22:11 24/10/2021

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 68-2021

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 68 phát hành ngày 25-10-2021với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Ngày 1/9/2021 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, từ nay đến năm 2030, dự kiến hoàn thành đầu tư trên 5.000 km đường bộ cao tốc, với số vốn khủng ước tính trên 29 tỷ USD.

Cùng với việc đặt mục tiêu nàyy, Quy hoạch cũng đồng thời mở ra cơ hội thu hút đầu tư từ mọi nguồn lực, chủ yếu theo phương thức đối tác công tư (PPP) và ngân sách nhà nước tham gia vào dự án với vai trò "vốn mồi".

Kinh tế Việt Nam bộ mới số 68-2021
Kinh tế Việt Nam bộ mới số 68-2021

Thực tế cho thấy, cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc và bất cập, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến phân cấp đầu tư, đầu tư theo hình thức PPP, cơ chế chia sẻ rủi ro, nguồn vốn tín dụng dài hạn chưa được khơi thông, dẫn đến việc khó huy động tối đa mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, do đó nguồn lực chủ yếu dựa vào ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, hiện nguồn vốn ngân sách nhà nước không còn dồi dào, chỉ phân bổ trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các dự án PPP và chỉ đầu tư những dự án không huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại đều thận trọng cho vay mới các dự án BOT vì lo ngại những khoản nợ xấu BOT ngày càng “phình to”.

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai - ngày 25/10/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 68-2021 dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho câu chuyện tìm lời giải cho bài toán huy động vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực giao thông, tài chính, ngân hàng.

Các bài viết bao gồm:

- Mở kênh tiếp cận vốn cho các dự án giao thông. P/v ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải. Theo Quy hoạch đường bộ vừa được phê duyệt tại Quyết định 1454, Việt Nam cần hoàn thiện 5.000 km đường bộ cao tốc với số vốn đầu tư lên tới 29 tỷ USD. Để giải quyết bài toán vốn, các dự án dự kiến được triển khai theo hình thức đối tác công – tư (PPP), trong đó vốn nhà nước có vai trò “vốn mồi” để hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân. (Vy Vy thực hiện).

- Tìm vốn khủng cho 3.800 km đường cao tốc không dễ dàng. Tham vọng xây dựng 3.800km đến năm 2030 với nhu cầu vốn “khủng”, gấp đôi 10 năm trước đó, lên tới 813 nghìn tỷ đồng và khối lượng công việc gấp 3 lần không hề dễ dàng. Trong khi đó, tín dụng ngân hàng chạm ngưỡng, ngân sách eo hẹp, kênh hút vốn mới từ trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều hoài nghi… (Ánh Tuyết).

- Hạn chế ảnh hưởng của “quả bóng nợ” BOT, BT giao thông. Cho vay các dự án BOT, BT giao thông luôn được ngành ngân hàng đánh giá là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần phải kiểm soát chặt chẽ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục phát đi cảnh báo gửi đến các ngân hàng thương mại về phân khúc này. (Đào Vũ).

- Mô hình PPP cần được thay đổi để thu hút vốn quốc tế. P/v ông Shigeyuki Sakaki, Điều phối viên giao thông của World Bank tại Việt Nam. Đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo đó, mục tiêu huy động 29 tỷ USD để hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc sẽ khả thi khi Việt Nam sử dụng hiệu quả vốn ODA, vốn từ khu vực tư nhân và những “sáng kiến” thu hút đầu tư khác. (Ngọc Lan - Phương Hoa thực hiện).

-  Khơi thông dòng vốn cho dự án đường bộ cao tốc. Hiện có nhiều dự án đường cao tốc hoàn thiện phương án khả thi nhưng đang bế tắc nguồn vốn, có thể dẫn đến việc thực hiện các mục tiêu Chính phủ đặt ra trở nên khó khăn. Để giải quyết bài toán tài chính tổng thể và phân kỳ, cũng như khơi thông các vướng mắc, a/b đã tổ chức đối thoại chuyên đề: “Giải pháp tài chính đầu tư đường bộ cao tốc – Lựa chọn kênh tiếp cận” và ghi lại những ý kiến đề xuất của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp. (Đào Hưng – Kiều Linh – Ánh Tuyết thực hiện).

Và nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:

- Nền kinh tế đủ sức bật dậy, nếu… Xét tổng thể về nội lực, nền kinh tế nước ta vẫn đủ sức bật dậy từ “trận ốm Covid-19” năm 2021 để phát triển theo định hướng các chỉ tiêu mà Chính phủ dự kiến cho năm 2022, nếu dịch bệnh không bùng phát trở lại, hoặc giả thử có bùng phát trở lại mà chúng ta có đủ khả năng và kinh nghiệm để kiểm soát sớm. . (Nguyễn Quốc Uy).

