Cổ phiếu DVD: Sẵn sàng đánh cược với rủi ro?
Lại thêm một nhân vật cao cấp nữa của DVD bị bắt trong ngày 6/12. Liệu còn tin xấu nào mà thị trường chưa biết?
Mua khi tin xấu, bán khi tin tốt là chiến lược được không ít nhà đầu tư áp dụng. Tuy nhiên, đây cũng là chiến lược đầu tư đánh cược với rủi ro khi thông tin mới nhất hôm nay, lại có thêm nhân vật cao cấp của DVD bị bắt.
Vụ bắt giữ hàng loạt nhân sự cao cấp của Công ty Dược Viễn Đông (DVD) đang là tâm điểm chú ý khi được xem như một “án điểm” của hiện tượng thao túng giá và các nghi vấn trong hoạt động kinh doanh.
Hiện tượng cổ phiếu DVD tăng trần 3/5 phiên gần đây, đặc biệt là sau khi HOSE chính thức hạn chế giao dịch trong 15 phút đóng cửa khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên những người không ngại rủi ro lại cho rằng khi tin xấu ồ ạt lộ ra mà giá vẫn tăng trần chứng tỏ lực cầu đủ mạnh để đi ngược lại xu hướng.
Một số nhà đầu tư cho rằng có ít nhất ba lý do để có thể mạo hiểm với DVD.
Thứ nhất, DVD đã được điều chỉnh giá kỹ thuật vào ngày 8/9/2010 để phát hành thêm. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán đã quyết định đình chỉ có thời hạn đợt chào bán đó. Vấn đề đặt ra là liệu DVD có được “trả lại” mức giá đã điều chỉnh hay không vì cổ đông nắm giữ để mua cổ phiếu phát hành thêm đang thiệt.
Thứ hai, việc phong tỏa hàng loạt tài khoản của cá nhân và tổ chức có liên quan đến hành vi thao túng giá sẽ “giam” lại một lượng lớn cổ phiếu trôi nổi. Khi lượng cổ phiếu lưu hành tự do giảm đi thì khả năng “đánh lên” với DVD là khá dễ dàng về kỹ thuật. Đặc biệt khi DVD chỉ được giao dịch có 15 phút đóng cửa thì phương thức khớp lệnh định kỳ có thể “hỗ trợ” khả năng này. Thực tế cho thấy mấy phiên gần đây DVD đã xảy ra hiện tượng như vậy khi tăng trần.
Thứ ba, việc bắt giữ một số nhân vật cao cấp của DVD đã xảy ra và DVD đã thay thế bộ máy lãnh đạo. Mới đây DVD cũng thông báo về việc giao hàng trở lại chứng tỏ hoạt động của công ty sẽ trở lại bình thường. Ai sai sẽ bị xử và DVD vẫn hoạt động như một doanh nghiệp bình thường.
Những lập luận trên cũng không phải không có cơ sở khi trên thị trường, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Nếu DVD vẫn tăng giá thì rõ ràng mọi suy luận ngược lại đều sai và nhà đầu tư chấp nhận mạo hiểm vẫn có cơ thắng lớn.
Tuy nhiên, đầu tư hay đầu cơ trên thị trường đều căn cứ vào rủi ro và lợi nhuận. Rủi ro càng cao thì lợi nhuận phải càng cao để bù đắp lại. Vậy rủi ro với DVD là gì?
Thứ nhất, việc đình chỉ phát hành với DVD chưa có kết luận cuối cùng. Theo thông báo ngày 3/12 của Ủy ban Chứng khoán, cơ quan này sẽ xem xét hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng khi có kết luận chính thức của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an. Ủy ban Chứng khoán thông báo để các nhà đầu tư biết rõ khi quyết định giao dịch liên quan đến cổ phiếu DVD. Như vậy khả năng “trả lại” giá DVD như chưa có điều chỉnh kỹ thuật vẫn chưa rõ ràng.
