10:33 11/03/2021

Đổi mới tư duy quản lý nhà nước: Chuyển từ "dễ" quản lý sang "dễ" doanh nghiệp

Anh Nhi

Grab và Đề án kinh tế chia sẻ là những ví dụ rất hữu ích, cho thấy đổi mới quản lý nhà nước cần xuất phát từ đổi mới tư duy, nâng cao năng lực và hoàn thiện thể chế

Đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước trong kinh tế theo hướng chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm là mục tiêu của Đề án "Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế" vừa được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thiện, trình trước ngày 20/3.

Được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng từ năm 2019, Đề án là một trong các nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

SỨC ÉP LÊN TƯ DUY "NGHIỆN QUẢN LÝ" 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW, đến nay khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển mạnh cả về chất và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân có tỷ trọng đóng góp vốn và tài sản cao hơn so với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và đang dần chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong nền kinh tế.

Niên giám thống kê năm 2018 cũng ghi rõ: đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước vào tổng số vốn sản xuất của khu vực doanh nghiệp tăng gấp 3 lần từ 5.451,7 tỷ VND năm 2010 lên 16.115,7 tỷ VND năm 2017. Nói cách khác, khoảng 495 tỷ USD đã được các doanh nghiệp Việt Nam huy động và đưa vào nền kinh tế chỉ trong vòng 7 năm, trung bình tương đương hơn 70 tỷ USD mỗi năm. Con số này vượt xa số vốn FDI hàng năm đăng ký và thực hiện và nguồn vốn ODA được giải ngân tại Việt Nam trong cùng giai đoạn. Tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp tư nhân không ngừng tăng lên, từ 27% năm 2016 lên 37,51% năm 2019, đứng trên cả khu vực doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân còn có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, làm hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu khi làn sóng chuyển đổi số, công nghệ và năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp đang được đẩy mạnh.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ từ những thay đổi đột phá trong phương thức quản lý nhà nước. "Quản lý nhà nước không chỉ được tiếp cận theo hướng "từ trên xuống" mà còn được kết hợp hiệu quả với cách tiếp cận "từ dưới lên" thông qua việc tiếp thu phản ánh của doanh nghiệp, ý kiến chuyên gia đã tạo ra sức ép rất lớn lên tư duy "nghiện quản lý" của các cơ quan quản lý", ông Hiếu cho biết.

Mặc dù đã có những bước tiến mới, song theo ghi nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân còn đối mặt với không ít rào cản. Chẳng hạn, Luật Đầu tư năm 2014 xác định cụ thể 6 ngành, nghề cấm kinh doanh và 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Năm 2016, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, trong đó quy định có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Với 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lại có tới 6.191 điều kiện kinh doanh.

Hay những vướng mắc của thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự thường được cho là nguyên nhân chính cản trở sự đồng thuận đối với cải cách pháp luật phá sản, bên cạnh các vấn đề tồn tại trong quy định và việc thực hiện giao dịch có bảo đảm ở Việt Nam dẫn đến tình trạng tài sản bảo đảm có mà không thể thu hồi hết giá trị. Hay như trường hợp Grab và Đề án kinh tế chia sẻ là những ví dụ rất hữu ích, cho thấy đổi mới quản lý nhà nước cần xuất phát từ đổi mới tư duy, nâng cao năng lực và hoàn thiện thể chế...

CHUYỂN SANG "DỄ" CHO DOANH NGHIỆP 

Với thực tế này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đề án được xây dựng nhằm đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế; để kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo đó, Đề án tập trung vào chức năng quản lý và phát triển kinh tế có tính chất tổng hợp, liên ngành thuộc nhóm cơ quan hành pháp, bao gồm: các chức năng: định hướng, quy hoạch và điều tiết phát triển kinh tế; tạo lập khung khổ pháp luật, môi trường thể chế cho phát triển kinh tế; can thiệp gián tiếp vào đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp và phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế; thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.

Bởi theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự hiểu những chi phí do quy định của mình tạo ra. Đó là ngoài chi phí cho doanh nghiệp (như chi phí tuân thủ pháp luật, thủ tục hành chính, chi phí kinh tế để đáp ứng điều kiện) - vốn lại thường được chuyển vào giá sản phẩm do người tiêu dùng trả, thì việc tổ chức và vận hành bộ máy quản lý nhà nước cũng có những chi phí hiện hữu và chi phí cơ hội. Đó là chưa kể đến chi phí tiềm ẩn nếu xét rằng sự giảm sút về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng là một loại chi phí, cho cả nền kinh tế.

Đổi mới tư duy quản lý nhà nước: Chuyển từ "dễ" quản lý sang "dễ" doanh nghiệp - Ảnh 1Tư duy quản lý nhà nước phải thay đổi từ cách quản lý theo hướng truyền thống là giành phần "dễ quản lý" cho cơ quan nhà nước sang dành phần "dễ" cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ngoài ra, nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra "tác động ngược của lạm dụng quy định quản lý". Đó là các nước có nhiều quy định lại là những quốc gia nghèo, tình trạng tham nhũng phổ biến và hiệu lực tuân thủ quy định kém nhất.

Bên cạnh đó, việc có nhiều quy định chỉ tạo điều kiện cho kinh tế ngầm phát triển do các chủ thể kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nản lòng trong việc tuân thủ những quy định không rõ ràng hoặc không thể đáp ứng được. Những quy định quá chặt hoặc gây chi phí quá nhiều cho tuyển dụng chính thức chỉ dẫn đến tình trạng lao động chui, ký hợp đồng ngắn hạn, mùa vụ và do đó người lao động lại trở nên không được bảo vệ.

"Vì vậy, cơ quan cơ quan quản lý cần phải đổi mới tư duy và nâng cao năng lực để đi theo, bắt kịp những tiến bộ công nghệ của thế giới vì lợi ích chung của xã hội; cạnh tranh lành mạnh lúc này được hiểu là "dễ thì cùng dễ" hơn là ngược lại. Kết quả là, Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội sẽ ở trong thế cùng kéo nhau đi lên thay vì kìm hãm lẫn nhau", ông Hiếu nhấn mạnh.

Chỉ đạo về đề án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cơ quan soạn thảo lưu ý phạm vi, nội dung của đề án cần bám sát yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW. Đồng thời, đề án phải bảo đảm mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, tôn trọng quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm các quyền về tài sản, quyền kinh doanh hợp pháp, quyền con người, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực, niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Thủ tướng yêu cầu và lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện, trình đề án này lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2021.