11:18 10/11/2009

Du lịch Việt Nam: Nhiệt độ tăng thì doanh thu giảm

Y Nhung

Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng và nước biển dâng, đe dọa tương lai của ngành du lịch nói chung và du lịch biển tại Việt Nam

Các bãi biển của Việt Nam nhìn chung khá bằng phẳng, nước trong, sóng gió vừa phải rất thích hợp cho tắm biển và các hoạt động vui chơi giải trí trên biển.
Các bãi biển của Việt Nam nhìn chung khá bằng phẳng, nước trong, sóng gió vừa phải rất thích hợp cho tắm biển và các hoạt động vui chơi giải trí trên biển.
Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng và nước biển dâng, đe dọa tương lai của ngành du lịch nói chung và du lịch biển tại Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cùng với đà tăng lên của nhiệt độ trên toàn thế giới, từ năm 1920 đến nay, nhiệt độ tại Việt Nam cũng tăng lên từ 0,2-1 độ C, nhưng tăng nhanh chủ yếu từ năm 1980 đến nay.

Trong 40 năm qua, nhiệt độ trung bình ở nước ta đã tăng thêm 0,6 độ C. Riêng trong năm 1997, do ảnh hưởng của El Nino, ở Tp.HCM nhiệt độ đã có lúc đạt mức kỷ lục là 40,6 độ C.

Sự gia tăng nhiệt độ khiến mùa nóng kéo dài hơn. Trong khi đó, ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thời gian tốt nhất cho khách du lịch đến từ nước ngoài là mùa thu, mùa đông và mùa xuân khi nhiệt độ từ 15-22 độ C. Do vậy, điều này đã tác động không nhỏ tới doanh thu của toàn ngành du lịch nước ta.

Thông tin trên đã được các đại biểu cùng chia sẻ tại hội thảo “Đánh giá việc biến đổi khí hậu đối với hoạt động quản lý, phát triển các hoạt động du lịch ở Việt Nam”, được tổ chức chiều 9/11.

Nhiệt độ tăng lên cũng khiến cho dịch bệnh cũ và nhiều dịch bệnh mới phát triển mà con người khó có thể kiểm soát. Trong báo cáo gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPPC) đã khẳng định, dưới tác động của nhiệt độ các căn bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, viêm phổi… đều tăng lên. Còn theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến đổi khí hậu sẽ làm khoảng 150 nghìn người chết và 5,5 triệu người ốm mỗi năm.

Thực tế cũng đã cho thấy, dịch bệnh liên tục xuất hiện từ 2003 đến nay như SARS, cúm gia cầm, tiêu chảy… đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động du lịch tại Việt Nam.

PGS. TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch còn dẫn ra: biến đổi khí hậu sẽ làm tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lốc xoáy, lũ… về cả tần xuất và cường độ. Như vậy, xác suất tổ chức thành công các chương trình du lịch với các hoạt động thăm quan, vui chơi giải trí ngoài trời sẽ thấp đi. Điều này là do du lịch chủ yếu bao gồm các hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và lữ hành (đưa đón và hướng dẫn khách tại các địa điểm tham quan du lịch) nên phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố thời tiết.

Nói cách khác, nếu thời tiết xấu, các hoạt động du lịch sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Thậm chí, trong nhiều trường hợp các tour còn bị hủy bỏ.

Thêm vào đó, các chi phí để ứng phó với các biến đổi bất thường của thời tiết sẽ khiến cho giá tour du lịch bị đẩy lên. Đây cũng là nguyên nhân làm cho khách du lịch sẽ lựa chọn những nơi thuận lợi và chi phí phù hợp hơn.

Du lịch biển sẽ bị tàn phá

Với địa hình trải dài từ bắc đến Nam, nước ta được đánh giá là có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch biển. Hiện cả nước có hơn 125 bãi tắm lớn và nhỏ, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các bãi biển của Việt Nam nhìn chung khá bằng phẳng, nước trong, sóng gió vừa phải, không có các ổ xoáy và cá dữ, rất thích hợp cho tắm biển và các hoạt động vui chơi giải trí trên biển.

Bên cạnh đó, sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan tự nhiên với cảnh quan văn hóa- xã hội của biển, vùng ven biển đã tạo cho du lịch biển có lợi thế phát triển hơn hẳn so với các loại hình trên đất liền.

Ngoài ra, khu vực này còn giàu tài nguyên du lịch nhân văn, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây cũng là nơi tập trung hầu hết các di sản thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể của nước ta đã được UNESCO công nhận.

TS. Lê Trọng Bình, Trưởng khoa Quản lý đô thị tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, cho biết thêm: biển và khu vực ven bờ là hệ sinh thái tổng hợp, nơi tập trung nhiều nguồn lực cho phát triển du lịch. Ở nước ta khu vực này tập trung tới 2/3 số cảng biển, sân bay, 1/6 tổng số đô thị, trung tâm dịch vụ, 5/7 địa bàn du lịch trọng điểm, 3/4 các khu du lịch quốc gia…

Về hoạt động kinh doanh du lịch, lượng khách, thu nhâp và GDP du lịch khu vực biển đảo chiến tỷ trọng cao so với cả nước. Hàng năm thu hút khoảng 60% lượng du khách quốc tế; 50% lượng du khách nội địa… thu nhập chiếm khoảng 60% tổng thu nhập xã hội từ du lịch của cả nước.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), khu vực Đông Nam Á, đứng đầu là Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng. Cụ thể, 5,2%  diện tích tự nhiên với 10,8% dân số nước ta sẽ bị ảnh hưởng khi nước biển dâng 1m và con số tương ứng trong trường hợp nước biển dâng 5m sẽ là 16% và 35%.

Còn theo một nghiên cứu mới được công bố về tác động của biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái của Việt Nam do Tổ chức Birdlife International thực hiện, khi nước biển dâng 1m sẽ tác động làm suy giảm giá trị của 46 (chiếm 33%) các khu bảo tồn, 9 (23%) các khu đa dạng sinh học điển hình, 23 (21%) các khu vực có sự tồn tại đa xen giữa các khu bảo tồn đa dạng sinh học điển hình. Trong trường hợp nước biển dâng lên 5m, 52 khu bảo tồn chiếm 37% sẽ bị ảnh hưởng…

Cũng theo TS. Bình, nước biển dâng sẽ làm cho tài nguyên du lịch bị suy thoái, biến đổi, mất mát về lượng (quỹ đất phát triển các khu du lịch và tổ chức các hoạt động du lịch liên quan bị thu hẹp. Đặc biệt là các khu du lịch duyên hải miền Trung sẽ đứng trước nguy cơ sạt lở các dải đất ven biển…) cũng như về giá trị phục vụ. Điều này sẽ làm cho khả năng phát triển sản phẩm du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng và tất yếu sẽ dẫn đến suy giảm các tiền đề phát triển du lịch biển đảo nói riêng và cả nước nói chung.