Thứ hai, những sai phạm liên quan đến DVD vẫn chưa có kết luận. Rủi ro lớn nhất lúc này là các thông tin vẫn chưa được công bố hết.
Ngày 19/11, DVD bị đình chỉ đợt chào bán. Ngày 26/11 ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty bị bắt. Ngày 27/11 bắt thêm ông Lê Văn Mạnh, em trai ông Lê Văn Dũng. Ngày 2/12 Trung tâm Lưu ký phong tỏa tài khoản của ông Dũng cùng 2 tổ chức và 13 cá nhân có liên quan. Ngày 3/12 cơ quan an ninh bắt khẩn cấp và tạm giữ Phó tổng giám đốc tài chính kiêm kế toán trưởng. Mới nhất ngày 6/12, ông Nguyễn Văn Việt - Ủy viên Hội đồng Quản trị DVD lại bị bắt do hành vi thao túng giá chứng khoán.
Xâu chuỗi các sự kiện cho thấy vụ việc DVD không hề đơn giản khi đã liên quan đến cơ quan an ninh điều tra. Các thông tin như vậy chắc chắn được bảo mật và chỉ công bố khi cần thiết. Câu hỏi chắc chắn cần đặt ra là liệu còn thông tin bất lợi gì mà thị trường chưa biết nữa hay không; liệu còn nhân vật nào liên quan, mức độ như thế nào và sai phạm đến đâu? Trong trường hợp như vậy, không thể nói diễn biến giá cổ phiếu đã phản ánh hết tin xấu.
Thứ ba, ngoài vi phạm về thao túng giá cổ phiếu của một số cá nhân, thông tin từ Ủy ban Chứng khoán và cơ quan điều tra còn cho biết ông Lê Văn Dũng cùng một số đối tượng đã lập ra nhiều công ty do người trong gia đình và bạn bè đứng tên làm lãnh đạo nhưng thực chất việc kinh doanh do ông Dũng chỉ đạo thực hiện để kinh doanh lòng vòng, tạo doanh thu ảo cho DVD; cung cấp một số thông tin không đúng thực tế, như về các hợp đồng có giá trị lớn, doanh thu của DVD... nhằm chào bán cổ phiếu của DVD ra công chúng và hỗ trợ đăng ký niêm yết cổ phiếu DVD trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.
Đây là thông tin rất đáng lưu ý vì nó liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DVD. Cổ phiếu nào cũng dựa trên những yếu tố cơ bản của hoạt động sản xuất kinh doanh từ doanh nghiệp. Việc DVD sai phạm thế nào trong việc kinh doanh lòng vòng, tạo doanh thu ảo, thông tin sai sự thực về hợp đồng, doanh thu... chưa có kết luận cuối cùng. Nếu điều đó là có thực, DVD sẽ phá tan những căn cứ cơ bản cuối cùng về giá trị doanh nghiệp. Thị trường có thể suy luận xa hơn: Nếu có sai phạm trong kinh doanh thì còn những sai phạm gì nữa mà cơ quan quản lý chưa phát hiện được? Liệu có thể tin được những thông tin mà công ty công bố hay không?
Thứ tư, yếu tố thị trường, sự mạo hiểm của giới đầu tư được cộng hưởng với lượng cổ phiếu lưu hành ít có thể làm nên diễn biến tăng giá. Tuy nhiên mọi diễn biến lúc này mới chỉ là suy luận thuần túy. Trông đợi vào một yếu tố mơ hồ như vậy để đánh cược với DVD thì rủi ro là cao.
Dĩ nhiên trong trường hợp ngược lại, nếu các vi phạm thao túng giá là của cá nhân, doanh nghiệp vẫn làm ăn tốt, trung thực thì những nhà đầu tư mạo hiểm sẽ “thắng đậm”. Không ít trường hợp trong quá khứ như REE đã một thời giảm xuống dưới mệnh giá do làm ăn thất bát, nhưng vẫn có những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro để sau đó lợi nhuận gấp vài lần.