09:10 23/03/2021

Dịch vẫn lan tràn, kinh tế châu Âu đối mặt mùa hè u ám

kiều Oanh

Thất thu từ hoạt động du lịch trong mùa hè sẽ gây ra tổn hại nặng nề cho kinh tế khu vực kinh tế châu Âu

Tiêm chủng Covid-19 chậm tại EU ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi kinh tế
Tiêm chủng Covid-19 chậm tại EU ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi kinh tế

Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được đẩy nhanh ở Mỹ đồng nghĩa với lời hứa hẹn rằng mùa hè năm nay, hàng triệu người Mỹ có thể sẽ được tận hưởng kỳ nghỉ bên bờ biển, những bữa tiệc ngoài trời và những chuyến "phượt" đường dài. Nhưng ngược lại, bên kia bờ Đại Tây Dương, người châu Âu có thể phải đối mặt với một mùa hè u ám.

Các chính phủ trong Liên minh châu Âu (EU) trước đây hy vọng rằng trong những tháng đầu năm 2021, khu vực này sẽ đạt một con số đủ lớn người dân được tiêm chủng ngừa Covid-19 để có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó mở ra một mùa hè tương đối bình thường. Nhưng thực tế lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 của EU đang diễn ra với tốc độ chậm chạp, một phần do những lo ngại gần đây về tính an toàn của vaccine do AstraZeneca sản xuất. Sự chậm trễ này có nghĩa là tiến trình phục hồi kinh tế châu Âu sẽ tụt hậu nhiều so với Mỹ. Những quốc gia có độ phụ thuộc cao vào ngành du lịch trong khu vực rất có thể sẽ tiếp tục chứng kiến nền kinh tế suy giảm trong năm nay.

NỖI LO CỦA NGÀNH DU LỊCH CHÂU ÂU 

Một số nước EU, bao gồm Pháp và Italy, mới đây đã phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế ngặt nghèo và phong tỏa một phần do số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh trở lại. Theo dữ liệu từ Google Mobility, lượng khách ghé thăm các cửa hiệu bán lẻ, nhà hàng, quán café và trung tâm mua sắm ở khu vực Tây Âu hiện nay chỉ bằng khoảng một nửa so với mức trước đại dịch. Trong khi đó, lượng khách tương ứng ở Mỹ hiện chỉ thấp hơn khoảng 10% so với thời điểm trước khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.

Với các biện pháp hạn chế được áp trở lại, nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) nhiều khả năng sẽ suy giảm trong quý I năm nay, nghĩa là rơi vào một cuộc suy thoái hai đáy. Cùng kỳ, kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng 1,5%.

Cộng thêm sự chậm chạp của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, nền kinh tế Eurozone sẽ còn đuối sức trong nhiều tháng tới. Những nước lớn trong EU như Pháp, Đức và Italy mới tiêm được ít nhất 1 mũi vaccine cho chưa đầy 10% dân số, so với tỷ lệ 23% ở Mỹ. EU đặt mục tiêu các quốc gia thành viên đến tháng 9 tiêm chủng được cho 70% dân số. Lúc đầu, các nước đều nói họ sẽ đạt, thậm chí vượt, mục tiêu này. Tuy nhiên, khả năng đạt mục tiêu đến nay chưa có gì chắc chắn, xét tới những vấn đề về nguồn cung vaccine và việc nhiều người châu Âu từ chối tiêm vaccine AstraZeneca.

Trao đổi với tờ Wall Street Journal, ông Giorgio Ravecca, chủ một khu nghỉ dưỡng bên bờ biển ở vùng Tây Bắc Italy, đang lo rằng Chính phủ sẽ hạn chế hoạt động du lịch tại các vùng biển ở nước này trong mùa hè năm nay. Italy đã đóng cửa các khu trượt tuyết trong suốt mùa đông - điều mà ông Ravecca lo ngại sẽ xảy đến với lĩnh vực của ông trong mùa hè.

Du lịch-lữ hành đóng góp khoảng 13% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Italy, theo dữ liệu từ Hội đồng Lữ hành và du lịch Thế giới (WTTC). Tỷ lệ này tăng lên mức 14% đối với Tây Ban Nha và 21% đối với Hy Lạp. Ở Mỹ và phần lớn các nước Bắc Âu, con số tương ứng là dưới 10%.

Tổng doanh thu ngành du lịch và lữ hành trong năm ngoái đã giảm một nửa ở Italy, còn 88 tỷ Euro, tương đương 105 tỷ USD, và giảm gần 2/3 ở Tây Ban Nha, còn 44 tỷ Euro, theo Công ty nghiên cứu Oxford Economics.

