Đến thời của trần lãi suất huy động VND
Bất đắc dĩ, nhưng một lần nữa cơ chế áp trần lãi suất huy động VND trở lại với vai trò nổi bật
Ngày 7/12/2018, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố biểu lãi suất huy động VND mới, với những mức cao mới và kẻ thẳng ở các kỳ hạn thuộc diện áp trần trong một sản phẩm huy động.
Cụ thể, ở sản phẩm tiết kiệm "Phát lộc thịnh vượng", VPBank đã chính thức gia nhập nhóm có lãi suất huy động VND ở vùng cao nhất trên thị trường hiện nay.
Tùy theo mức tiền gửi, ngân hàng này áp 8,3%, 8,4%, 8,5% và cao nhất đã lên tới 8,6%/năm ở các kỳ hạn từ 13 - 24 và 36 tháng.
Trước đó, trong quý 3 vừa qua thị trường đã có những mức lãi suất huy động cao từ 8,4 - 8,5%/năm, nhưng ở nhóm thành viên có quy mô nhỏ, đang hoặc vừa thực hiện tái cơ cấu. Sự gia nhập của VPBank đánh dấu thêm thành viên ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn tăng lãi suất lên các mức rất cạnh tranh như trên.
Đáng chú ý, ở sản phẩm nêu trên, VPBank đã kẻ thẳng mức lãi suất huy động 5,5%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng, không còn phân biệt giữa các kỳ hạn ở khúc này. Và đây cũng là vùng kỳ hạn thuộc diện điều chỉnh của cơ chế trần lãi suất huy động Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng, mức 5,5%/năm cũng là kịch trần cho phép.
Hiện tượng kẻ thẳng lãi suất kịch trần 5,5%/năm như trên chưa xuất hiện nhiều trong hệ thống các ngân hàng thương mại hiện nay, nhưng vừa qua một số thành viên cũng đã đẩy đến hết giới hạn này ở một số sản phẩm huy động.
Theo đó, một lần nữa cơ chế áp trần lãi suất huy động VND trở nên nổi bật, sau một thời gian dài hầu hết các ngân hàng thương mại đều áp lãi suất huy động các kỳ hạn 1 - 5 tháng dưới mức 5,5%/năm.
Từ năm 2011, khi thị trường xuất hiện những cuộc đua lãi suất huy động, tình trạng "vô lý" xuất hiện với lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn vọt lên cao hơn nhiều so với các kỳ hạn dài, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cơ chế áp trần.
Qua thời gian, với quá trình ổn định dần của thị trường, sự hồi phục trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, áp lực huy động và chạy đua lãi suất từng bước được bình ổn và Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng bước gỡ bỏ trần lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dài. Và đến nay, cơ chế này chỉ áp với các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Bên cạnh việc khống chế cuộc đua lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, trần lãi suất cũng có tác dụng tránh làm biến dạng, tránh đảo ngược đường cong lãi suất trên thị trường. Trước đây, đường cong lãi suất đã có tình trạng lãi suất các kỳ hạn ngắn cao vượt trội so với các kỳ hạn dài.
Việc thiết lập lại đường cong lãi suất với cơ chế trần trên, cơ cấu huy động của hệ thống các tổ chức tín dụng cũng đã dịch chuyển theo hướng tích cực, bền vững hơn. Trước đây tiền gửi vào hệ thống chỉ có khoảng 10% tỷ trọng là trung dài hạn, đến nay tỷ trọng này đã được nâng lên khoảng 30% - theo cập nhật của đại diện Ngân hàng Nhà nước tại một diễn đàn gần đây.
Đáng chú ý, trong quá trình áp dụng, tại nhiều thời điểm có những kiến nghị, chất vấn Ngân hàng Nhà nước về việc bỏ cơ chế áp trần lãi suất huy động VND, để tăng tính thị trường trong hoạt động của hệ thống.
Như tháng 11 vừa qua, tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu cũng đã nêu quan điểm về việc bỏ trần lãi suất, hướng đến nền kinh tế thị trường và giảm dần các biện pháp hành chính…
Trước quan điểm này, Thống đốc Lê Minh Hưng đã trả lời, vẫn còn những nguyên do phải áp cơ chế trần lãi suất huy động VND, dù hiện chỉ còn áp ở phạm vi tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Thứ nhất, do thị trường tài chính và cơ chế thị trường của Việt Nam chưa được hoàn hảo, thị trường vốn phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng vẫn là kênh chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, nên việc sử dụng một cách có chọn lọc với liều lượng và thời điểm phù hợp những biện pháp hành chính vẫn còn cần thiết để đảm bảo an toàn thị trường tiền tệ.
Thứ hai, hiện nay số lượng tổ chức tín dụng tương đối nhiều, chất lượng tổ chức tín dụng chưa phải đồng đều, vì vậy trần lãi suất huy động VND dưới 6 tháng được duy trì ở mức hợp lý, bám sát cung cầu thị trường cũng có tác dụng giữ ổn định thị trường tiền tệ và neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của thị trường.
Thứ ba, theo Thống đốc, Việt Nam vẫn đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nên việc giữ trần lãi suất cũng là để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ.
"Chúng tôi cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Khi hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động tốt hơn, an toàn lành mạnh hơn, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét dỡ bỏ biện pháp hành chính không cần thiết", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua.