Đợt suy thoái đầu tiên trong 10 năm của kinh tế Hồng Kông có thể tệ hơn dự báo
Nền kinh tế Hồng Kông, trung tâm tài chính châu Á, đã chính thức rơi vào suy thoái trong quý 3 vừa qua
Nền kinh tế Hồng Kông, trung tâm tài chính châu Á, đã chính thức rơi vào suy thoái trong quý 3 vừa qua, dưới sức ép của biểu tình và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Giới chuyên gia nói rằng tình hình thực tế thậm chí có thể tệ hơn so với những gì được dự báo.
Nổ ra từ đầu tháng 6, phong trào biểu tình ở Hồng Kông đã khiến các cửa hiệu tại nhiều khu vực trong thành phố phải đóng cửa sớm hoặc tạm ngừng hoạt động, giao thông công cộng nhiều thời điểm tê liệt, và lượng du khách quốc tế sụt giảm. Trước đó, nền kinh tế của vùng lãnh thổ với vai trò cửa ngõ vào Trung Quốc đại lục này đã "vạ lây" cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo số liệu chính thức công bố ngày 31/10, nền kinh tế Hồng Kông giảm 3,2% trong quý 3 so với quý 2, sau khi giảm 0,5% trong quý 2 so với quý 1. Mức giảm này tệ hơn nhiều so với dự báo, và với hai quý giảm liên tiếp, kinh tế Hồng Kông đã ở trong tình trạng suy thoái.
Đây là đợt suy thoái kinh tế đầu tiên của Hồng Kông kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông đến giờ vẫn chưa có lối thoát, nên cuộc suy thoái này được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2020. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Hồng Kông giảm 2,9% trong quý 3.
"Thực lòng mà nói, không có cơ sở nào để lạc quan cả", trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam phát biểu trong một cuộc gặp với giới doanh nghiệp hôm thứ Năm, trước khi số liệu tăng trưởng kinh tế được công bố.
"Phần lớn sức ép hiện nay đối với kinh tế Hong Kong đến từ bất ổn chính trị. Chiến tranh thương mại có thể khiến kinh tế Hồng Kông giảm tốc, nhưng chưa đến mức suy thoái, nhưng bất ổn chính trị đã dẫn tới suy thoái", chuyên gia về kinh tế Hồng Kông Tommy Wu thuộc Oxford Economics nhận xét.
Các chuyên gia kinh tế dự báo Hồng Kông sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 0-1% đề ra cho năm nay, và sự suy giảm có thể tiếp diễn trong năm tới.
Kinh tế Hong Kong "rất có khả năng tăng trưởng âm trong 2029 và cả 2020… Tôi không hiểu các cuộc biểu tình có thể chấm dứt như thế nào", chuyên gia Iris Pang thuộc ING nhận xét.
Chuyên gia Wu dự báo kinh tế Hong Kong giảm 0,1% trong năm nay và chỉ tăng 0,6% trong 2020. "Rủi ro suy giảm của kinh tế Hong Kong là rất lớn. Nếu bất ổn chính trị kéo dài qua năm nay, tôi dự báo nền kinh tế tiếp tục suy giảm trong 2020", ông Wu phát biểu.
Ngành du lịch, một trụ cột quan trọng của kinh tế Hong Kong, đã và đang khốn đốn vì biểu tình. Trong quý 3, lượng du khách quốc tế thăm Hong Kong giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình quân, các khách sạn ở Hong Kong thời gian này chỉ đạt tỷ lệ sử dụng phòng khoảng 2/3, giảm 28% so với cùng kỳ 2018.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh công bố mới đây, InterContinental Hotels Group cho biết doanh thu bình quân mỗi phòng khách sạn của tập đoàn này ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan giảm 36% trong quý 3, chủ yếu do bất ổn ở Hong Kong. InterContinental có nhiều khách sạn hạng sang tọa lại tại các khu trung tâm của Hong Kong, nơi người biểu tình thường tập trung.
Con số doanh thu bán lẻ cũng vẽ nên một bức tranh đáng buồn về tình trạng của nền kinh tế Hong Kong. Những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát trên đường phố đã khiến nhiều cửa hiệu phải đóng cửa sớm hoặc đóng cửa nhiều ngày. Nhiều người biểu tình thậm chí nhằm vào các cửa hiệu, nhà hàng và chi nhánh ngân hàng mà họ cho là không đồng cảm với biểu tình, đập vỡ cửa sổ, phá bàn giao dịch, và dùng sơn vẽ lên tường, hoặc phóng hỏa một số cơ sở.
Tuần trước, ông Paul Chan, người đứng đầu cơ quan tài chính thuộc chính quyền Hong Kong công bố một loạt biện pháp kinh tế mới để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi biểu tình, bao gồm giảm một nửa giá thuê mặt bằng tài các tòa nhà do chính quyền quản lý, trợ giá xăng dầu cho lái xe taxi, và trợ phí cho dịch vụ phà.
Trước đó, chính quyền Hồng Kông đã chi 255 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và một gói kích cầu 2,4 tỷ USD nhằm bảo vệ việc làm và hỗ trợ cho những người có gánh nặng tài chính.
Trong khi nền kinh tế Hồng Kông chịu áp lực lớn, thị trường tài chính của vùng lãnh thổ vẫn thể hiện sự vững vàng. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông hiện tăng 4% so với thời điểm đầu năm, và nhiều nhà đầu tư vẫn xem Hồng Kông là cửa ngõ quan trọng để tiến vào thị trường châu Á.
Một số doanh nghiệp lớn vẫn chọn Hồng Kông làm nơi để thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tháng 9 vừa qua, hãng bia Anheuser-Busch InBev tiến hành vụ IPO chi nhánh châu Á-Thái Bình Dương tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông(HSE), huy động 5 tỷ USD. Đây là vụ IPO lớn thứ nhì thế giới năm nay, sau vụ IPO của công ty ứng dụng gọi xe Uber.
Theo dữ liệu của Deloitte, tổng giá trị IPO tại HSE từ đầu năm đến nay cao thứ ba thế giới, chỉ sau hai sàn NYSE và Nasdaq của Mỹ.