17:45 23/01/2022

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 4-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 4 phát hành ngày 24/1/2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Với giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 lên tới 658.009 tỷ đồng, kênh trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành trụ cột thực sự của dòng vốn trung dài hạn trên thị trường, đóng góp vào việc chia sẻ bớt gánh nặng đối với hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, như hai mặt của đồng xu, nhìn lại tổng thể bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhiều năm qua, đã bộc lộ không ít rủi ro đối với nhà đầu tư.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4-2022
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4-2022

Trong đó, nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhưng lại “lờ mờ” đó là “trái phiếu ngân hàng” và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp nhưng được ngân hàng bảo lãnh thanh toán trong khi trên hợp đồng là đại lý phát hành. Trong khi, theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng thì ngân hàng thương mại không được thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.

Hay thậm chí, có những doanh nghiệp đã hết dư địa tiếp cận tín dụng và hầu như không còn tài sản bảo đảm cho các khoản vay mới khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã dựng lên những công ty rỗng ruột phát hành “cổ phiếu rác” để làm tài sản bảo đảm khi phát hành trái phiếu.

Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết và không có điều kiện tiếp cận thông tin một cách đầy đủ về nhà phát hành trong bối cảnh bị mồi nhử lãi suất cao thu hút, đã khiến cho giới phân tích nhìn nhận hiện tượng trên tiềm ẩn rủi ro,  là “bom nổ chậm”, sẽ gây bất ổn đối với thị trường tài chính, nhất là vào thời điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp...

Sau hơn một năm áp dụng Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về “chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế”, cơ quan quản lý đã phải tiến hành sửa đổi một số quy định tại Nghị định 153 do những diễn biến quá nhanh của thị trường mà quy định chưa bao quát được. 

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, 24/1/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm: "Phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Quản đến mức nào?" để ghi nhận những quan điểm từ cơ quan quản lý, những đề xuất kiến nghị từ Hiệp hội thị trường trái phiếu,  ngân hàng, công ty quản lý quỹ, những phân tích đến từ những chuyên gia xung quanh dự thảo sửa đổi Nghị định 153. 

Các bài viết bao gồm:

Sửa Nghị định 153: Cẩn trọng nếu không muốn cỗ xe dừng đột ngột. Chỉ sau chưa đầy  năm thực hiện, những diễn biến nhanh chóng của thị trường đã khiến Bộ Tài chính phải tiến hành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP với nội dung siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tại dự thảo sửa đổi lần này, cơ quan quản lý dự liệu nhiều tình huống hơn, theo hướng chặt chẽ hơn, nhằm phản ánh đúng chất lượng hàng hóa và hướng dòng tiền đến đúng đích. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, một số điều khoản có vẻ như sẽ gây cản trở, tắc nghẽn thị trường. (Đào Hưng).

- Trái phiếu doanh nghiệp liệu sẽ “ngủ đông”? Sau suốt một thời gian bùng nổ với giá trị phát hành kỷ lục hơn 650.000 tỷ đồng, trái phiếu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Cơ quan quản lý nhà nước vì thế rục rịch ban hành những quy định nhằm siết chặt lại kênh này, tránh có những quả bom nổ tung gây hệ lụy là đổ vỡ cả nền kinh tế. Tuy nhiên, hàng loạt các nghị định đã, đang và sắp ban hành liệu có khiến thị trường đổ gục, kênh trái phiếu “ngủ đông” và doanh nghiệp cạn đường gọi vốn? (Kiều Linh).

- Vỡ nợ trái phiếu khi nào xảy ra? Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tiếp tục leo dốc, đạt kỷ lục trên 650.000 tỷ đồng, nhưng những chỉ dấu về “sức khỏe” thị trường đang tụt dốc trong khi thời điểm đáo hạn cận kề. Các chuyên gia tài chính cho rằng, nếu những “lỗ hổng” thị trường không được vá lấp kịp thời, những vụ vỡ nợ trái phiếu không thể tránh khỏi. (Ánh Tuyết).

- Để trái phiếu là một kênh dẫn vốn quan trọng. Phải thừa nhận trái phiếu đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của doanh nghiệp và nền kinh tế với giá trị phát hành kỷ lục 637.000 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 48% so với năm 2020. Tuy nhiên, cũng như hai mặt của đồng xu, rủi ro với trái phiếu ngày càng gia tăng khi mà điểm rơi đáo hạn 1,2 triệu trái phiếu sẽ diễn ra trong vòng 2 năm tới, trong đó riêng bất động sản chiếm đến 65%. Để lường trước những bất ổn cho vĩ mô, Bộ Tài chính mới đây đã lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về “chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế”. Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các thành viên trong thị trường với mục tiêu duy nhất là hướng đến một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển trở thành trụ cột vững chắc và là kiềng ba chân trong thị trường vốn Việt Nam. (Kiều Linh – Ánh Tuyết – Đào Hưng).

Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:

- Bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2021 và dự báo năm 2022. Năm 2021 là tiền đề quan trọng giúp nền kinh tế hồi phục và bật tăng mạnh mẽ trong năm 2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho đời sống kinh tế - xã hội, Việt Nam cần tiếp tục đưa ra và thực thi những chính sách, biện pháp trúng, đúng, kịp thời hơn nữa... (TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV).

- Hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”. Phát biểu kết luận Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. (Huyền Vy).

