16:52 14/07/2011

Doanh nghiệp gặp khó, thu nội địa giảm dần

Anh Quân

Từ tháng 4/2011 trở lại đây, số thu nội địa có xu hướng giảm dần, tháng sau thấp hơn tháng trước

Thu ngân sách nhà nước đạt khá so với kế hoạch còn do tăng giá hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu.
Thu ngân sách nhà nước đạt khá so với kế hoạch còn do tăng giá hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu.
Tác động của việc điều chỉnh tỷ giá, tăng giá xăng dầu, giá điện và thực thi các chính sách kiềm chế lạm phát... đã làm cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp khó khăn hơn, giảm nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Từ tháng 4/2011 trở lại đây, số thu nội địa có xu hướng giảm dần, tháng sau thấp hơn tháng trước và số thu bình quân tháng của quý 2/2011 đã giảm khoảng 7% so với số thu bình quân tháng của quý 1/2011.

“Đây cũng là khó khăn trong điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm 2011”, Bộ Tài chính nhìn nhận trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm vừa công bố.

Nhưng dù có những khó khăn nhất định, thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2011 vẫn đạt tỷ lệ khá cao. Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách nhà nước đến hết tháng 6/2011 ước đạt 327.820 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán.

Lý giải nguyên nhân, Bộ lưu ý thêm, kết quả thu ngân sách đạt khá còn do thu tiền sử dụng đất đạt 21,8 nghìn tỷ đồng đã nâng mức thực hiện kế hoạch thu nội địa từ 51,3% lên 53% dự toán.

Ngoài ra, Bộ cho rằng kết quả thu ngân sách còn do tăng trưởng của nền kinh tế từ năm 2010 kéo sang những tháng đầu năm 2011, từ đó tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; một số khoản thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011 theo chế độ đạt khá…

Một điểm lưu ý khác, việc giá cả hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng cũng là yếu tố làm cho doanh thu chịu thuế tăng, dẫn đến số thu nộp ngân sách tăng; giá dầu thô thanh toán bình quân 6 tháng đạt 103 USD/thùng, tăng 26 USD/thùng so với giá tính dự toán.

Bên cạnh đó, nhiều nhóm hàng và mặt hàng nhập khẩu chịu thuế suất cao cũng có kim ngạch tăng khá, góp phần vào kết quả thu chung, như nhóm hàng sắt thép kim ngạch tăng khoảng 31% làm tăng thu ngân sách khoảng 1.600 tỷ đồng so với tiến độ dự toán, kim ngạch nhóm hàng linh kiện điện tử tương ứng tăng 27% và tăng thu ngân sách khoảng 1.080 tỷ đồng; kim ngạch các mặt hàng máy móc thiết bị phụ tùng ước tăng 25,4% làm tăng thu ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng...

Đối với chi ngân sách, tổng chi 6 tháng đầu năm ước đạt 355.600 tỷ đồng, bằng 49% dự toán. Trong đó, con số đáng chú ý là chi trả nợ và viện trợ ước đạt 45.900 tỷ đồng, tương đương trên 2,2 tỷ USD và bằng 53,4% dự toán.

Liên quan đến các giải pháp cắt giảm đầu tư và tiết kiệm chi ngân sách, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện cắt giảm để điều chuyển vốn cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ khoảng 8.333 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 5.556 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ là 2.777 tỷ đồng.

Ngoài ra, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cũng thực hiện rà soát, cắt giảm khoảng 39.210 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp.

Đối với chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại trong 9 tháng cuối năm 2011 của các bộ, cơ quan ở trung ương và địa phương là 3.857,7 tỷ đồng, trong đó các bộ, cơ quan trung ương là 900 tỷ đồng; các địa phương là 2.957,7 tỷ đồng.

Riêng đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, ngân sách nhà nước đã chuyển cấp phát và ứng chi theo chế độ cho các dự án đạt 50,8% dự toán; vốn thực giải ngân đến các chủ đầu tư ước đạt 44% dự toán, trong đó vốn do trung ương quản lý đạt khoảng 39% dự toán, vốn do địa phương quản lý đạt khoảng 45% dự toán.

Bên cạnh vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt 66,4% dự toán năm, trong đó vốn do trung ương quản lý đạt khoảng 70% dự toán, vốn do địa phương quản lý đạt khoảng 57% dự toán.

Như vậy, bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước 27.780 tỷ đồng, bằng 23% dự toán, thấp hơn so với con số ước tính khoảng 30 nghìn tỷ đồng Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó.  

Đây là mức bội chi thấp nhất so với mức cùng kỳ một số năm gần đây: năm 2010 là 25% dự toán, năm 2009 là 32% dự toán, cho thấy chủ trương thắt chặt tài khoá đã được thực hiện nghiêm túc, Bộ Tài chính nhìn nhận.