09:25 06/02/2011

“Doanh nghiệp nhà nước đang có quá nhiều chủ”

Lê Hường

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá hiến kế chữa "căn bệnh dài hạn" của nền kinh tế

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá.
“Về mặt số lượng, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi sau một số năm suy giảm. Đó là điều đáng mừng. Còn thành quả này có phải do khắc phục những mặt yếu của nền kinh tế tạo nên hay không, thì tôi cho rằng chưa phải”, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá nhận xét trong cuộc trò chuyện xoay quanh những “căn bệnh dài hạn” của nền kinh tế Việt Nam hiện tại.

Ông nói:

- Những yếu kém cơ bản của nền kinh tế không những vẫn còn đó, mà qua ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm bộc lộ thêm nhiều khuyết tật, làm trầm trọng thêm nhiều căn bệnh vốn có của nền kinh tế.

Xin nêu vài ví dụ, tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, mà đầu tư đạt hiệu quả thấp; giá trị sản xuất công nghiệp tăng khá cao, nhưng giá trị tăng thêm của khu vực này đạt khá thấp, trước đây giá trị sản xuất tăng khoảng 1,3-1,4% thì tạo ra 1% giá trị tăng thêm, thì nay cần đến gần 2%; các yếu tố kinh tế vĩ mô vẫn còn bấp bênh.

Tăng trưởng kinh tế vài năm gần đây có lẽ chủ yếu nhờ các giải pháp tình thế mà nhiều giải pháp thuộc nhóm này đã có giúp phục hồi kinh tế, nhưng để lại không ít hậu quả xấu cho năm 2011 và một số năm sau.

Năm 2010, bức tranh kinh tế chung của năm đã diễn ra đúng như nhận định của ông từ năm ngoái với những cụm từ chủ chốt là “khó khăn trong ổn định tỷ giá hối đoái” “lạm phát cao”, “sự hồi phục dựa vào những yếu tố ăn nhanh” “môi trường đang bị hủy hoại”. Hệ lụy của tình trạng này sẽ như thế nào, thưa ông?

Nếu làm tốt thì cũng phải mất vài năm mới chữa trị được những “căn bệnh ngắn hạn”, còn chữa được “căn bệnh dài hạn” thì cần thời gian dài hơn, với điều kiện là phải bắt đầu từ bây giờ. Tôi đồng tình với đề xuất của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước rằng điều kiện tiên quyết để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, trước mắt phải bắt đầu từ việc phấn đấu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều này chúng ta đã làm được sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á những năm 1997-1999. Còn trong kế hoạch 5 năm 2006-2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào khoảng 11%/năm, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 7%/năm. Đây là bài học quan trọng cần xem xét khi tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới.

Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước vẫn được đánh giá là có hiệu quả hoạt động kinh tế kém, trong khi nguồn vốn nhà nước đổ vào thành phần kinh tế này không phải là ít. Đây có phải là một trong những lực kéo “lùi” sức tăng trưởng của cả nền kinh tế?

Nhìn vào con số thống kê từ năm 2005 dưới đây cho thấy hai điều. Một là, mức tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước luôn thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế chung của cả nước và đương nhiên thấp hơn khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Hai là, vào những năm kinh tế nước ta chịu tác động xấu từ bên ngoài, thì khu vực kinh tế nhà nước bị suy giảm sâu hơn các thành phần kinh tế khác, tức kinh tế nhà nước chưa đóng vai trò “quả đấm thép” trong tay nhà nước để chống đỡ với những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 2008-2009.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997-1999, cũng có tình hình tương tự. Chẳng hạn, năm 2099, GDP cả nước tăng trưởng so với năm trước là 4,8%, thì khu vực kinh tế nhà nước chỉ tăng 2,6%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 4,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng đến 17,6%

Vậy phải làm gì và bắt đầu từ đâu để bịt “lỗ hổng” về pháp lý trong quản lý khối tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước, trong quản trị khu vực doanh nghiệp này, bao gồm cả các tập đoàn kinh tế nhà nước, thưa ông?

Về điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước thì đã có Luật Doanh nghiệp Nhà nước và  kể từ 1/7/2010 là Luật Doanh nghiệp. Còn đối với hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước thì đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 101/CP.

Tuy vậy, trong quản lý khối tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước, trong quản trị khu vực doanh nghiệp này, bao gồm cả các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn còn những “lỗ hổng” pháp lý lớn. Đó là chưa có văn bản pháp luật để quản lý khối tài sản khổng lồ tại các doanh nghiệp nhà nước.

Ai là chủ đích thực của khối tài sản này? Mỗi bộ, mỗi chính quyền địa phương có liên quan đều nhận mình là chủ phần việc được giao trong quản lý khối tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước và như vậy hiện nay đang có quá nhiều chủ, thành thử khối tài sản tại các  doanh nghiệp nhà nước trở thành vô chủ là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, trong quản trị các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế nhà nước tuy đã có các văn bản pháp lý để điều chỉnh, nhưng trên thực tế thì còn thiếu những văn bản hết sức quan trọng, ví dụ đến nay vẫn chưa có điều lệ về tổ chức, hoạt động của Vinashin. Một tập đoàn kinh tế lớn như vậy mà trong hoạt động lại chưa có điều lệ thì việc xảy ra các sai lầm, gây tổn hại vật chất, nguồn lực cũng là điều không khó hiểu lắm hoặc những tổng công ty, tập đoàn đã có điều lệ thì nội dung còn quá chung và việc chấp hành còn hết sức lỏng lẻo.

Từ đó, trước mắt xin đề xuất một số giải pháp khắc phục. Thứ nhất, cần có cơ quan quản lý doanh nghiệp nhà nước tập trung, kể cả các tập đoàn kinh tế chuyên trách, đủ mạnh để thực hiện quản lý và giám sát sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp. Cơ quan đó là một bộ mạnh.

Thứ hai, xác định lại mục tiêu chiến lược, sứ mạng của các tập đoàn trong 5-10 năm tới. Định vị lại mục tiêu chiến lược của từng tập đoàn, coi đó là sứ mạng, với định hướng trong 5-10 năm tới, mỗi tập đoàn phải trở thành một doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu và đứng vào hàng 20, hay 30 doanh nghiệp lớn nhất trong khu vực trong ngành có liên quan về trình độ công nghệ, năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ; về quy trình sản xuất và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm; về vốn, doanh thu và trị giá doanh nghiệp; về thị phần trên thị trường khu vực và quốc tế, về cách thức quản trị.

Không giao doanh nghiệp nhà nước thực hiện các nhiệm vụ xã hội, nhiệm vụ điều tiết thị trường; mà hoạt động kinh doanh, phân bố và sử dụng nguồn lực chỉ nhằm đến thực hiện mục tiêu nói trên.

Thứ ba, đánh giá lại tài sản cả hữu hình lẫn vô hình của  doanh nghiệp nhà nước một cách chính xác, và thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp trên tất cả các phương diện hướng đến thực hiện mục tiêu trọng tâm đã xác định.

Thứ tư, thiết lập hệ thống thông tin quản trị thông suốt và hệ thống giám sát hữu hiệu từ các bộ phận sản xuất kinh doanh đến ban giám đốc, hội đồng quản trị và cơ quan chuyên trách chủ sở hữu; thiết lập hệ thống giám sát nội bộ hữu hiệu, gồm giám sát tài chính, giám sát hoạt động kinh doanh và giám sát, đánh giá rủi ro theo sát các nguyên tắc và thông lệ quản trị tốt đã được quốc tế thừa nhận.

Thứ năm, công khai và minh bạch hóa thông tin ít nhất theo các tiêu chí như đang áp dụng đối với công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay. Và hàng năm, các tổng công ty nhà nước, các tập đoàn kinh tế phải có báo cáo tài chính hợp nhất; báo cáo đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu chiến lược được kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế trình Quốc hội và công khai hóa để bất kỳ ai có quan tâm đều biết.