08:35 20/12/2010

Điểm nóng tuần qua: Ẩn số AVG và hậu chiến WikiLeaks

Vinh Nguyễn

Việc AVG công bố hợp đồng bản quyền truyền hình bóng đá nội lại khiến dư luận tiếp tục sôi và báo giới một phen hao tốn giấy mực

Người hâm mộ bóng đá lo sợ sẽ có thêm một trường hợp như K+.
Người hâm mộ bóng đá lo sợ sẽ có thêm một trường hợp như K+.
Khi những lùm xùm về bản quyền phát sóng bóng đá ngoại của K+ còn chưa dứt, thì tuần qua, vụ AVG công bố hợp đồng bản quyền truyền hình bóng đá nội lại khiến dư luận tiếp tục sôi và báo giới trong nước lại một phen hao tốn giấy mực.

Ẩn số AVG

Hôm 18/12, trong cuộc họp báo tổ chức tại Hà Nội, Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã chính thức công bố, AVG và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ký hợp đồng về bản quyền truyền hình với thời hạn 20 năm từ 2010 đến 2030 (mỗi năm là 6 tỉ đồng). AVG sẽ là đơn vị bảo trợ về truyền thông, thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh bóng đá Việt Nam trong, ngoài nước. Ngoài VFF, AVG cũng đã ký hợp đồng với Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (VAF).

Theo báo Tuổi trẻ, AVG là viết tắt của Audio Visual Global - là tên gọi tắt của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu. Tháng 9/2010, AVG đã có một buổi tiệc ra mắt mang tính chất gặp gỡ thân mật. Tại đó, ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch hội đồng quản trị AVG - cho biết vốn pháp định của AVG là 1.400 tỷ đồng. Nhưng thông tin mới nhất do ông Vũ cho biết, vốn của AVG đã tăng lên 1.800 tỷ đồng, từ sáu cổ đông chính, trong đó có Tập đoàn An Viên.

Trong danh sách 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam (tổng kết năm 2009), mọi người không thấy tên ông Phạm Nhật Vũ. Tuy nhiên, trong giới kinh doanh ở Việt Nam có lẽ không ai không biết ông Vũ - em trai của ông Phạm Nhật Vượng (Công ty Vincom, người được xem là giàu nhất Viêt Nam hiện nay, căn cứ vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán).

Tập đoàn An Viên của gia đình họ Phạm là cổ đông lớn nhất của AVG. Công ty AVG đã được cấp các giấy phép cần thiết cho việc truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số mặt đất trên phạm vi toàn quốc, truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số vệ tinh. Như vậy, AVG là công ty tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được phép truyền dẫn phát sóng truyền hình.

Hiện tại, dù đã thâu tóm được bản quyền V-League và các giải đấu điền kinh của Việt Nam trong 20 năm tới nhưng AVG vẫn đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn của mình. Theo Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ, các kênh của AVG sẽ phát sóng thử nghiệm từ tháng 1/2011, nhưng phải đến cuối năm 2011 khán giả mới chính thức xem được các kênh truyền hình của tập đoàn này.

Theo tờ Thể thao & Văn hóa, cuộc chiến về bản quyền World Cup, Euro, hay SEA Games... và kể cả những tranh cãi về giải Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha thì đó đều là các giải đấu quốc tế. Còn những giải trong nước, truyền hình vốn được xem là phương tiện, thậm chí còn là “vinh dự lên sóng” chứ chưa phải nguồn thu đúng nghĩa.

Báo này giải thích, “được” truyền hình, dĩ nhiên, hình ảnh của môn thể thao được quảng bá nhiều hơn, rồi cũng nhờ có sóng truyền hình còn có thể thu hút được thêm hợp đồng tài trợ, quảng cáo. Không phải vô lý mà từ những nhà tổ chức, đến các đơn vị làm sự kiện thể thao trong nước trước nay cứ phải luôn dành phần “ưu ái” cho các nhà đài cùng số tiền không hề nhỏ để được lên sóng, nhất là sóng trực tiếp.

Rồi ngay cả bóng đá, môn thể thao đi tiên phong trong chuyện bán bản quyền truyền hình các giải trong nước, thì số thu lại cũng khá bèo nếu so với kinh phí của một câu lạc bộ (mùa 2010 tiền bản quyền cả giải từ 3 đài chỉ là gần 4 tỷ đồng). Đó là chưa kể đến việc mùa nào, ban tổ chức giải cũng đều phải mặc cả, kỳ kèo, các đài truyền hình thì chỉ “chọn trận, trả tiền”. Hay các đội bóng doanh nghiệp còn sẵn sàng bỏ tiền ra để làm trực tiếp nhằm quảng bá cho tên tuổi của mình.
 
Thế nên, xét về mặt kinh tế thì hợp đồng của AVG vừa ký với VFF cùng VAF và gần 20 liên đoàn, hiệp hội thể thao nữa theo kế hoạch, chả khác gì món quà: vừa được bảo trợ thông, vừa có tiền và lại vừa được lên sóng trong những 20 năm, thậm chí là dài hơn nữa. Nói “cốc sữa bò” cho người đang ốm là thế.

20 năm đã trôi qua từ khi trở lại với đấu trường quốc tế thông qua SEA Games Malaysia 1989, thể thao Việt Nam đã có những bước phát triển lớn và nếu sự phát triển ấy được nhân đôi trong 20 năm nữa, thì AVG sẽ là người hưởng lợi lớn khi thâu tóm toàn bộ bản quyền truyền hình các giải thể thao trong nước. Ngay cả trong 20 năm sắp tới thôi, chắc chắn AVG cũng tạo được vị thế mới cao hơn trong làng truyền hình nội nhờ cú đầu tư lớn dài hơi này.

Đơn giản thôi, theo báo này, ở mùa giải tới để có được bản quyền truyền hình các trận đấu bóng đá trong nước, các nhà đài cũ như VTV, VCTV, VTC... thay vì “ngồi chiếu trên để mặc cả” với VFF, thì phải ngồi vào bàn với đối tác doanh nghiệp ngang cơ. Và chẳng ai sẽ biết được, có những gì nữa diễn ra nếu nhìn vào “cuộc chiến” của K+ hôm nay...

Quan trọng hơn là AVG chắc chắn cũng chẳng dừng ở mức “mua bản quyền để bán” bởi với nhiều động thái gần đây, rõ ràng họ không phải là “tay mơ” trong nghề truyền hình dù có “sinh sau, đẻ muộn”. Thực tế là lĩnh vực truyền hình thể thao, vốn tưởng xương xẩu, hóa ra vẫn cứ là “con bò sữa” nếu ai biết cách vắt nó mà thôi, tờ Thể thao & Văn hóa nhận định.

Mặc dù, việc AVG độc quyền bản quyền truyền hình bóng đá và điền kinh Việt Nam xem ra sẽ tạo nhiều ảnh hưởng tốt cho hoạt động của hai môn thể thao này, nhưng sau vụ việc K+, người hâm mộ môn thể thao vua trong nước đang lo ngại liệu sắp tới có một trường hợp AVG+ đẩy giá bản quyền lên cao hay không?

Tờ Tiền Phong trăn trở, mặc dù phát biểu trong cuộc họp báo hôm 18/12, ông Phạm Nhật Vũ luôn khẳng định rằng lợi nhuận không phải là điều duy nhất mà AVG nhắm tới, nên AVG sẽ không bao giờ là K+. Nhưng tới tận cuối năm 2011, AVG mới lên sóng chính thức, và khi ấy người ta mới biết cam kết của ông Vũ có được thực hiện hay không, còn từ giờ tới lúc ấy, người hâm mộ hãy cứ nên tranh thủ còn được xem bóng đá nội miễn phí ngày nào thì hãy tận dụng ngày đó.

Chưa hết, theo báo SGTT, việc AVG đã có bản quyền truyền hình V-League nhưng chưa công bố mức giá bán đầu thu càng không khẳng định khán giả ở các vùng sâu, vùng xa, thậm chí là các thành phố nếu không mua đầu thu của AVG, liệu có xem được V-League khi AVG đi vào hoạt động hay không ? Điều này đã khiến cho những thành viên chủ chốt của Hội cổ động viên Việt Nam có mặt tại cuộc họp lo lắng.

Ông Trần Song Hải – Phó chủ tịch Hội cổ động viên Việt Nam – đã nhận định: “Hy vọng AVG sẽ không là AVG+ bởi nếu không một hộ gia đình sẽ phải tốn tiền để có đến 2 đầu thu và một đường cáp. Một để coi bóng đá quốc tế, một để coi bóng đá trong nước và một để xem thời sự. Nếu thế thì tội cho người dân quá”.

Hậu chiến WikiLeaks

Những tưởng vụ WikiLeaks sẽ chìm xuống đáy, sau khi ông chủ trang web này Julian Assange bị bắt, nhưng không, một cuộc chiến trên mạng đã thực sự bùng nổ với các vụ tấn công qua lại giữa hai phe ủng hộ và chống đối WikiLeaks. Cuộc chiến càng trở nên căng thẳng hơn khi  Bộ Tư pháp Mỹ và nhiều nước vào cuộc truy lùng những tin tặc (hacker) ủng hộ Wikileaks, đồng thời phe ủng hộ cũng lôi kéo thêm được nhiều yếu nhân tham gia.

Theo tờ The Guardian, trang mạng của Ngân hàng Thuỵ Sĩ Post Finance, nơi đã phong toả tài khoản của ông Julian Assange đã bị một nhóm tin tặc có tên là ""Operation Payback" tấn công. Nhóm này còn cho biết sẽ tiếp tục tấn công trang mạng của Post Finance. Nhóm hacker ủng hộ WikiLeaks dự kiến sẽ tấn công trang mạng của Paypal - một công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet.

Trang mạng và dịch vụ thư điện tử của luật sư Claes Borgstroem - đại diện cho hai phụ nữ Thuỵ Điển kiện ông Assange quấy rối tình dục, cũng bị hacker tấn công. Các chuyên gia của Công ty An ninh mạng Netcraft nhận định, đây là đợt tấn công quy mô lớn của một "đội quân hacker khổng lồ", bởi cần ít nhất 400 hacker mới có thể tấn công được trang web Mastercard, trong khi với trang Visa thì cần tới 2.000 hacker.

Trong khi đó, một nhóm khác tự xưng “Anonymous” đã tấn công hàng loạt các website đã cắt nguồn tài trợ cho WikiLeaks như trang web của hãng MasterCard, Visa, trang web mua sắm Amazon, PayPal, EveryDNS, Ngân hàng Post Finance. Ở cấp độ chính trị, Anonymous tấn công trang web của các chính khách Mỹ như Sarah Palin, nghị sĩ Joe Liberman, trang web của Văn phòng Công tố viên Thụy Điển (nơi ra trát bắt giữ Assange), trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ và Chính phủ Thụy Điển.

Theo báo Independent, đêm 9/12, hơn 30.000 người đã tải phần mềm đặt biệt cho phép họ nhắm vào các trang web. Phần mềm này sẽ làm chậm hoặc đóng cửa tạm thời một trang web bằng cách ồ ạt gửi tới các yêu cầu cung cấp thông tin. Phần mềm cho phép nhiều máy tính cùng truy cập vào trang web mục tiêu với hàng triệu lượt truy cập làm cho trang web quá tải. Kiểu tấn công như vậy được gọi là tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).

Thông thường, kiểu DDos sẽ dùng virus hay mã độc nhưng trường hợp của Anynomous dùng phần mềm mang tên LOIC (low orbit ion-cannon). Tại Anh, tấn công bằng DDos được xem là phạm pháp, có thể nhận án 2 năm tù giam. Trước các cuộc tấn công như vậy, người phát ngôn của WikiLeaks Kristinn Hrafnsson, tuyên bố: “Chúng tôi không lên án và cũng không ủng hộ những cuộc tấn công này. Chúng tôi tin rằng đó là phản ứng của công chúng”.

Hrafnsson khẳng định WikiLeaks không có mối liên hệ nào với Anynomous. Danh sách các địa chỉ web bị tin tặc “viếng thăm” vì liên quan tới vụ WikiLeaks có lẽ còn rất nhiều, vì ngoài các cơ sở công khai thừa nhận bị tin tặc tấn công, còn có những nạn nhân khác, đặc biệt các công ty thương mại, chủ trương ém nhẹm thông tin vì không muốn thú nhận mình không bảo đảm an toàn được cho website của mình.

Trong khi đó, chính giới quốc tế cũng có sự chia rẽ, khi một số yếu nhân đứng ra bênh vực WikiLeaks. Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd hôm 8/12 cho rằng, "cha đẻ" WikiLeaks vô can. Reuters dẫn lời ông Kevin Rudd cho biết, để xảy ra vụ rò rỉ tài liệu là lỗi của Mỹ chứ không phải của công dân Australia Julian Assange.

Theo tờ The Moscow Times, Thủ tướng Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp với người đồng nhiệm Pháp Francois Fillon ngày 9-12 cũng phê phán Mỹ liên quan đến vụ Wikileaks. Ông Putin lên án việc bắt giữ Julian Assange. “Nếu thật sự dân chủ thì tại sao ông Assange vào tù? Đó là dân chủ ư?”, ông Putin nói.

Đồng quan điểm với Thủ tướng Nga còn có Tổng thống sắp mãn nhiệm của Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khi cho rằng ông đoàn kết với Assange, gọi Assange là “nhà vô địch của tự do ngôn luận”. Tổng thống Brazil cho rằng bắt Assange chính là “ tấn công vào tự do bày tỏ”. Ông cũng tỏ ra ngạc nhiên với nhiều nước vì không nghe được nhiều tuyên bố lên án hành động bắt giữ này.

Tại Australia, hàng trăm người đã xuống đường tại Sydney kêu gọi chính phủ nước này có hành động để giúp ông chủ 39 tuổi của WikiLeaks. Nhiều nơi khác trên cả nước Australia cũng đã diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ Assange. Một tổ chức mang tên Getup! Cho biết đã có hơn 50.000 người tại Australia ký tên ủng hộ Assange và quyên góp được 250.000 USD để cung cấp cho các tờ báo Mỹ xuất bản những thông tin của WikiLeaks. Hàng chục người ở thành phố Multan, Pakistan cũng đã xuống đường đốt cờ Mỹ và cờ Anh phản đối việc bắt giữ Assange.

Những người ủng hộ WikiLeaks ở Thụy Sĩ và Đức đang kiện các công ty Mỹ. Tổ chức Wau Holland tại Đức, tự xưng là người ủng hộ chính của WikiLeaks dọa kiện PayPal do trang web này phong tỏa 10.000 Euro mà họ đã tài trợ cho WikiLeaks. Họ đòi PayPal thực hiện trở lại giao dịch này. DataCell ehf, đơn vị xử lý chi trả cho Wikileaks cho biết sẽ kiện MasterCard và Visa vì từ chối chuyển tiền tài trợ cho Wikileaks. “Thật ngớ ngẩn khi cứ nghĩ rằng mọi việc làm của Wikileaks là phạm pháp”, DataCell ehf tuyên bố.