23:54 14/11/2024

Xuất khẩu sản phẩm Halal vào các nước hồi giáo: Thị trường tiềm năng nhưng đầy thách thức

Huyền Vy

Với vị thế nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới, và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới; đồng thời cũng là mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halan…

Việc tham gia hiệu quả, bài bản vào thị trường Halal toàn cầu sẽ giúp Việt Nam khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng.
Việc tham gia hiệu quả, bài bản vào thị trường Halal toàn cầu sẽ giúp Việt Nam khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng.

Trong khuôn khổ của Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2024 – Vietnam Foodexpo 2024, ngày 14/11, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm thực phẩm Halal” nhằm cập nhật tình hình xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại các mặt hàng Halal sang khu vực Đông Nam Á, Trung Đông - Châu Phi; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm Halal, dần đưa Việt Nam vào danh sách nguồn cung thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu.

XUẤT KHẨU SẢN PHẨM HALAL CÒN RẤT KHIÊM TỐN

Theo thông tin tại hội thảo, thị trường Hồi giáo hiện có khoảng trên 2 tỷ người, chiếm khoảng 25% tổng dân số toàn cầu. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực Châu Á, nhất là trong khối ASEAN. Những năm qua, nhu cầu đối với các sản phẩm Halal ngày càng gia tăng và đang trở thành xu hướng toàn cầu. Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Hơn nữa, sản phẩm Halal đang được nhiều người quan tâm chứ không chỉ cộng đồng Hồi giáo. Một số thị trường thông thường vẫn tích cực mua vì tính chất lượng, an toàn, bền vững của chứng nhận này. Ngược lại, doanh nghiệp có năng lực sản xuất được hàng Halal thì dễ tiếp cận được các thị trường khó tính.

Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho biết: “Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn, khi Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới, và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới; đồng thời là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết…”.

Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Năng lực xuất khẩu top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20-30 nước cung cấp thực phẩm Halal toàn cầu. Lý giải về tình trạng này, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, cho rằng đến từ nguyên nhân doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết được cơ hội do gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal như chi phí đầu tư cao, thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal chưa nhiều.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều quốc gia đã có kinh nghiệm và uy tín trong việc xuất khẩu các sản phẩm Halal. Chẳng hạn như mặt hàng thủy sản, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trên thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), tôm Việt Nam phải cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador. Trong đó, tôm Ấn Độ chiếm gần 60% -70% thị phần, Ecuador mới thâm nhập thị trường vài năm gần đây với 15% thị phần, trong khi tôm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5%-7% thị phần.

Ngoài ra, văn hóa tiêu dùng tại thị trường Trung Đông và châu Phi cũng có nhiều khác biệt so với Việt Nam, từ cách thức tiêu thụ sản phẩm, sở thích về hương vị, bao bì… cho đến phương thức quảng bá sản phẩm.

 LỰA CHỌN TỔ CHỨC CHỨNG NHẬN HALAN UY TÍN ĐỂ DỄ DÀNG THÂM NHẬP CÁC THỊ TRƯỜNG HỒI GIÁO

Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, để sản phẩm Halal của doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, điều quan trọng là phải lựa chọn tổ chức chứng nhận Halal uy tín và được công nhận quốc tế. Một số tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam tuy có thể cung cấp dịch vụ chứng nhận, nhưng nếu không được công nhận bởi các tổ chức quốc tế, chứng nhận của họ sẽ không có giá trị khi xuất khẩu vào nhiều nước Hồi giáo.

“Chứng nhận từ một tổ chức không uy tín, có thể khiến sản phẩm của doanh nghiệp bị từ chối nhập khẩu, hoặc phải trải qua quá trình kiểm định bổ sung, gây lãng phí thời gian và chi phí”, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cảnh báo.

Để tránh những rủi ro này, doanh nghiệp cần chọn các tổ chức chứng nhận Halal đã được công nhận bởi các cơ quan Halal hàng đầu như Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia (Jakim), Cơ quan tổ chức đảm bảo sản phẩm Halal của Indonesia  (BPJPH), Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến (MoIAT) của Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) ... hoặc các tổ chức uy tín khác được chấp nhận tại các nước Hồi giáo.

Hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có 1 tổ chức được công nhận quốc tế bởi các tổ chức Hồi giáo nêu trên là Văn Phòng Chứng nhận Halal HCA Việt Nam. Trong khi đó, việc cung cấp thông tin về thị trường Halal, quy định tiêu chuẩn sản phẩm Halal còn khá hạn chế, nên doanh nghiệp vẫn còn loay hoay trong việc chọn tổ chức chứng nhận.

“Tổ chức chứng nhận Halal có uy tín, được công nhận quốc tế sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ dễ dàng được chấp nhận tại các thị trường Hồi giáo mà còn giúp tạo uy tín, nâng cao vị thế thương hiệu trên thị trường quốc tế”, đại diện Văn phòng Chứng nhận Halal nhấn mạnh.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác bản địa tại thị trường xuất khẩu, đây cũng là yếu tố có vai trò quan trọng để tiếp cận hiệu quả thị trường Trung Đông và châu Phi nói riêng, thị trường Halal toàn cầu nói riêng.

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cho biết thời gian qua, Cục cũng đang chú trọng tăng cường hỗ trợ và phối hợp với các hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như tập huấn, hội thảo, hội nghị, giao thương, hội chợ triển lãm... nhằm hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm hiểu thông tin, tiếp cận thị trường, tìm kiếm bạn hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu Halal của Việt Nam.

Việc tham gia hiệu quả, bài bản vào thị trường Halal toàn cầu sẽ giúp Việt Nam khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

 

Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/QÐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đây là đề án đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.

Ngày 24/4/2024, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam - HALCERT (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ) được thành lập, góp phần thống nhất quản lý nhà nước về chứng nhận Halal, tạo điều kiện thuận lợi và giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí để thâm nhập hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.