước sạch theo nguyên tắc bù chéo giữa các đối tượng sử dụng nước như hộ gia đình, cá nhân (không kinh doanh) được áp dụng mức giá thấp hơn giá thành sản xuất nên phải bù lỗ.
Còn các tổ chức và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác áp dụng mức giá cao hơn giá thành sản xuất nên có lãi. Mức giá này đều được UBND cấp tỉnh phê duyệt trước khi áp dụng.
"Như vậy, thực tế ngân sách địa phương không cấp bù giá bán nước sạch sinh hoạt cho công ty nước sạch mà bản thân các đơn vị này đang tự cân đối giá bán giữa các đối tượng khác nhau để bù đắp chi phí và đảm bảo an sinh xã hội", Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Đối với quy định chia nhỏ hơn mức phí cố định áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm, Bộ Tài chính cho rằng sẽ đảm bảo công bằng giữa các đối tượng xả thải và phù hợp với nguyên tắc gây ô nhiễm môi trường ít thì nộp phí ít và ngược lại.
Sẽ tăng thu từ cơ sở rửa, sửa chữa ôtô, xe máy
Đánh giá tác động cụ thể hơn của dự thảo đối với thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định, về cơ bản các đề xuất sẽ không điều chỉnh tăng mức thu phí, do đó cơ bản số thu ngân sách không tăng.
"Dự thảo Nghị định chỉ phân nhóm lại đối tượng chịu mức phí cố định đảm bảo công bằng hơn trong việc áp dụng mức phí đối với từng nhóm đối tượng xả thải", Bộ Tài chính cho biết.
Theo cơ quan này, đối với các cơ sở có lượng xả thải thấp dưới 20m3/ngày hiện nay đang rất khó thu vì phải nộp chung một mức phí cố định 1,5 triệu/năm, dẫn đến phản ứng của đối tượng này là không nộp, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ trong các làng nghề, hoặc có quy mô hộ gia đình là không thu được.
Vì vậy, việc quy định đóng phí cố định theo các mức khác nhau áp dụng đối với cơ sở xả thải dưới 20m3/ngày sẽ đảm bảo tính khả thi, bình đẳng hơn trong nghĩa vụ nộp phí của từng nhóm đối tượng xả thải, góp phần tăng thu ngân sách từ đối tượng này.
Đối với các tổ chức kinh doanh, dịch vụ tự khai thác nước để sử dụng, Bộ Tài chính cho biết dự thảo Nghị định quy định giao nhiệm vụ thu phí cho các Sở Tài nguyên môi trường ở địa phương thu phí đối với các tổ chức kinh doanh, dịch vụ tự khai thác nước để sử dụng tương tự như cơ chế thu phí đối với nước thải sinh hoạt sẽ bao quát đối tượng chịu phí và sẽ có tác động tích cực đối với ngân sách địa phương từ quy định mới này.