15:33 14/04/2010

Đi lại trong ngày lễ: Làm sao để đỡ bị "hành"?

Y Nhung

Công tác kiểm tra còn nhiều bất cập, chế tài chưa đủ mạnh đã khiến tình trạng “nhồi nhét” khách vẫn khá phổ biến vào các dịp lễ

Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, bến xe Giáp Bát đã có kế hoạch tăng thêm 120-150 xe khách, nâng tổng số xe chạy hàng ngày tại bến này là khoảng 1.000 xe các loại.
Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, bến xe Giáp Bát đã có kế hoạch tăng thêm 120-150 xe khách, nâng tổng số xe chạy hàng ngày tại bến này là khoảng 1.000 xe các loại.
Vào các dịp lễ lớn trong năm, mặc dù phương tiện vận chuyển tăng đáng kể song tình trạng “lèn” khách trên nhiều tuyến đường vẫn chưa chấm dứt.

Năm nay, đợt nghỉ giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 đều liền với ngày cuối tuần, nhu cầu đi lại vì thế cũng tăng lên.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Nam (bến xe Giáp Bát) cho rằng: các ngày nghỉ lễ tuy dài, nhưng hai đợt lại cách nhau không xa. Điều này cũng sẽ giúp “san” bớt lượng khách có nhu cầu đi lại. Do vậy, theo dự báo lượng khách vào những ngày này chỉ tăng khoảng 25-30% so với ngày thường.

Hiện bến xe Giáp Bát đã có kế hoạch tăng thêm 120-150 xe khách, nâng tổng số xe chạy hàng ngày tại bến này là khoảng 1.000 xe các loại để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

Tại bến xe Mỹ Đình, theo nhận định của lãnh đạo nơi đây, lượng khách sẽ tăng mạnh vào ngày 10/3 âm lịch, nhưng chủ yếu là trên tuyến Hà Nội - Phú Thọ. Các tuyến khác như Hà Nội- Quảng Ninh, Hà Nội- Vinh cũng sẽ tăng, nhưng không quá mạnh.

Còn vào dịp 30/4, lượng khách cũng chỉ tăng tập trung vào một số tuyến như Quảng Ninh, Cao Bằng, Vinh. Như vậy, theo kế hoạch bến xe sẽ tăng cường thêm 70-80 xe các loại để sẵn sàng phục vụ trên các tuyến này vào các ngày cao điểm.

Tuy nhiên, không ít người vẫn lo ngại tình trạng chen lấn,“nhồi nhét” hành khách trên các tuyến xe khách sẽ lại tiếp diễn.  

Nguyễn Thu Phượng, sinh viên năm thứ hai Đại học Ngân hàng, quê ở Ninh Bình cho hay: Vốn say xe, nên cứ mỗi lần phải đi xe khách là đã rất sợ, chứ đừng nói là đi lại vào những dịp lễ lớn. Có những lần chỉ là ngày nghỉ cuối tuần mà cả 100 km Phượng đều phải đứng, thậm chí chỉ được đứng một chân. Vì vậy, nghĩ tới việc sắp được về thăm bố mẹ dài ngày sinh viên này vui, nhưng cũng không tránh được sự ngao ngán.

Theo ông Thành, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi đi lại bằng đường bộ, người dân nên vào bến để mua vé thay vì đứng đón xe ngoài đường. Điều này không chỉ hạn chế tình trạng bị chen lấn, xô đẩy, chở quá số người mà nhà xe thu cũng không thể thu giá vé cao hơn so với ngày thường.

Ngoài ra, khi bị “nhồi nhét” trên các chuyến xe, hành khách có thể gọi tới đường dây nóng của xí nghiệp theo số 04. 664.7210 hoặc 04. 864.1467 để phản ánh. Khi đã có những thông tin cụ thể về biển số xe, tuyến xe, thời gian xe chạy, bến xe sẽ xử lý đối với các chủ phương tiện cũng như lái xe này.

Nhưng ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Tây (bến xe Mỹ Đình) lại cho rằng: Ngay cả việc các lái xe và chủ xe đã ký cam kết không chở quá số người theo quy định, đảm bảo chất lượng dịch vụ thì việc kiểm tra, kiểm soát vẫn rất khó. Thực tế khi rời bến các xe đều tuân thủ đúng các yêu cầu. Tình trạng “nhồi nhét” khách chỉ diễn ra trên hành trình xe chạy nên bến xe không có cách nào để quản lý. Điều này phụ thuộc vào lực lượng thanh tra và cảnh sát giao thông.

Ngay cả khi bến xe lập đường dây nóng để nghe thông tin phản ánh cũng rất khó xử lý vì không có bằng chứng khiến chủ xe “tâm phục, khẩu phục”. Thêm vào đó, cách làm này cũng rất dễ xảy ra hiện tượng các xe "chơi xấu" nhau qua điện thoại.

Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với mức xử phạt cao hơn khá nhiều so với quy định tại Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007.

Cụ thể, phạt tiền từ 200.000- 300.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện (trừ xe buýt); phạt tiền từ 300.000- 500.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km. Tuy nhiên, tới ngày 20/5/2010 Nghị định này mới chính thức có hiệu lực.

Hiện tượng "hành" khách cũng khiến nhiều người lựa chọn phương tiện tàu hỏa thay cho ô tô. Tại Ga Hà Nội, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó trưởng ga cho biết: để phục vụ cho nhu cầu đi lại của khách hàng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ga Hà Nội đã tăng thêm 5 đoàn tàu chạy tuyến Hà Nội- Lào Cai; 3 đoàn tàu chạy tuyến Hà Nội- Vinh, tuyến Hà Nội- Huế, Hà Nội- Đồng Hới, Hà Nội- Đà Nẵng mỗi địa phương thêm một đoàn.

Với số đoàn tàu tăng thêm và những đoàn tàu hiện có, vào những ngày cao điểm ga Hà Nội có thể phục vụ lượng khách lên tới 25 nghìn người/ngày.

Cũng theo bà Hà, hiện nay các tuyến tàu nêu trên vẫn còn vé đối với hạng phổ thông, riêng vé giường nằm, ghế mềm khoang lạnh đều đã hết.