09:36 31/08/2015

13.000 doanh nghiệp ra đời trong 50 ngày đầu hai luật mới

Bảo Quyên

Theo Luật Đầu tư mới, cái gì cấm thì Nhà nước công bố, cái gì không cấm thì doanh nghiệp được tự do kinh doanh

Liên quan đến việc chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, nghị định hướng dẫn ra chậm vì có 
nhiều lý do.
Liên quan đến việc chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, nghị định hướng dẫn ra chậm vì có nhiều lý do.
50 ngày đầu tiên kể sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ 1/7 vừa qua, số doanh nghiệp đăng ký mới là hơn 13.000, tăng tới 73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 30/8.

Ông cho biết, hiện trung bình doanh nghiệp mới chỉ mất khoảng 2,6 ngày để đăng ký thành công, chưa đến 3 ngày theo quy định.

Bộ trưởng cũng liệt kê một số nguyên nhân chính mà theo ông đã tác động tích cực đến con số doanh nghiệp thành lập mới, đó là kinh tế phục hồi, môi trường vĩ mô ổn định, thủ tục tham gia thị trường minh bạch, ổn định hơn.

Cũng tại chương trình này, người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư đã giải đáp nhiều băn khoăn của doanh nghiệp xung quanh vấn đề về thủ tục đăng ký, cấp phép kinh doanh, sử dụng con dấu…

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiện nay, trong luật này vẫn quy định chúng ta cần có con dấu, muốn bỏ dấu phải đợi các bước tiếp theo, vì hiện đang có nhiều văn bản ngoài Luật Doanh nghiệp vẫn yêu cầu sử dụng con dấu trong chứng thực, văn bản pháp lý.

Vì vậy, phải dần dần điều chỉnh các văn bản đó, đồng thời cũng cần thời gian để các doanh nghiệp làm quen với các văn bản mới, vì bản thân các doanh nghiệp bạn hàng, cơ quan Nhà nước khi không có dấu đóng thì cảm thấy không được bảo đảm tính pháp lý.

Liên quan đến việc chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Bộ trưởng Vinh cho biết, nghị định hướng dẫn ra chậm vì có nhiều lý do.

Ông nói: “Chúng ta đã lựa chọn phương pháp “chọn bỏ”, có nghĩa là cái gì cấm thì Nhà nước công bố, cái gì không cấm thì doanh nghiệp được tự do kinh doanh. Cho nên các bộ, ngành và cơ quan soạn thảo phải lọc ra có bao nhiêu ngành nghề cấm, có bao nhiêu ngành nghề có điều kiện, còn lại là tự do kinh doanh. Đây là một công cuộc rà soát khổng lồ, đòi hỏi phải tiến hành rất cẩn thận”.

“Nếu rà soát không cẩn thận thì có những ngành, nghề rất nguy hiểm lại bỏ lọt, để kinh doanh thoải mái thì gây nên hậu quả cho xã hội. Cho nên, chúng tôi đã phải làm việc với 16 bộ, ngành Trung ương nên để khớp lại với nhau. Đây là quá trình rất căng thẳng”, ông Vinh kể.

“Tôi nghĩ là trong tháng 9 thì sẽ ban hành được những nghị định này”, Bộ trưởng dự kiến.

Đối với phản ánh “phép chồng phép” khi Luật Đầu tư mới có hiệu lực, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lý giải, trước đây, giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy đăng ký doanh nghiệp là ghép với nhau, nhưng do hai cơ quan cấp. Việc cấp giấy đăng ký doanh nghiệp rất đơn giản và chỉ do phòng đăng ký kinh doanh của các sở kế hoạch và đầu tư cấp, trưởng phòng ký, áp dụng phương pháp hậu kiểm.

Còn giấy phép đầu tư do sở xem xét, hoặc là các ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế thậm chí chủ tịch UBND tỉnh ký cấp phép cho các dự án lớn. Thậm chí các dự án lớn hơn còn phải do Thủ tướng và Quốc hội quyết.

Vì vậy, nếu để chung với nhau sẽ có bất cập là nếu điều chỉnh một nội dung ở bên nào thì phải chờ lâu. Cho nên bây giờ phải tách ra, thời gian cấp giấy đăng ký kinh doanh chỉ có 3 ngày, thay vì trước đây là 6-7 ngày. Giấy chứng nhận đầu tư trước quy định 45 ngày, bây giờ chỉ còn tối đa không quá 15 ngày. Như vậy, nếu làm cả hai thủ tục chỉ hết tối đa là 18 ngày.

“Thứ hai, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải đáp ứng yêu cầu là đã đầu tư vào Việt Nam thì phải có dự án, không thể vào cứ thành lập doanh nghiệp rồi không có dự án gì cả. Trong quá trình đàm phán tham gia TPP, chúng tôi có trao đổi với phía Hoa Kỳ và họ cũng nói rằng quyền đấy là của mỗi quốc gia, và làm như vậy là đúng”, ông nói.