- Thách thức tăng trưởng kinh tế là rất lớn. Việt Nam không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp chống dịch cực đoan được nữa. Triển vọng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ an sinh xã hội và thúc đẩy đầu tư công cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi trong thời gian tới. (Chu Khôi).

- Có cần nới trần nợ công? Nợ công vẫn còn cách ngưỡng an toàn khoảng 16% GDP nếu tính theo GDP mới năm 2020, vì vậy, chưa cần thiết phải nâng mức trần nợ công. Quan trọng là phải đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, hấp thụ vốn tốt, đảm bảo hiệu quả vốn vay. Từ đó, đảm bảo khả năng trả nợ, an toàn nợ công và an toàn tài chính quốc gia. (PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính).

- Tranh cãi xung quanh Quy hoạch điện 8. Bộ Công Thương khẳng định, Quy hoạch điện 8 đã đánh giá một cách toàn diện những tác động đối với việc đảm bảo an ninh cung cấp điện khi xem xét tỷ lệ giảm dần khác nhau của các nguồn điện than. Tuy nhiên, 10 liên minh, tổ chức đại diện cho hơn 200 nhà khoa học Việt Nam không đồng tình và cho rằng bản quy hoạch này đi ngược xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. (Nguyễn Mạnh).

- Xây dựng chiến lược tổng thể ngành công nghiệp hóa chất. Tốc độ phát triển trung bình ngành công nghiệp hóa chất giai đoạn 2010-2020 ước khoảng 10%. Ngành này cùng với chuỗi cung ứng trực tiếp liên quan đã đóng góp khoảng 11,2% giá trị sản lượng công nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển chung của toàn ngành, cơ cấu ngành về sản phẩm và vùng lãnh thổ vẫn còn chưa hợp lý. Vì vậy, thời gian tới phải có chiến lược tổng thể, toàn diện để khắc phục những vấn đề này. (Huyền Vy).

- Proptech hứa hẹn sẽ là cuộc cách mạng trong bất động sản. Trước bối cảnh đại dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ để tiếp cận người tiêu dùng, bán hàng là “chìa khóa” để các ngành trong đó có bất động sản vượt khó. Tuy nhiên, với một lĩnh vực đặc thù như bất động sản, liệu việc bán hàng online qua app, ứng dụng công nghệ bất động sản (proptech) có thay thế được mô hình kinh doanh truyền thống và liệu đây sẽ là cuộc cách mạng trong bất động sản hậu Covid-19? (Đỗ Phong).

- Thách thức với thương mại điện tử trong bối cảnh bình thường mới. Rất nhiều tín hiệu đáng mừng về sự phát triển của thương mại điện tử trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng sẽ phải đối phó với các thách thức rất lớn. Có thể nói rằng trong bối cảnh bình thường mới tới đây, thương mại điện tử cũng có sự thay đổi toàn diện để duy trì đà tăng trưởng và phát triển, với các thách thức lớn sau. (TS. Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc Chương trình cao học IDT, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM).

- Cần nhiều nỗ lực để “rã đông” du lịch. Sau thời gian “đóng băng” kéo dài, một số địa phương đã bắt đầu đón khách du lịch nội tỉnh và cũng đã có những đoàn khách liên tỉnh đầu tiên. Dù vậy, lộ trình đón du khách trở lại, nhất là khách liên tỉnh, vẫn còn nhiều khó khăn. (Lưu Hà).

- Công nghệ giúp ngủ ngon: Đáng dốc tiền đầu tư. Áp lực từ cuộc sống, công việc và cả đại dịch Covid-19 đã khiến việc mọi người ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày trở nên rất khó thực hiện. Chính điều này đã thúc đẩy một lĩnh vực mới xuất hiện, được gọi là “ngành kinh tế ngủ” (sleepenomics) phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. (Hoài Phương).

- Khẩn trương giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời điểm này đã phần nào giúp người lao động giải tỏa áp lực, yên tâm ổn định cuộc sống, chuẩn bị trở lại thị trường lao động. Đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành trong cả nước đặt ra. (Tuấn Dũng).

- Singapore tái siết giãn cách khi chuyển sang “sống chung với Covid”. Vaccine từng được cho là “tấm vé” để các quốc gia vượt qua đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mọi thứ ở Singapore đã không diễn ra theo đúng kế hoạch. (An Huy).