Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng xanh rực sau thỏa thuận Mỹ - Trung
“Thị trường đang phục hồi mạnh vì nhà đầu tư bất ngờ trước tốc độ của đàm phán thương mại Mỹ - Trung”...

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (12/5), sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt một thỏa thuận giảm thuế quan tạm thời - động thái làm dấy lên hy vọng rằng cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ngừng leo thang và không gây ra suy thoái. Mối lạc quan này cũng cải thiện triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, nhờ đó đưa giá dầu tăng hơn 1,5%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 1.160,72 điểm, tương đương tăng 2,81%, đạt 42.410,1 điểm, cách không xa mức đỉnh của phiên.
Lực mua mạnh xuất hiện ở hầu hết các nhóm cổ phiếu cũng đưa S&P 500 chốt phiên với mức tăng 3,26%, đạt 5.844,19 điểm. Nếu so với mức đáy nội phiên thiết lập hồi tháng 4 khi mối bất ổn thuế quan đang ở giai đoạn đỉnh điểm, S&P 500 hiện đã tăng hơn 20%. Nếu so với đầu năm, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ hiện chỉ giảm 0,6%.
Chỉ số Nasdaq tăng 4,35%, chốt ở mức 18.708,34 điểm. Những cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn có liên quan mật thiết đến thị trường Trung Quốc đồng loạt tăng mạnh, như Tesla tăng gần 6,8%, Apple tăng 6,3% và Nvidia tăng 5,4%.
Với các mức tăng như trên, đây là phiên tăng mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ hôm 9/4.
Sau hai ngày đàm phán ở Geneva, Thụy Sỹ vào cuối tuần vừa rồi, Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận giảm thuế quan cho nhau trong vòng 90 ngày trong lúc đàm phán để đi đến một thỏa thuận rộng thương mại rộng hơn. Thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc từ đầu nhiệm kỳ thứ hai tới nay sẽ giảm về 30% từ 145%, còn thuế quan Mỹ áp lên hàng Trung Quốc để trả đũa sẽ giảm về 10% từ 125%.
Phát biểu ngày thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent nói cuộc thảo luận với Trung Quốc đã diễn ra “rất hiệu quả”. Trong một chương trình của kênh CNBC, nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ bày tỏ hy vọng sẽ gặp lại các quan chức từ Bắc Kinh “sau vài tuần nữa” để bắt đầu vạch ra một thỏa thuận lớn hơn.
Những công ty dựa chủ yếu vào nguồn cung cấp hàng hóa từ Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng bùng nổ trong phiên này. Best Buy tăng 6%, Dell tăng khoảng 8%, và Amazon tăng hơn 8%.
“Thị trường đang phục hồi mạnh vì nhà đầu tư bất ngờ trước tốc độ của đàm phán thương mại Mỹ - Trung”, CEO Jeff Kilburg của công ty KKM Financial nhận định với CNBC.
Mới trong tháng 4 vừa qua, S&P 500 mấp mé trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) vì giảm khoảng 20% so với mức kỷ lục thiết lập vào tháng 2. Cổ phiếu ở Phố Wall đã bị bán tháo dữ dội sau khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng vào hôm 2/4. Sau đó, thị trường chuyển sang hồi phục vì ông Trump hoãn thuế suất cao của thuế đối ứng trong 90 ngày, ngoại trừ với Trung Quốc.
Gần đây, giới đầu tư đặt cược rằng thị trường sẽ tiếp tục đi lên nếu chính quyền ông Trump đạt được thỏa thuận thương mại với các đối tác trong 3 tháng tới, bao gồm với Trung Quốc. Kỳ vọng đó có vẻ như đang trở thành hiện thực. Tuần trước, Mỹ và Anh đã đạt một thỏa thuận khung, và tuần này bắt đầu bằng thỏa thuận tốt hơn kỳ vọng với Trung Quốc.
“Không ai dám nghĩ là thuế quan với Trung Quốc sẽ giảm về mức thấp như thế này. Đây đúng là một kết quả tốt quá mức”, chiến lược gia trưởng Jeff Buchbinder của công ty LPL Financial nhận xét với CNBC. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng “đây mới là một sự xuống thang, chưa phải là một thỏa thuận thương mại. Vẫn còn nhiều việc phải làm. Sự tạm hoãn không phải là mãi mãi”.
Phát biểu vào ngày thứ Hai, ông Trump cũng nói rằng việc đạt một thỏa thuận cuối cùng với Bắc Kinh sẽ không diễn ra nhanh chóng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh vì nhà đầu tư cho rằng thỏa thuận với Trung Quốc làm giảm nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm cắt giảm lãi suất.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 10,2 điểm cơ bản, đạt 4,477%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm tăng 11,9 điểm cơ bản, đạt hơn 4%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,05 USD/thùng, tương đương tăng 1,64%, đóng cửa ở mức 64,96 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,93 USD/thùng, tương đương tăng 1,52%, đóng cửa ở mức 61,95 USD/thùng.
Đầu tháng náy, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 4 năm do nỗi lo rằng thuế quan có thể gây suy thoái kinh tế ở Mỹ hoặc thậm chí toàn cầu, kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, việc OPEC+ đẩy mạnh tăng sản lượng khai thác dầu trong tháng 5 và tháng 6 cũng gây áp lực giảm lên giá năng lượng này.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Năm nay, giá dầu đã giảm hơn 12%. Giá dầu giảm sâu đang gây áp lực lên các nhà khai thác đầu đá phiến của Mỹ - những công ty thường cần mức giá dầu 65 USD/thùng để có được lợi nhuận khi khoan giếng mới.
Tuần trước, công ty Diamondback Energy nói với nhà đầu tư rằng sản lượng dầu của Mỹ có thể đã qua đỉnh và sẽ bắt đầu giảm nếu giá dầu không tăng trở lại. Công ty này cũng cho biết họ cần giá dầu trong khoảng 65-69 USD/thùng và cao hơn để có thể tăng sản lượng khai thác dầu.