18:34 19/01/2022

Đưa khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển phù hợp với bối cảnh mới

Vy Vy

Ngày 19/01/2022, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức Hội nghị toàn quốc Góp ý kiến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp điểm cầu Trung ương kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy...

Tham gia Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tham gia Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết cho biết sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp, nông thôn, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

NÔNG NGHIỆP ĐẠT NHIỀU THÀNH TỰU QUAN TRỌNG

Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt được mức khá cao (2,94%/năm), chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng 8,17%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm, với những thành tựu to lớn, toàn diện và lịch sử. Thu nhập bình ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5%/năm.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Đặc biệt, nông nghiệp duy trì tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện; tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất, kinh doanh nông sản chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy lợi thế so sánh, theo nhu cầu thị trường và hướng mạnh vào xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Tỷ trọng nông sản qua chế biến tăng dần. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng cả trong và ngoài nước, tận dụng cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển đổi tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn tăng khá. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm hơn 1,5 năm, tạo sức lan tỏa, trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội.

Nông thôn chuyển biến rõ rệt, khang trang, xanh, sạch, đẹp; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục... được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tuy được triển khai chưa lâu nhưng đã đạt được kết quả tích cực ở nhiều địa phương.

Tuy vậy, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra, những tồn tại, hạn chế trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá; công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Thu nhập ở nông thôn còn thấp, chênh lệnh vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm, vai trò cộng đồng chưa phát huy tốt, nếp sống văn hoá nông thôn, nơi gìn giữ những truyền thống văn hoá cao đẹp của dân tộc ở một số nơi có nguy cơ ngày càng mai một...

CẦN NGHỊ QUYẾT MỚI VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN PHÙ HỢP TÌNH HÌNH MỚI

Để đảm bảo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào những nội dung chủ yếu như đánh giá tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết về những thành công và hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đã đề ra;làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm rút ra từ việc thể chế Nghị quyết; những nội dung kế thừa và phát huy từ kết quả thực hiện Nghị quyết 26 và những quan điểm, mục tiêu, giải pháp nào phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới…

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư lưu ý thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp được hoàn thiện đang thu hút được sự quan tâm.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư lưu ý thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp được hoàn thiện đang thu hút được sự quan tâm.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định Nghị quyết 26-NQ/TW ra đời hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, tạo được cảm hứng của cả hệ thống chính trị. Đến thời điểm này, đã chín muồi để tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và cũng là thời điểm để có thể ban hành một Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Gợi ý về quan điểm, mục tiêu và giải pháp đối với Nghị quyết mới, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu:

Một là, tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn  là vấn đề có vai trò, ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt mục tiêu mà Đại hội XIII đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hai là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Ban, Bộ, ngành về vị trí, vai trò ý nghĩa chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ba là, mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết phải rõ ràng, mạch lạc, khả thi. Trong đó phải xác định định các giải pháp đột phá phù hợp từng giai đoạn, có lộ trình để thực hiện, tránh trường hợp quá chung chung thời nào nói cũng được.

Bốn là, Nghị quyết mới phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên cơ sở cái gì mà đã làm hay thì tiếp tục phát huy, giải pháp mới để giải quyết các vấn đề mới, khắc phục tối đa các hạn chế yếu kém.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng lưu ý một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội như về thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp được hoàn thiện; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải là chờ đợi để giải cứu; nông thôn trở thành môi trường để giới trẻ khời nghiệp trong kinh tế nông nghiệp; môi trường bền vững, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao…