Doanh nghiệp “đặt hàng” các đại diện Việt Nam tại nước ngoài phát triển thị trường xuất khẩu
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là “cây cầu”, là “bà đỡ” cho sản phẩm Việt Nam vươn rộng ra thị trường thế giới...
Toạ đàm giữa các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài với các doanh nghiệp, hiệp hội do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 12/11 đã có 23 Đại sứ và Tổng Lãnh sự Việt Nam phụ trách 48 thị trường tham dự.
DOANH NGHIỆP “ĐÓI” THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Mở đầu toạ đàm, ông Đỗ Hùng Việt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền – Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ, thông tin rằng trước khi các Đại sứ, Tổng Lãnh sự lên đường nhận nhiệm vụ, Bộ Ngoại giao tổ chức cho các Trưởng cơ quan đại diện đi chào lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo chủ chốt, làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nắm bắt tình hình và nhu cầu trong nước.
“Đây là một trong những hoạt động quan trọng, thiết thực, hiệu quả trong chương trình của đoàn Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện nhằm nắm bắt nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp để triển khai hiệu quả, thực chất công tác ngoại giao kinh tế…”, ông Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.
“Chúng tôi mong muốn đi công tác sẽ ngồi trên những chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam, chiếc xe ô tô sử dụng khi đi công tác sẽ là chiếc ô tô thương hiệu Việt Nam, sản phẩm dùng trong các tiệc chiêu đãi đối ngoại sẽ là sản phẩm Việt Nam, bộ quần áo mặc trên người cũng là của Việt Nam sản xuất… Chúng tôi sẽ là những người đại diện cho thương hiệu Việt Nam quảng bá các sản phẩm của Việt Nam đến với thế giới, đến với thị trường phụ trách”, ông Việt chia sẻ.
Tại toạ đàm, nhiều doanh nghiệp mong muốn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là “cây cầu”, là “bà đỡ” cho sản phẩm Việt Nam vươn rộng ra thị trường thế giới.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), chia sẻ rằng Chính phủ đã vừa phê duyệt Chiến lược phát triển dệt may – da giày đến 2030 tầm nhìn 2035. Dự kiến, đến 2030 ngành dệt may xuất khẩu 68-70 tỷ USD. Sau đó tốc độ chậm dần, chuyển sang kinh doanh có hiệu quả và kinh tế tuần hoàn.
Song từ chiến lược này, ông Cẩm cho biết ngành dệt may hiện bị vướng do yếu ở khâu tự chủ nguồn nguyên phụ liệu đặc biệt vải, dệt, nhuộm và hoàn tất.
Ngành dệt may hiện nay xuất khẩu vào trên 100 thị trường, trong đó: Hoa Kỳ chiếm khoảng 40% của 44 tỷ USD; EU, Nhật Bản mỗi nước khoảng 12%; Trung Quốc, Hàn Quốc mỗi nước trên dưới 9%, Asean 7%. Nếu cộng 6 khu vực này lại đã chiếm gần 90% toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam. Gần 100 thị trường còn lại chỉ chiếm hơn 10% kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Trong khi đó, theo ông Cẩm, mục tiêu của ngành dệt may muốn đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, không muốn phụ thuộc vào một số thị trường chính. Do đó, ngành rất cần nắm bắt được thông tin từ các thị trường, như dung lượng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, quy định pháp luật của nước sở tại…
Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh hiện nay biến động vô cùng, doanh nghiệp rất thụ động. Các thị trường như EU đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về Chiến lược dệt may bền vững; Chỉ thị thẩm định trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng; Đức có Đạo luật tra soát chuỗi cung ứng… Doanh nghiệp đã nắm được, nhưng để hiểu sâu về những quy định này thì hiện nay còn rất hạn chế.
Ngoài ra, dệt may rất muốn thu hút đầu tư vào khâu dệt, nhuộm, hoàn tất, nên muốn được kết nối, giới thiệu những nhà đầu tư có uy tín, năng lực và mong muốn hợp tác lâu dài, với công nghệ tiên tiến về xanh hóa ngành.
Sản phẩm của Hapro có mặt tại gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu Hapro không đặt hàng các cơ quan giới thiệu chi tiết sản phẩm giúp doanh nghiệp, vì điều này chỉ có doanh nghiệp sản xuất ra mặt hàng đó mới mô tả được chi tiết sản phẩm của mình. Tuy nhiên, khi các đại sứ làm việc với các đối tác có nhu cầu về sản phẩm, nhờ các đại sứ giới thiệu giúp về các thương hiệu Việt Nam, như nói đến sữa là có Vinamilk, nông sản có Hapro… Và khi các đoàn doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu đến Việt Nam, nhờ các nhà ngoại giao kết nối với doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, nước sở tại có sự thay đổi chính sách, biến động thị trường, chính trị cũng rất cần có sự hỗ trợ thông tin từ các nhà ngoại giao, vì doanh nghiệp không thể bao quát được hết những biến động này.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, ông Nguyễn Vân đề xuất các đại sứ tiếp tục quan tâm hỗ trợ đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối các đối tác có nhu cầu hợp tác, chuyển giao công nghệ, tài trợ nguồn vốn đầu tư cho các trong nước công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Cơ quan Bộ ngoại giao xem xét tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại các nước sở tại bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để doanh nghiệp trong nước có cơ hội mở rộng thị trường. Quan tâm cấp visa, thị thực nhập cảnh cho các đoàn doanh nghiệp là đối tác của hiệp hội, doanh nghiệp trong nước khi họ mong muốn đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác…
NGOẠI GIAO KINH TẾ CHIẾM HƠN 50%
Trước các đề xuất của doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định công dân Việt Nam ở đâu, lợi ích của đất nước Việt Nam ở đó. Doanh nghiệp Việt Nam ở đâu, lợi ích đất nước Việt Nam ở đó. Đối với các cán bộ ngoại giao đặc biệt các Đại sứ và Tổng lãnh sự, nhiệm vụ tối cao là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, trong đó bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và công dân Việt Nam ở nước ngoài”.
Các cơ quan ngoại giao xác định nhiệm vụ quan trọng, đó là giới thiệu đến các đối tác quốc tế về Việt Nam, về doanh nghiệp, môi trường đầu tư của Việt Nam để đưa, kết nối các đối tác đến với Việt Nam. Đồng thời sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.
Ông Phạm Thanh Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc kiêm nhiệm Liên bang Micronexia, cho rằng ngoại giao kinh tế là một trong 3 nội hàm trụ cột bên cạnh ngoại giao chính trị và văn hoá của công tác ngoại giao.
Thực tế hiện nay, thời lượng công việc liên quan tới hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế chiếm đến hơn 50%, thậm chí ở một số địa bàn, tuỳ đặc thù chiếm tới 80% khối lượng công việc của cán bộ ngoại giao trong xử lý các công việc.
Với đề nghị hỗ trợ mở cửa thị trường, đưa nông sản Việt Nam ra thế giới, ông Phạm Thanh Bình cho rằng hoạt động này lâu nay đã có sự phối hợp tốt, thường xuyên, liên tục của 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (sắp tới mở thêm 4 cơ quan tại diện nữa tại Bồ Đào Nha, Iceland, Trùng Khánh và Busan), cộng với mạng lưới của các Thương vụ thương mại…
Kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài là nhu cầu của cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Song ông Bình lưu ý, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới các đối tác, dù chưa phải là lĩnh vực mình quan tâm, nhưng đây cũng là triển vọng hợp tác lớn cho doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, bà Đoàn Phương Lan, Vụ trưởng Vụ tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao, đề nghị các hiệp hội và doanh nghiệp lớn đầu ngành đứng ra là đầu mối từng ngành, phối hợp với Bộ Ngoại giao chia sẻ thông tin. Vì muốn mở rộng thị trường, các cơ quan đại diện nước ngoài cần nắm bắt được yêu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của ngành hàng và những khó khăn của doanh nghiệp, từ đó mới tìm được cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh ngay từ đầu năm ở các địa bàn trọng điểm, để cung cấp cho cơ quan đại diện. Còn nếu có thông tin trước vài ngày, hoặc 1-2 tuần trước khi diễn ra các hoạt động xúc tiến, thì cơ hội tìm kiếm đối tác hiệu quả cho chuyến đi xúc tiến của mình gần như không thể.