10:24 07/05/2009

Doanh nghiệp và nông dân: Gian nan tìm tiếng nói chung

Hoa Minh

Nông dân khó tiêu thụ sản phẩm trong khi doanh nghiệp vẫn khó khăn về nguồn nguyên liệu

Chất lượng chưa đồng đều là nguyên nhân làm giảm giá trị của trái cây Việt Nam.
Chất lượng chưa đồng đều là nguyên nhân làm giảm giá trị của trái cây Việt Nam.
Nhà nông than khó đầu ra, doanh nghiệp chế biến vẫn phải nhập nguyên liệu ngoại, đơn vị xuất khẩu nông sản kêu không có lượng hàng như mong muốn đáp ứng các đơn hàng...

Nghịch lý này đã và đang làm giảm giá trị nông sản Việt Nam, gây khó khăn cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Trường Thịnh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết, khi tới vụ thu hoạch xoài, cam, ông chỉ chờ khách hàng chính là thương lái từ Hà Nội hay Hải Phòng. Ông nói rằng, nếu không có kênh thu mua này thì không biết cây ăn trái bán cho nhà phân phối nào. Nếu bán lẻ ở các chợ thì có khi chưa hết vườn cây đã chín rục. Còn hệ thống siêu thị thì chưa đặt chân tới để chào bán sản phẩm.

Người thu mua là nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu hay chế biến có cái nhìn hoàn toàn khác hẳn.  Phía nhà phân phối cho rằng, nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng do nông dân làm ra là khá cao.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã Thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) cho biết, rau quả và trái cây bán rất chạy trong hệ thống chuỗi siêu thị CoopMart.

Tại nhiều diễn đàn về xuất khẩu trái cây, TS Võ Mai, nguyên Chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam nhấn mạnh rằng, đầu ra trái cây còn nhiều nhưng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu đơn hàng từ nhà nhập khẩu nước ngoài. Thị trường cần nguồn nguyên liệu lớn, chất lượng đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Nhưng sản xuất trong nước còn nhỏ bé, manh mún, chất lượng chưa đồng đều. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit cho biết, Công ty phải nhập khoai lang để làm nguyên liệu phục vụ cho chế biến, bởi sản lượng khoai trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của công ty.

Sản phẩm sạch cũng là vấn đề nan giải. Thị trường mong muốn sản phẩm phải an toàn cho người tiêu dùng. Để hạn chế rủi ro trong kinh doanh, Saigon Coop đưa ra hai hệ tiêu chuẩn cho rau quả và trái cây. Theo đó nông sản để được vào hệ thống siêu thị phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về trồng trọt, độ an toàn và phù hợp cả kích thước.Và Saigon Co.op có chương trình hỗ trợ nông dân đầu tư dây chuyền đóng gói.

Còn theo ông Viên, hiện nông dân chỉ mới bán được 20-30% giá trị của sản phẩm. Nếu muốn gia tăng giá trị sản phẩm hơn nữa thì nông dân phải có sự tương tác với doanh nghiệp. Sản phẩm nông dân làm ra nếu có sản lượng lớn, chất lượng tốt, đồng đều thì không lý do gì thị trường không chấp nhận và gắn với thương hiệu doanh nghiệp thì sản phẩm ấy “trôi” tốt trên thị trường.

Vị giám đốc này cũng cho biết, sắp tới Vinamit sẽ thành lập Công ty tư vấn để làm nhiệm vụ tương tác giữa nông dân và doanh nghiệp. Bộ phận tư vấn này sẽ giúp lấy lại giá trị gia tăng cho nhà nông, nhất là nhà nông chưa tiếp cận được với thị trường.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, thị trường cần sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Hiện GAP (tiêu chuẩn về canh tác nông nghiệp tốt, an toàn, truy nguyên được nguồn gốc) là thách thức đối với người sản xuất Việt Nam, do tập quán sản xuất cũ còn manh mún, nhiều giống cây không đạt chuẩn, lạm dụng thuốc trừ sâu chưa thể dứt bỏ, công nghệ sau thu hoạch yếu kém.

Hiện cả nước có rất ít sản phẩm đạt chứng nhận GAP. Việt Nam có hơn 325 tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhưng chỉ hơn 100 tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ngành hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế khu vực.

Theo ông Viên, giải pháp tháo gỡ khó khăn đầu ra cho sản phẩm nông dân là cần hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh và sản xuất chuyên môn hóa. Điều này tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thứ hai, cần đầu tư cao hơn cho công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến và chuyển dần từ xuất khẩu thô, sơchế sang sản phẩm công nghiệp và tinh chế.

Đối với đầu ra, cần có hệ thống phân phối rộng khắp, đưa sản phẩm tốt tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng hơn. Đồng thời tăng cường các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu để các doanh nghiệp sản xuất chỉ tập trung khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm...