14:06 24/08/2007

Đông Á - Mỹ Latin thúc đẩy hợp tác kinh tế

Quốc Trung

Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latin vừa khai mạc tại Brazil với chủ đề chính là thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên

Hiện nay, FEALAC có 33 thành viên bao gồm 18 nước Mỹ Latin và 15 nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, FEALAC có 33 thành viên bao gồm 18 nước Mỹ Latin và 15 nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước Đông Á và Mỹ Latin; tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại tự do toàn cầu đang bị đình trệ là chủ đề chính trong Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latin (FEALAC) khai mạc ngày 22/8 tại Brazil.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Lula da Silva đề nghị các bộ trưởng kinh tế và các thống đốc ngân hàng trung ương tại hai khu vực "thiết lập truyền thống gặp gỡ nhau để tìm kiếm cách thức đối phó với khủng hoảng".

Tiềm năng hợp tác còn rất lớn

Theo lời Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Aso, mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều giữa các nước Đông Á và Mỹ Latin đã tăng từ 53 tỉ USD năm 1998 lên 183 tỉ USD năm 2007, song giữa hai khu vực còn rất nhiều lĩnh vực có thể hợp tác để cải thiện quan hệ kinh tế, bởi hiện con số nói trên mới chỉ chiếm 3% tổng giao dịch thương mại của các nước Đông Á với toàn thế giới.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng nhất trí rằng FEALAC là một động lực mạnh của nền kinh tế thế giới và có trách nhiệm thúc đẩy các cuộc đàm phán tự do thương mại của WTO cũng như cải tổ Liên hợp quốc. Ngoại trưởng Brazil, Celso Amorim, cho rằng hai khu vực cần hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để phá thế bế tắc trong các cuộc đàm phán WTO.

Được biết nhiều trong số các nước tham dự diễn đàn này là thành viên của G-20, nhóm các nước đang phát triển phản đối mạnh mẽ chế độ bảo hộ nông nghiệp tại Mỹ và châu Âu mà họ cho là không công bằng. Ngày 21/8, trước khi diễn ra cuộc họp của các Bộ trưởng 33 nước tham dự FEALAC, các quan chức cấp cao của các nước nói trên đã nhóm họp để chuẩn bị cho cuộc họp cấp bộ trưởng của Diễn đàn.

Phát biểu tại cuộc họp này, Phó tổng thư ký chính trị Bộ Ngoại giao Brazil Roberto Jaguaribe khẳng định mục tiêu chính của diễn đàn này là củng cố hội nhập khu vực vì mục tiêu thúc đẩy thương mại và mở cửa thị trường giữa Mỹ Latin và các nước Đông Á. FEALAC là một cơ chế đối thoại nên hội nghị sẽ không thảo luận và ký kết bất cứ một hiệp định nào.

Nhân dịp này, FEALAC sẽ chính thức kết nạp thêm một thành viên mới là Cộng hòa Dominica và xem xét đề nghị gia nhập của Honduras. FEALAC ra đời năm 2001 tại Chile với tiền thân là Diễn đàn Đông Á- Mỹ Latin được thành lập năm 1999 theo sáng kiến của cựu Thủ tướng Singapore, Goh Chok Tong.

Những thuận lợi và khó khăn

Hiện nay, FEALAC có 33 thành viên bao gồm 18 nước Mỹ Latin và 15 nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Các nhà phân tích cho rằng, trong vài thập niên gần đây, chưa bao giờ Đông Á và Mỹ Latin lại ở trong thời điểm hợp tác thuận lợi như hiện nay.

Trong những năm 1980, trong khi một số nước Đông Á trở thành những con rồng kinh tế, thì Mỹ Latin bị coi là thất bại trong cải cách và phát triển. Cuối những năm 1990, nền kinh tế Mỹ Latin mới bắt đầu khởi sắc nhờ cải cách kinh tế đúng hướng. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế 1997 làm hạn chế sự hợp tác giữa hai bên nên phải đầu những năm 2000, đặc biệt với sự vươn lên của Trung Quốc, quan hệ kinh tế giữa Đông Á và Mỹ Latin mới thật sự khởi sắc.

Theo báo cáo của WB, khu vực Đông Á sau 10 năm khủng hoảng đã tự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, nhiều nền kinh tế đã có sức cạnh tranh, sáng tạo hơn. Một số nước trong khu vực đã có mức thu nhập trung bình và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trên dưới 10% như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam...

Uỷ ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribê (CEPAL) vừa công bố một báo cáo, dự đoán kinh tế các nước Mỹ Latin và Caribe năm 2007 có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng 5%, trong đó Cuba có tỷ lệ tăng GDP cao nhất, ở mức khoảng 10%. Đứng ngay sau Cuba là Panama với tỷ lệ tăng trưởng 8,5%...

Hợp tác kinh tế Đông Á-Mỹ Latin đang cho thấy nhiều cơ hội hứa hẹn. Mỹ Latin giàu tài nguyên khoáng sản, kim loại, dầu khí, thịt, nông sản và cần hàng tiêu dùng và là thị trường du lịch hấp dẫn. Còn Đông Á đang rất cần tài nguyên, có thể đáp ứng nhu cầu hàng hóa, đầu tư đa dạng của Mỹ Latin và tầng lớp trung lưu Đông Á có nhu cầu tìm những mảnh đất du lịch mới.

Tuy nhiên, hợp tác kinh tế giữa các nước FEALAC còn không ít cản trở trên khía cạnh địa lý, văn hóa và thông tin. Thách thức của FEALAC là làm thế nào nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa do các thành viên của diễn đàn đều có các dự án hợp tác khu vực của riêng mình.

Hội nghị lần này của FEALAC nhằm tạo bước ngoặt trong hợp tác toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Đông Á và Mỹ Latin.