DVD lại điêu đứng vì tin xấu
Cổ đông lớn thoái nốt phần vốn tại DVD đúng vào lúc tin xấu được công bố khiến cổ phiếu này giảm sàn liên tục 2 phiên gần đây
Ngày 21/1 tới đây, cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông (DVD-HOSE) là ngân hàng An Bình sẽ bắt đầu thoái toàn bộ vốn. Mới nhất, ngày 18/1, thông tin từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) đã hé lộ thêm về nghi vấn kinh doanh lòng vòng, tạo doanh thu ảo của công ty này.
Theo thông báo của SSC, DVD đã không cung cấp được các chứng từ chứng minh doanh thu có thật giữa DVD và một số công ty khác, cũng như giá trị các hợp đồng ký kết năm 2010. Các giao dịch của DVD có liên quan đến 3 đơn vị là: Công ty Cổ phần Liên doanh LiLy Pháp, Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Kỹ thuật Hoàn Thiện, Công ty Cổ phần Quốc tế Viễn Đông. Theo báo cáo tài chính các năm từ 2007-2010, phần lớn doanh thu của DVD là phát sinh từ các giao dịch với các công ty nêu trên.
Như vậy tiếp nối các thông tin ban đầu được hé lộ từ ngày 3/12/2010, nghi vấn về khả năng tạo doanh thu ảo của DVD đã rõ ràng hơn. Trước đó, thông tin ban đầu từ Cơ quan An ninh Điều tra chỉ cho biết ông Lê Văn Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc DVD cùng một số đối tượng đã lập ra nhiều công ty do người trong gia đình và bạn bè đứng tên làm lãnh đạo nhưng thực chất việc kinh doanh do ông Lê Văn Dũng chỉ đạo thực hiện để kinh doanh lòng vòng, tạo doanh thu ảo cho DVD; cung cấp một số thông tin không đúng thực tế, như về các hợp đồng có giá trị lớn, doanh thu của DVD... nhằm chào bán cổ phiếu của DVD ra công chúng và hỗ trợ đăng ký niêm yết cổ phiếu DVD trên Sở GDCK Tp.HCM.
Khi phần lớn doanh thu của DVD xuất phát từ mối quan hệ thương mại với 3 đối tác nói trên, trong đó Công ty Cổ phần Liên doanh LiLy Pháp là công ty con của DVD (nắm giữ 97% vốn), mà DVD không cung cấp được các chứng từ chứng minh doanh thu có thật cũng như giá trị các hợp đồng ký kết năm 2010 thì không hiểu độ tin cậy của thông tin đến đâu? Theo công văn số 12/CV/2011 ngày 14/1/2011 của DVD, tính đến 31/12/2010, các khoản chưa thể xác nhận, đối chiếu được lên tới 641 tỷ đồng.
Liên quan đến đối tác nước ngoài trong dự án xây dựng nhà máy bào chế dược phẩm Lili of France, thông tin vẫn chưa rõ ràng. Theo SSC, DVD đã thừa nhận tại Biên bản làm việc ngày 17/11/2010 về việc đưa các thông tin về Công ty YVERRY không được kiểm chứng, sai lệch, ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư vào trong Bản cáo bạch. Các thông tin chính xác về Công ty YVERY cho tới trước khi SSC có quyết định hủy đợt chào bán vẫn chưa được DVD chỉnh sửa, bổ sung.
YVERRY được DVD thông báo là đối tác chiến lược của công ty trong dự án trên. Đây là một công ty của Pháp chuyên nghiên cứu các chất có hoạt tính sinh học và quy trình công nghệ sản xuất dược, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. DVD khẳng định “với sự hợp tác chiến lược này, không những công ty có điều kiện tiếp cận với công nghệ sản xuất dược phẩm hiện đại từ Pháp và các nước đang phát triển khác mà còn là kênh để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường châu Âu. Đây là cơ hội để đầu tư dự án xây dựng Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao để sản xuất kháng sinh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu”.
Câu chuyện liên quan đến hành vi thao túng giá của nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc DVD hiện đã không còn được thị trường quan tâm nhiều. Tác động lớn đến cổ phiếu DVD lúc này là hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm là liệu số liệu về hoạt động kinh doanh của DVD chính xác đến đâu còn là ẩn số.
Ngày 21/1 tới đây, cổ đông lớn của DVD là ngân hàng An Bình sẽ bắt đầu được bán ra toàn bộ 475.000 cổ phiếu đang sở hữu để thoái toàn bộ vốn góp tại DVD. Trước đó, từ ngày 5/7 đến 25/8/2010, ngân hàng An Bình đã bán được 475.000 cổ phiếu. Các đại diện vốn của An Bình tại DVD cũng đã có sự thay đổi trước đó. Sau khi ông Dũng liên quan đến vụ thao túng giá, bà Trần Thanh Hoa, đại diện phần vốn của An Bình lên làm chủ tịch Hội đồng quản trị. Ngày 20/12, bà Hoa thôi làm chủ tịch Hội đồng quản trị DVD và cũng không còn làm đại diện vốn của An Bình nữa. Đại diện vốn mới là ông Phạm Quốc Thanh và cũng chỉ giữ một ghế trong Hội đồng quản trị.
Liên tiếp hai phiên giao dịch kể từ khi DVD có thông tin cụ thể hơn về “số phận” của đợt phát hành thêm và uẩn khúc của câu chuyện doanh thu, cổ phiếu DVD đã bị nhà đầu tư bán ra rất mạnh, giá giảm sàn liên tục. Ngày 20/1, DVD bị bán sàn và ATC trên 100.000 cổ phiếu nhưng chỉ được khớp một nửa.
Nhà đầu tư tham gia cuộc chơi đánh cược với tương lai của DVD trong hơn 4 tháng qua đã lĩnh đủ rủi ro. Áp lực giảm tiếp của DVD là rất lớn vì rất có thể thông tin xấu vẫn chưa hết. Cổ đông lớn bán ra để thoái vốn sẽ cản trở khả năng phục hồi vì thực tế khối lượng cần bán lớn hơn nhiều khả năng mua vào lúc này. Dù ngân hàng An Bình thông báo thời gian bán kéo dài tới 2 tháng nhưng trong đó có thời gian dài là nghỉ tết. Dù giá vốn của lượng cổ phiếu này thấp hay phải cắt lỗ, nhu cầu bán được đều lớn.