- Một năm Quốc hội đổi mới, chủ động và quyết đoán. Đã gần một năm Quốc hội khóa 15 thực hiện nhiệm vụ của mình với tinh thần: Không “bắc nước sôi chờ gạo người”. Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cho rằng với tinh thần đó Quốc hội đã tạo nên những dấu ấn nổi bật về các quyết sách, lập pháp, giám sát ngay trong những phiên họp đầu tiên… (Lý Hà thực hiện).

- Một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Hiệu quả của các cơ sở dữ liệu nói chung, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phụ thuộc vào quá trình ứng dụng trong thực tế. 

Không khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng công phu, tốn kém, là một lãng phí lớn. (Nguyễn Quốc Uy).

- Động lực nào cho lợi nhuận ngân hàng năm 2022? Không chỉ tăng trưởng nhờ kỳ vọng của các chính sách hỗ trợ từ tài khóa đến tiền tệ giúp cho các điều kiện kinh doanh toàn ngành được cải thiện, mà các ngân hàng còn có động lực từ những câu chuyện riêng. Giới chuyên môn cho rằng, ngành ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022. Đặc biệt, sự bứt tốc đáng kể sẽ xuất hiện từ quý 2 khi nền kinh tế trở về quỹ đạo vốn có. (Đào Vũ).

- Thị trường bất động sản kỳ vọng nhiều điểm sáng. Năm 2021, thị trường bất động sản đã chứng kiến diễn biến trái chiều của các phân khúc. Trong khi bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp tăng về giá và sôi động về giao dịch thì phân khúc mặt bằng bán lẻ, khách sạn, văn phòng… lại có chiều hướng trầm lắng. Bước vào năm 2022, diễn biến trên thị trường như thế nào đang là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư. (Phan Nam).

- Năm Dần, cẩn trọng với những cổ phiếu “nóng’’ trên lưng Cọp. Đà tăng của chỉ số VN-Index của sàn HOSE trong hai năm 2020 và 2021 là điều bất ngờ. Tuy nhiên, đà tăng này “chưa là gì” nếu so với HNX-Index của sàn HNX. Dù giảm mạnh trong những phiên gần đây song HNX vẫn chưa bị coi là rơi vào thị trường con gấu (bear). HNX-Index và các cổ phiếu penny đã được đẩy lên ở mức quá cao? (TS. Võ Đình Trí, Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School và AVSE Global).

- Huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và startup. Doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) là đối tượng gặp khá nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư để khởi nghiệp và mở rộng sản xuất. Việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách rõ ràng nhằm điều chỉnh việc huy động vốn và thúc đẩy vai trò các quỹ đầu tư sẽ là một giải pháp hữu ích cho vấn đề này trong thời gian tới. (Kiều Mai).

- Những chuyển biến trong hệ sinh thái Blockchain. Từng khởi nghiệp và nhiều lần thất bại, Phan Thanh Tùng, đồng sáng lập của Moon Knight Labs, vẫn tiếp tục “đặt cược” vào hành trình mới với Blockchain và NFT. Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Phan Thanh Tùng cho biết “trái ngọt” đầu tiên đến khi đơn vị do nhà sáng lập này dẫn dắt đã gọi vốn vòng Seed (hạt giống) thành công 2,4 triệu USD cho dự án Faraland mới đây. (Thu Hoàng thực hiện).

- Ngành nông nghiệp xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng. Tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng hạ tầng cơ bản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý được đánh giá là thuộc nhóm giải ngân cao của cả nước trong năm 2021. Tuy nhiên trong số 288 dự án thuộc Bộ này được giao nhiệm vụ phải hoàn thành trong giai đoạn 2016 – 2020 thì đến nay vẫn còn 42 dự án chưa hoàn thành. (Quảng Tuệ).

- Ngành mía đường đang bị dồn vào “chân tường”. Năm 2021, nhập khẩu đường tăng rất mạnh và đạt hơn 1,7 triệu tấn, qua đó tạo nên những kỷ lục mới về lượng và giá trị trong nhập khẩu đường. Trong khi đó, ngành mía đường Việt Nam đang có xu hướng giảm, diện tích trồng mía giảm từ hơn 274.000 ha trong vụ 2016/2017 xuống còn gần 151.000 ha hiện nay, tương đương mức giảm trên 45%, cho thấy ngành mía đường trong nước ngày càng thất thế, đang bị dồn vào “chân tường”. (Chu Khôi).

- “Nhức nhối” tiêu cực trong vận tải đường bộ. Cán bộ, công chức nhà nước sách nhiễu, ăn hối lộ của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong vận tải đường bộ diễn ra ngày càng “nhức nhối” với 63,16% doanh nghiệp chấp nhận trả “chi phí không chính thức” để giảm phiền hà. Gần đây nhất, vụ việc “làm luật” để sớm thông quan ở cửa khẩu Lạng Sơn vừa được phanh phui. (Ánh Tuyết).

- Sửa luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thiết thực, hiệu quả. Sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở thời điểm này là thực sự cần thiết, song nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng luật và khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng cần tập trung vào các vấn đề mà các luật khác chưa điều chỉnh, xử lý như vậy sẽ hiệu quả hơn. (Vũ Khuê).

- Ngân hàng trung ương mới là nhân tố ảnh hưởng tới kinh tế thế giới. Thế giới đang trải qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 lớn nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu cách đây gần 2 năm, nhưng giới phân tích cho rằng virus Sars-CoV2 sẽ không phải là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Thay vào đó, sự dịch chuyển chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn mới chính là lực lượng giữ vai trò chi phối. (An Huy).