10:02 16/10/2007

Đường nào cho nông sản vào siêu thị?

Cung Diễm

Bình Dương sản xuất ra một lượng nông sản rất lớn song hầu như không có sản phẩm nào góp mặt tại các hệ thống siêu thị.

Hiện nay, hầu hết các trang trại đều ở trong tình trạng tự sản xuất, tự tiêu thụ với các sản phẩm còn nguyên gốc, rễ khi bán cho thương lái.
Hiện nay, hầu hết các trang trại đều ở trong tình trạng tự sản xuất, tự tiêu thụ với các sản phẩm còn nguyên gốc, rễ khi bán cho thương lái.
Bình Dương có gần 2.000 trang trại lớn, nhỏ, sản xuất ra một lượng nông sản rất lớn. Song có một thực tế là hầu như không có sản phẩm nào góp mặt tại các hệ thống siêu thị. Tại sao có nghịch lý này? Con đường nào để nông sản Bình Dương tiếp cận với các siêu thị?

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc mua thực phẩm tươi sống trong các siêu thị do được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là cơ hội tốt cho người nông dân sản xuất và cung cấp thực phẩm cho các chuỗi phân phối nông sản.

Tại buổi Toạ đàm "Trang trại với siêu thị" do Trung tâm xúc tiến thương mại thuộc Sở Thương mại và du lịch Bình Dương vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Điền, Giám đốc Sở Thương mại và du lịch Bình Dương cho biết, Bình Dương có nguồn cung ứng dồi dào về rau sạch, trái cây và cả thực phẩm tươi sống có chất lượng cho cả các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Trong thời gian vừa qua, người nông dân vẫn phải thông qua các thương lái để tiêu thụ sản phẩm. Các nhà phân phối lẻ và nhà phân phối bán buôn chưa tham gia vào quá trình cung ứng này.

Với diện tích 26 ha, trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến, ở xã Tân Định huyện Tân Uyên Bình Dương có tổng sản phẩm cần tiêu thụ hàng năm từ 200 đến 250 tấn bao gồm các loại xoài cát, cam, quýt, bưởi, mít không hạt với tổng doanh thu hàng năm từ 2 tỷ đến 2,5 tỷ đồng, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, hầu hết các sản phẩm ở trang trại phải tiêu thụ tự do trên thị trường Bình Dương và Tp.HCM, thông qua đầu mối chợ nông sản Thủ Đức và chợ đầu mối Bình Điền.

Đặc biệt một số sản phẩm như mít không hạt, măng thương phẩm phải bán cho thương lái bên ngoài. Ông Đoàn Minh Chiến, Chủ trang trại tổng hợp này cho biết: "Về cung ứng hàng hoá của trang trại, tôi có thể nói đây là vấn đề bất cập giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giữa trang trại, siêu thị cũng như các chợ đầu mối của tỉnh Bình Dương. Lý do là các chợ đầu mối không nhận hàng hoá của các trang trại đưa đến".

Không chỉ riêng trang trại Đoàn Minh Chiến, mà phần lớn các nhà vườn chủ trang trại ở Bình Dương đều không có sản phẩm cung ứng cho các siêu thị ở Bình Dương. Nguyên nhân chủ yếu là không có sự liên kết từ nhà nông đến các nhà kinh doanh siêu thị.

Hiện nay, hầu hết các trang trại đều ở trong tình trạng tự sản xuất, tự tiêu thụ với các sản phẩm còn nguyên gốc, rễ khi bán cho thương lái, trong khi đó siêu thị lại cần mua những sản phẩm nông sản đã qua xử lý có nhãn, mác, thương hiệu rõ ràng. Thêm vào đó siêu thị lại cần một khối lượng nông sản lớn, mang tính ổn định, trong khi hầu hết các sản phẩm nông sản của Việt Nam hiện nay đều mang tính thời vụ, phụ thuộc đáng kể vào yếu tố thời tiết.

Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Hải Long, Bình Dương cho biết: "Sản phẩm sạch của nông sản muốn được vào siêu thị phải có những tiêu chí sau: thực phẩm thực sự bảo đảm sạch, mẫu mã và có đăng ký chất lượng, có giấy phép chất lượng an toàn thực phẩm".

Hệ thống siêu thị Metro là một trong những hệ thống phân phối nông sản lớn có uy tín, đáng tin cậy, hiện nay. Được biết tại Metro, một số loại nông sản có thương hiệu của Bình Dương như chanh không hạt, bưởi không hạt của trang trại Phương Uyên cũng đã có mặt. Có nghĩa là có một vòng luân chuyển luẩn quẩn của nông sản từ Bình Dương đến Tp.HCM, rồi lại trở về Bình Dương.

Vì vậy giải quyết được những vấn đề đó cần phải có hệ thống trung gian như Metro được xây dựng tại đây.Tuy nhiên muốn đưa nông sản vào siêu thị, ngay bản thân các siêu thị cũng cần vượt qua nhiều thách thức.

Các chủ trang trại và nhà nông ở tỉnh Bình Dương đều cho rằng mặc dù siêu thị thu mua nông phẩm với giá cao và ổn định hơn so với thương lái, nhưng lại đưa ra những yêu cầu cao về chất lượng, do đó chỉ lấy sản phẩm loại 1, tốt nhất. Vì vậy số sản phẩm còn lại rất khó tiêu thụ ở nơi khác. Thêm vào đó hầu hết các siêu thị lại cần đa dạng và phong phú sản phẩm nên các trang trại nhỏ, lẻ khó đáp ứng được yêu cầu.

Chủ trang trại Đoàn Minh Chiến cho biết: "Khó khăn lớn nhất là vấn đề ký hợp đồng chính thức giữa các trang trại và các siêu thị. Vì nếu không có hợp đồng thì các siêu thị không giải quyết hàng hoá của các trang trại trên địa bàn tỉnh nhà. Vấn đề khó khăn tiếp theo là chưa xác lập quan hệ hợp tác giữa ba nhà: nông dân, trang trại với các doanh nghiệp".

Khi thực hiện mối liên kết 4 nhà này, vai trò và lợi ích của các bên tham gia đều được nâng lên, nhất là nông dân có điều kiện tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp và giải quyết được bài toán khó lâu nay là đầu ra của sản phẩm.