Doanh nghiệp sẽ được tự quyết định thang lương, bảng lương
Doanh nghiệp sẽ được tự xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, Nhà nước chỉ quy định mức sàn lương tối thiểu vùng…
Sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có thêm gần 1 giờ đồng hồ để tiếp tục trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề Đại biểu Nguyễn Duy Minh, Đoàn TP. Đà Nẵng cho rằng hiện mức lương tối thiểu của người lao động đang rất thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc lại, theo Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, lẽ ra đã thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp từ 1/7/2021.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, thời điểm cải cách chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp phải “chậm lại một chút”. Hiện nay, việc cải cách tiền lương trong khu vực này mới đang được thí điểm ở ba tập đoàn, từ đó sẽ làm cơ sở để triển khai trên quy mô cả nước.
Về vấn đề tiền lương trong khu vực doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thời gian tới sẽ có thay đổi rất căn bản, khi lương được xác định chính là giá cả sức lao động, chính vì thế phải trả lương theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở có sự can thiệp nhất định của Nhà nước, nhưng trong chừng mực cho phép.
Chính sách tiền lương mới cũng đề cao vai trò tự chủ của người sử dụng lao động, trong đó, doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động sẽ là người quyết định thang lương, bảng lương, Nhà nước không can thiệp nữa, mà chỉ quy định mức sàn lương tối thiểu.
Bên cạnh đó, người lao động và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận về mức lương, thu nhập trên cơ sở ba căn cứ gồm: sự phát triển của doanh nghiêp; thu nhập, phúc lợi của người lao động; mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng là mức sàn tối thiểu Nhà nước đặt ra bắt buộc chủ sử dụng lao động không thể trả thấp hơn, còn nếu cao hơn mức này thì hai bên thỏa thuận, người lao động có quyền quyết định chấp nhận hay không khi thỏa thuận đó không đáp ứng yêu cầu.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng người lao động bao giờ cũng ở thế yếu hơn so với chủ sử dụng lao động. Vì thế, để áp được mức lương này cần dựa trên nhiều yếu tố như tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ số giá cả, khả năng chi trả của doanh nghiệp và cuối cùng là bài toán hài hòa lợi ích hai bên”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho hay, trong vấn đề này cần vai trò điều phối của ba bên trong quan hệ lao động bao gồm cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đại diện giới chủ và tổ chức đại diện người lao động.
Trước đó, trong dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất không điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong năm nay. Việc này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, và sau 13 năm liên tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
Hiện nay, theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng cụ thể là: vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.