NHỮNG KỊCH BẢN KINH TẾ 

Trước khi chiến dịch tiêm phòng Covid-19 của châu Âu gặp trục trặc, các  nhà hoạch định chính sách đã kỳ vọng vào một sự phục hồi vừa phải của nền kinh tế khu vực trong quý II năm nay, rồi sự phục hồi đó sẽ tăng tốc mạnh trong mùa hè cùng với chiến dịch tiêm chủng được đẩy nhanh. Trong kịch bản đó, đến cuối năm nay, gần một nửa trong số 19 quốc gia thành viên Eurozone sẽ lập lại mức sản lượng kinh tế trước đại dịch, và toàn bộ nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng khoảng 4% trong cả năm, so với mức dự báo tăng 6,5% của kinh tế Mỹ.

Thất thu từ hoạt động du lịch trong mùa hè sẽ gây ra tổn hại nặng nề cho kinh tế khu vực.

Nếu việc mở cửa trở lại bị trì hoãn từ 3 tháng trở lên, EU cho rằng nền kinh tế Eurozone sẽ chỉ tăng 2,5% trong năm nay. Thay vì trở lại ngưỡng sản lượng trước đại dịch vào cuối năm nay, kinh tế Eurozone sẽ phải đến cuối năm 2022 mới đạt tới mốc phục hồi như vậy. Ngoài ra, tốc độ phục hồi chậm chạp còn có thể gây ra tác hại dài hạn đối với nền kinh tế khu vực.

Ngay cả khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ trong mùa hè năm nay, EU cũng cho rằng phải đến cuối năm 2022, Italy và Tây Ban Nha mới có thể trở lại mức sản lượng kinh tế trước đại dịch, chậm hơn 1 năm so với Đức. Và theo đó nới rộng thêm khoảng cách phát triển đã tồn tại lâu nay giữa miền Bắc thịnh vượng của châu Âu và khu vực miền Nam chật vật hơn.

Thậm chí, các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanly ước tính rằng nền kinh tế Tây Ban Nha có thể tiếp tục suy giảm trong năm 2022 nếu mùa du lịch năm nay kém hơn năm ngoái.

Trong khi ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất ở châu Âu đã điều chỉnh để thích nghi với các biện pháp hạn chế, tránh được tình trạng phải đóng cửa như trong năm 2020 và đạt được sự phục hồi mạnh mẽ.

Sản lượng công nghiệp của Eurozone trong tháng 1/2021 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt quãng thời gian suy giảm kéo dài 2 năm. Trong tháng 2, ngành sản xuất của Italy tăng trưởng tháng thứ 8 liên tiếp.

Bà Barbara Colombo, Tổng giám đốc (CEO) của Ficep, một công ty Italy sản xuất máy công cụ cho ngành thép - không thể tuyển đủ công nhân cho các nhà máy của công ty. Bà cũng không sử dụng chương trình cho công nhân nghỉ việc được nhà nước hỗ trợ trả lương hoàn toàn. Lượng đơn hàng của Ficep hiện giảm khoảng 1/4 so với mức trước đại dịch, nhưng bà Colombo cho rằng tình hình sẽ khởi sắc trong năm nay.  "Ngành máy công cụ đang có sự lạc quan thận trọng", vị CEO có 600 công nhân cho biết. "Đơn hàng đang đổ về, và điều này mang lại cho các công ty dũng khí để đầu tư trở lại".

Tuy nhiên, sức mạnh của ngành sản xuất có thể không đủ để bù đắp sự suy yếu của ngành dịch vụ có quy mô rất lớn - lĩnh vực gặp trở ngại vì đợt phong tỏa mới.

Ngoài ra, các ngân hàng ở châu Âu còn đang siết chặt việc cấp vốn vay cho doanh nghiệp và hộ gia đình vì lo ngại rằng làn sóng Covid mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ - dữ liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy. Trong thời gian từ tháng 12/2020-1/2021, hoạt động cấp vốn ngân hàng cho doanh nghiệp ở Eurozone đã ngưng trệ.

Tuần trước, ECB tuyên bố sẽ đẩy mạnh chương trình mua trái phiếu Eurozone để kiểm soát đà tăng của lãi suất cho vay. Gần đây, lãi suất vay vốn ở Eurozone tăng mạnh theo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trong bối cảnh nhà đầu tư tăng kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ.