09:05 06/12/2010

Điểm nóng tuần qua: Quyền lực của Internet

Diệp Anh

Vụ việc tiết lộ thông tin mật của WikiLeaks gần đây đã thực sự khiến đủ mọi giới trong xã hội trên toàn cầu rúng động

WikiLeaks bị đánh sập - Ảnh: AP.
WikiLeaks bị đánh sập - Ảnh: AP.
Không phải tới bây giờ người ta mới biết tới quyền lực của Internet, nhưng vụ việc tiết lộ thông tin mật của WikiLeaks gần đây đã thực sự khiến đủ mọi giới trong xã hội trên toàn cầu rúng động. Dường như trong thế giới số hiện nay, với sức lan tỏa nhanh chóng của Internet, không còn gì có thể coi là bí mật.

Cuối tuần trước, một lượng thông tin mật của Chính phủ Mỹ với số lượng lớn nhất từ trước tới nay đã được bung lên các trang web những tờ báo lớn tại Mỹ và châu Âu như New York Times, The Guardian, Le Monde, Spigel... cung cấp cho độc giả những chi tiết chưa từng có về Iran, Triều Tiên, Afghanistan và Nga.

Thông qua những tài liệu đó, người ta được biết về các mối lo âu của nước Mỹ, các chính sách ngoại giao của Washington, những vụ thỏa thuận ngầm, những mối nghi ngờ, những cuộc đổi chác, và cả những nhận xét kỳ quặc đánh giá các nhà lãnh đạo của các quốc gia liên quan. Những tư liệu nhạy cảm này đã lật tung mọi bí mật về cách các nhà ngoại giao Mỹ và các chính phủ nước ngoài nhận xét về thế giới.
 
Nhiều thông tin động trời đã được đào xới và "bật nắp", như một số lãnh đạo Ảrập, trong đó có Quốc vương Ảrập Saudi Abdullah, yêu cầu Mỹ tấn công Iran để chặn đứng chương trình hạt nhân của nước này; Trung Quốc có ý định từ bỏ việc bảo vệ đồng minh CHDCND Triều Tiên, xem chương trình hạt nhân của nước này là phiền toái, chấp nhận việc thống nhất bán đảo Triều Tiên về lâu dài...

Thậm chí cả những nhận xét không hay của các nhà ngoại giao Mỹ về các đối thủ truyền thống cũng như về những người bạn lâu năm của Washington, cũng được công khai, như lén gọi Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai là “kẻ hoang tưởng”, Thủ tướng Nga Vladimir Putin là “chúa tể đầu đàn”, Thủ tướng Đức Angela Merkel là “bà ngạo mạn”, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi là “tay hám gái” và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad là Hitler.

Suốt cả một tuần lễ, làn sóng tiết lộ thông tin mật đã khiến cả thế giới phát điên, đặc biệt là giới chính trị quốc tế. Bộ trưởng Bộ Ngoại trưởng Hillary Clinton gọi vụ công bố các tài liệu này là cuộc “tấn công vào cộng đồng thế giới và bà bày tỏ sự tin tưởng rằng các mối quan hệ hợp tác với bè bạn trên thế giới mà chính quyền Obama dày công xây dựng sẽ vượt qua được thử thách này.

Bà Clinton biện minh cho các bức mật điện ngoại giao và khẳng định, trong thời gian tới cộng đồng ngoại giao vẫn tiếp tục trao đổi các thông tin mang tính riêng tư vì, theo bà, công việc của nền ngoại giao Mỹ không chỉ mang lại lợi ích cho người Mỹ mà còn giúp đỡ cho hàng tỷ người trên thế giới. Bà nói, bất cứ quốc gia nào, trong đó có cả Hoa Kỳ, đều có quyền có những cuộc trao đổi thẳng thắn về quốc gia hoặc con người mà họ giao dịch.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thuộc đảng Cộng hòa đại diện bang North Carolina, cảnh báo, việc tiết lộ tràn lan những thông tin nhạy cảm có thể phương hại tới nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ trên thế giới. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết họ đã bắt đầu thực hiện một loạt biện pháp để ngăn không cho những vụ việc tương tự có thể tái diễn. Còn Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder thì cho biết, cuộc điều tra hình sự về thủ phạm gây ra vụ rò rỉ điện tín ngoại giao vẫn đang tiếp tục, và người làm sai sẽ bị truy tố.

Cựu ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hoà, Mike Huckabee muốn xử tử Bradley Manning, chuyên viên phân tích tình báo quân đội Mỹ, 23 tuổi, người đang bị giam ở một căn cứ quân sự tại Virginia, và đối mặt với phiên toà cáo buộc tội tải các file tài liệu trong khi đang thực hiện nhiệm vụ ở Iraq. Còn nữ chính khách Sarah Palin thì kêu Julian Assange, nhà sáng lập ra trang web Wikileaks là “hoạt động chống Mỹ với bàn tay đẫm máu” và thúc giục truy lùng Assange như trùm khủng bố Bin Laden.

