Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23 -2022
Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23 phát hành ngày 06-06-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Những tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng như thu ngân sách 5 tháng tăng 18,7%, xuất nhập khẩu tháng 5 tăng 14,5% so với cùng kỳ. FDI thực hiện 5 tháng tăng 7,8%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tăng 10,4%.
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đạt 98.600 doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 22,6% so với cùng kỳ.
Khách quốc tế tháng 5 tăng hơn 70% so với tháng trước, 5 tháng tăng 350% so với cùng kỳ. Các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm đang được từng bước giải quyết chắc chắn, hiệu quả.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được S&P nâng bậc tín nhiệm dài hạn kể từ đầu năm đến nay. S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Tổ chức này đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát Covid-19.
Tuy nhiên tình hình kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn.
Trong số báo ra sáng thứ Hai, ngày 6-6-2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn chuyên mục “Tiêu điểm” cho câu chuyện "Kinh tế xã hội trong 5 tháng đầu năm 2022".
Các bài viết bao gồm:
-Tình hình kinh tế - xã hội qua “lăng kính” Quốc hội. Xem xét, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn để định ra đường hướng phát triển đất nước theo chiến lược Đảng đã thông qua luôn là một trong những nội dung quan trọng nhất thuộc chương trình nghị sự của mỗi kỳ họp Quốc hội. Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 23/5 và dự kiến bế mạc ngày 16/6/2022, đã dành trọn 2 ngày đầu tiên của tháng 6 này cho nội dung nói trên mà trọng tâm thảo luận là báo cáo của Chính phủ về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022. (Nguyễn Quốc Uy).
-Công nghiệp tiếp tục đối mặt nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất. (Huyền Vy).
- Tăng trưởng xuất khẩu: Đeo đẳng nỗi lo phụ thuộc. Sau 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ này, xuất khẩu cả năm 2022 có khả năng sẽ phá “kỷ lục” 336,25 tỷ USD đã được xác lập năm 2021. Tuy vậy, đây là mục tiêu không hề dễ dàng, bởi phía trước vẫn còn nhiều thách thức. (Mạnh Đức).
-Giỏ hàng hoá và lạm phát tăng gây khó khăn cho nền kinh tế. Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là nguyên nhân chủ yếu đẩy CPI tháng 5/2022 tăng 0,38%. Nhiều lo ngại thời gian tới kinh tế trong nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn, sức ép lạm phát tiếp tục tăng. (Song Hà).
-Cần nhanh chóng hiện thực hóa những cam kết đầu tư. Là thị trường hấp dẫn nhờ quy mô dân số đông và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. (Anh Nhi).
Và nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:
-Để giảm bớt mức biến động của giá xăng dầu trong nước:Cần thay đổi cách định giá. Xăng dầu là một loại hàng hóa có giá luôn biến động, kể cả khi một quốc gia có khả năng chủ động nguồn cung. Hầu như không nước nào thả nổi hoàn toàn giá xăng dầu vì đây là một mặt hàng hết sức thiết yếu. Nhưng cũng không thể áp đặt và không nên áp đặt những biện pháp can thiệp tốn kém nhiều chi phí và làm méo mó, kéo dài sự vận hành bình thường của thị trường xăng dầu, ngoại trừ những tình huống bất khả kháng, trong một khoảng thời gian ngắn, với nguồn lực cho phép. (TS. Lê Đức Thúy, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
- Thủ tướng đối thoại với nông dân: Tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn. Với nhiều khó khăn, vướng mắc của nông dân liên tục nảy sinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần phải thường xuyên tổ chức đối thoại với nông dân để phân cấp, giải quyết các vấn đề liên quan nông thôn, nông nghiệp, nông dân kịp thời, phù hợp với địa phương. (Chu Khôi).
-Chuyển mình và giữ vị thế tạp chí kinh tế hàng đầu. Mặc dù trong quá trình chuyển mình của Thời báo Kinh tế Việt Nam sang Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã có những “nốt trầm”, những xáo động, nhưng tờ báo đã vượt qua được khó khăn, vươn lên với một động lực phát triển mới, đi đầu trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, duy trì vị thế là tờ tạp chí hàng đầu về kinh tế của Việt Nam. (Nhĩ Anh).
-Hoàn thiện hành lang pháp lý và công cụ xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước dự báo, nếu Nghị quyết 42 không được gia hạn, số nợ xấu xác định theo “bảo bối” này có thể lên tới 430 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 443 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2023. Đây là lý do để kỳ họp Quốc hội lần này bàn thảo về đề xuất gia hạn nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, song song với hoàn thiện khung khổ xử lý, cần phát triển thị trường mua bán nợ. (Đào Vũ).
