Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Gói hỗ trợ kinh tế cần triển khai cụ thể, không để trục lợi
"Điều cần thiết bây giờ chính là kế hoạch hành động cụ thể để thực thi hiệu quả, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Để tăng cường công tác quản trị và theo dõi, giám sát quá trình thực thi, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; không để trục lợi chính sách"...
Sáng 14/1, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2022, với chủ đề “Phục hồi và bứt tốc tăng trưởng: Từ chính sách kích thích kinh tế đến sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp”.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2021 vừa khép lại với nhiều khó khăn và thách thức chưa từng có tiền lệ đối với nền kinh tế và xã hội.
Năm mà toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực không ngừng để thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng chống dịch Covid-19, vừa gồng mình tìm mọi phương cách để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và giữ ổn định nhịp sống kinh tế - xã hội với những điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch hết sức linh hoạt từ giãn cách xã hội nghiêm ngặt sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Năm 2021, chúng ta đã đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Kinh tế vĩ mô ổn định với tăng trưởng đạt mức 2,58%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp: 1,84% (tính theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm); thương mại hàng hoá tăng cao với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 48,6 tỷ USD.
Cán cân thương mại thặng dư với xuất siêu đạt 4 tỷ USD; đầu tư nước ngoài phục hồi với mức tăng trên 9%. Chính trị, xã hội ổn định; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, uy tín, vị thế của nước ta tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.
Theo ông Sơn, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta năm 2021 cho thấy nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò là trụ đỡ; công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế; môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế ngày càng được củng cố.
Những kết quả này cũng cho thấy đại dịch Covid-19 không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để đổi mới tư duy, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững hơn, bao trùm hơn, xanh hơn; để chống nguy cơ tụt hậu trên cơ sở đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, chính phủ số và nền kinh tế số.
Đồng thời nhằm củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội, lấy con người làm trung tâm; đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; đảm bảo sự phát triển cân đối hơn giữa các vùng, miền, lĩnh vực kinh tế, qua đó khẳng định tính xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường Việt Nam.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, năm 2022 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm mà chúng ta không chỉ phải vượt qua những khó khăn, thách thức mang tính ngắn hạn mà còn phải tạo dựng được nền tảng cho phát triển của nền kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn, nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 2021-2030 và trước hết là trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 2021-2025.
Đứng trước yêu cầu đó, tiếp nối các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngành, các khu vực kinh tế, cho doanh nghiệp và người dân, được triển khai trong các năm 2020 và 2021, Bộ Chính trị đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023.
Mới đây nhất, tại Kỳ họp bất thường của quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước tới nay, gần 350 nghìn tỷ đồng.
Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu là phục hồi phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.
"Có thể nói, “tư tưởng đã thông và thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương; quyết tâm chính trị đã cao”, điều cần thiết bây giờ chính là kế hoạch hành động cụ thể để thực thi hiệu quả, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra; để tăng cường công tác quản trị và theo dõi, giám sát quá trình thực thi, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách", ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.