Không chỉ chính giới Mỹ phản ứng với những tiết lộ của WikiLeaks, nhiều chính khách quốc tế khác cũng vội vã lên tiếng trước thảm họa thông tin mật này. Phát biểu trong chương trình "Larry King Live" trên kênh truyền hình CNN hôm 2/12, Thủ tướng Nga Vladimir Putin nói, hành vi tiết lộ thông tin này là ngạo mạn và vô đạo, đồng thời cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào nước Nga. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một giả thuyết phức tạp, đó là "ai đó đang lên cả một chương trình nghị sự khi cung cấp những thông tin mật này cho WikiLeaks”.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tức giận trước cáo buộc trong một bức điện tín mật rằng ông có những tài khoản bí mật tại Ngân hàng Thụy Sĩ. Ông khẳng định: "Tôi không có một xu nào tại các Ngân hàng Thụy Sĩ", đồng thời thúc giục Washington “phải xử lý nhà ngoại giao nào đã vu khống, bịa đặt trắng trợn”.

Tổng thống Iran Ahmadinejad cũng phủ nhận rằng, các quốc gia Ảrập vùng Vịnh đối lập với chế độ của ông và nhấn mạnh: “Chúng tôi không nghĩ thông tin này bị rò rỉ. Chúng tôi nghĩ nó được tổ chức để xuất bản trên một nguyên tắc cơ bản là phục vụ mục tiêu chính trị”.

Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani triệu đại sứ Mỹ để nói chuyện sau khi tài liệu mật tiết lộ mối liên minh nhạy cảm của hai nước trong chiến tranh. Còn Thủ tướng Italy Berlusconi thì bị miêu tả trong một tài liệu rằng ông là “một chính trị gia yếu đuối cả về thể chất lẫn năng lực trình độ”. Và ông Berlusconi nhận xét: “Những điều được tiết lộ lần này đã gây ảnh hưởng xấu hình ảnh nước Italy”.

Suốt cả tuần qua, Mỹ đã tăng cường áp lực với WikiLeaks. Hôm thứ ba, họ tuyên bố điều tra xem trang web này có vi phạm luật hoạt động gián điệp hay không. Một ngày sau đó, họ đã thành công khi buộc Amazon phải ngừng cung cấp dịch vụ hosting cho WikiLeaks, buộc trang web phải tìm đến máy chủ ở châu Âu. Joe Lieberman, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện Mỹ, nói bất kỳ công ty hay tổ chức nào khác “chứa chấp” WikiLeaks cần lập tức chấm dứt quan hệ với họ.

Trong khi đó, Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, đã bị tấn công từ mọi hướng. Ngoài lệnh truy nã khẩn cấp của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) nhắm vào ông Assange, trang web WikiLeaks đã bị tấn công ít nhất 3 lần. Đợt tấn công đầu tiên - cũng bằng thủ thuật DDoS - bắt đầu từ 2 giờ ngày 28/11 (giờ Mỹ), tức trước khi trang web này bắt đầu tiết lộ Cablegate. Mọi cuộc truy nhập đều bị từ chối.

Đợt tấn công thứ hai có quy mô lớn hơn nhắm vào cả hai trang web WikiLeaks và Cablegate diễn ra hôm 30/11. Một nguồn tin giấu tên của WikiLeaks cho biết phân nửa máy chủ của trang web đã bị đánh sập sau hai ngày bị tấn công liên tục. Đến trưa 1/12, WikiLeaks vẫn bị tê liệt, vài giờ sau mới khôi phục được. Hôm thứ sáu, trang web WikiLeaks bị tấn công lần nữa.

Tuy nhiên, Julian Assange, trong cuộc phỏng vấn mới nhất được thực hiện qua video với tờ tạp chí Nhà báo Nga, cho biết các tài liệu đã tiết lộ chỉ là một phần nhỏ trong số tài liệu mà ông có. Assange nói thêm, “làn sóng” tiết lộ tài liệu mật sẽ còn nhiều hơn nữa trong những tháng tiếp theo.

Thêm vào đó, hiện WikiLeaks đã lưu trữ nội dung trên hơn 20 máy chủ với hàng trăm tên miền trên khắp thế giới. Trang web có rất nhiều bản sao. Nếu một bản sao bị chặn, người dùng có thể chuyển sang truy cập bản sao khác với nội dung tương tự. Các bản sao này bao gồm WikiLeaks.fr, WikiLeaks.se, WikiLeaks.de, WikiLeaks.nl, WikiLeaks.is...

Assange coi đó là một hệ thống "không thể bị kiểm duyệt" cũng như "không thể lần ra các tài liệu rò rỉ từ đâu".  Đây cũng là một hệ thống đảm bảo thông tin sau khi được đăng tải lên mạng Internet sẽ không thể bị gỡ bỏ. Nếu một tổ chức hay chính phủ muốn gỡ bỏ những thông tin tên WikiLeaks, cách duy nhất là gỡ bỏ toàn bộ mạng Internet. Vì vậy, cho dù là những chính phủ mạnh nhất cũng không dễ dàng để đối phó với trang web này.