-Nông dân “khốn đốn” với tín dụng đen, vì đâu? Người nông dân có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, thế nhưng khi đến “gõ cửa” các ngân hàng thì đa số phải “ngậm ngùi” quay về, bởi không thể đáp ứng được những tiêu chí, quy định, thủ tục mà ngân hàng đưa ra. “Cực chẳng đã” họ đành chấp nhận vay “tín dụng đen” với lãi suất “cắt cổ”, để rồi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí nhiều người lâm vào cảnh “tán gia, bại sản”. (Chương Phượng).
-Hủy niêm yết bắt buộc và khoảng trống pháp lý. Dính thông tin cổ phiếu có nguy cơ hủy niêm yết, cả doanh nghiệp và cổ đông bị thiệt hại do cổ phiếu rơi vào tình trạng nằm sàn, thanh khoản yếu. Vậy nhưng, hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn vì các điều luật chưa rõ ràng, đặc biệt là sự thiếu vắng quy trình hủy niêm yết… (Đỗ Mến).
-Nhiều lỗ hổng khiến giá nhà đất “sốt” đột biến. Nói về nguyên nhân khiến giá nhà đất liên tục tăng cao, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc khan hiếm nguồn cung thì còn do thị trường bất động sản thiếu minh bạch, môi giới bắt tay “thổi giá” và việc phân lô bán nền còn khá dễ dàng… (Phan Nam).
-Hải Dương: tiềm năng và cơ hội đầu tư FDI. “Phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt”, triết lý phát triển của tỉnh Hải Dương đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh những năm gần đây. (Lý Hà).
-Những dấu ấn sau một năm chuyển đổi số quốc gia. Hơn một năm sau khi Thủ tướng phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả bước đầu rất rõ ràng, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao. Công nghệ số dường như đang lan tỏa và thâm nhập tới mọi hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội của các địa phương, bộ, ngành và Chính phủ. (Nam Anh).
-Đà Nẵng giải quyết các “điểm nghẽn” từ chuyển đổi số. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng hơn một lần cho rằng chuyển đổi số là động lực để giải quyết “điểm nghẽn”, tạo sự đột phá trong phát triển của thành phố. Vậy Đà Nẵng đã, đang giải quyết các “điểm nghẽn” này như thế nào? Công cuộc chuyển đổi số đang mang lại lợi ích gì cho công dân thành phố? Phỏng vấn TS. Nguyễn Quang Thanh, Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số Thành phố Đà Nẵng. (Thủy Diệu thực hiện).
-Lệnh cấm vận dầu Nga của EU gây ảnh hưởng thế nào? Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay của khối này đối với Nga, đó là cấm vận dầu Nga và không cho phép các công ty bảo hiểm cung cấp hợp đồng cho các tàu chở dầu Nga. Động thái này được cho là sẽ đặt ra thách thức mới cho ngân sách và nền kinh tế Nga, nhưng cũng gây ra những tổn thất không hề nhỏ đối với chính châu Âu, thậm chí cả thế giới. (An Huy).
-Tăng giá trị, mở rộng thị phần cho cà phê, chè Việt Nam. Cà phê và chè nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dù các sản phẩm này đã bước đầu hiện diện thành công ở một số thị trường châu Á nhưng vẫn rất cần có chiến lược bài bản làm tăng giá trị chè, cà phê, xuất khẩu bằng thương hiệu riêng để tạo ra đột phá. (Vũ Khuê).
-Doanh nghiệp vận tải trong thế tiến thoái lưỡng nan. Giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa phải tìm mọi cách để vừa hoạt động cầm cự, vừa theo dõi biến động nhằm đưa ra các giải pháp thích ứng kịp thời. (Tuệ Mỹ).
-Cần sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Hướng tới bao phủ bảo hiểm toàn dân. Chế độ hưu trí là cốt lõi của chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động. Lương hưu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp người lao động đảm bảo khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản và có thêm thẻ bảo hiểm y tế (được cấp miễn phí) để chăm sóc sức khoẻ. (Dũng Hiếu).
-Bù đắp nguồn nhân lực thiếu hụt sau đại dịch. Xây dựng môi trường làm việc hòa nhập, văn hóa đa dạng và bao trùm có sự gắn kết chặt chẽ với bình đẳng giới; chính sách quản lý lao động phù hợp, đảm bảo vấn đề tiền lương, phúc lợi và an sinh xã hội, hoặc luôn lắng nghe và thấu hiểu chính người lao động được xem là “chìa khóa” để vực dậy và giữ chân nguồn nhân lực, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn… (Nguyễn Loan – Thu Hằng).
-Đẩy mạnh bình đẳng giới: “Bí quyết” để doanh nghiệp phát triển bền vững. Đại dịch Covid-19 với những tác động nghiêm trọng kéo dài suốt hơn hai năm qua đã khiến lực lượng lao động ở tất cả khu vực kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề. Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp cần những giải pháp để giải bài toán về xây dựng, củng cố và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19, hướng tới mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. (Nguyễn Tuyến – Kiều Linh).